Quảng Bình: Thâm canh na Thái, hái quả ngọt trên gò đồi

Khởi nghiệp với na Thái

Anh Ngô Đình Minh (SN 1993), là một cử nhân ngành du lịch nhưng lại lựa chọn bắt đầu sự nghiệp với trồng trọt ngay từ khi mới 24 tuổi. Thử sức với 600 gốc thanh long ruột đỏ trên mảnh đất vùng gò đồi từng trồng cây lâm nghiệp lấy gỗ của gia đình tại xã Vạn Ninh (Quảng Ninh), anh thất bại khi giống cây này thường bị sâu bệnh. Rút ra kinh nghiệm từ đó và tìm hiểu thêm một số giống cây phù hợp với điều kiện tự nhiên trên đất gò đồi vốn đất lẫn đá và hứng chịu bão khi vào mùa, anh thử nghiệm thâm canh 300 gốc na xen với 300 gốc bưởi xa danh trên diện tích 5000 m2.

Lứa cây na Thái cho kết quả ngay từ vụ đầu tiên với sản lượng 1 tấn, mang đến doanh thu gần 70 triệu đồng. Trước kết quả đó, anh nông dân trẻ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lên 2 ha, trong đó diện tích dành cho na Thái lên đến 1,5 ha. Trải qua hơn 5 năm chăm sóc, cho đến nay, anh Ngô Đình Minh cho biết giống cây này mang lại sản lượng khá ổn định với hiệu quả kinh tế cao.

Lứa cây na Thái cho kết quả ngay từ vụ đầu tiên với sản lượng 1 tấn

“Vào vụ mùa đầu tiên, na Thái là loại trái cây khá mới trên thị trường địa phương nên có thể mang lại giá thành cao. Hiện nay, mặc dù có giảm một chút còn 50.000-60.000 đồng/kg, nhưng sản lượng khá ổn định. Tôi cũng đầu tư hệ thống tưới tiêu tận gốc ngay từ đầu nên nay công chăm sóc cũng được giảm thiểu đáng kể”, anh Minh cho biết.

Được biết, tháng 7 thường là chính vụ của na Thái. Năm nay, người nông dân 9x ước lượng sản lượng na Thái mang lại là khoảng 2 tấn, với những trái na to nhất có thể rơi vào gần nửa kg. Vụ còn lại hộ trồng trọt có thể tranh thủ chăm sóc vào trước Tết Âm lịch, mang lại thành quả phục vụ ngày Tết.

“Na Thái có bề ngoài khá đẹp, tươi khá lâu trong vòng khoảng 1 tuần nên phù hợp để khách hàng đặt trên ban thờ ngày Tết. Loại trái này cũng nhiều thịt, ít hạt và ăn rất ngon nên khách hàng tại tiệm của tôi khá thích. Qua tìm hiểu, thấy loại quả này không có sâu bệnh nhiều, được trồng theo hướng xanh và sạch. Do vậy, tôi thường nhập từ vườn của Minh để giới thiệu cho khách vào dịp trước Tết hoặc chính vụ mùa hè”, chị Nguyễn Thị Hồng Trang, chủ cửa hàng Từ Tâm Garden (TP. Đồng Hới) chia sẻ về loại trái cây này.

Nắng hạn, đất “nghèo”… cho trĩu quả

Với mô hình trồng na Thái trên vùng gò đồi hiệu quả, mang lại giá trị thiết thực, vườn na Thái của anh Ngô Đình Minh là một trong hai mô hình được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư lựa chọn hỗ trợ trong năm 2022, cùng với vườn na của bà Trịnh Thị Nga tại xã Quảng Tùng (Quảng Trạch).

Mô hình trồng thâm canh cây na Thái vùng gò đồi nhằm mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng gò đồi hiệu quả thấp sang trồng thâm canh cây na Thái, đồng thời áp dụng tiến bộ kỹ thuật về tưới nước tiết kiệm nhằm thích ứng biến đổi khí hậu, từ đó từng bước tạo vùng chuyên canh cây ăn quả tập trung, phát triển bền vững theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị kinh tế vùng gò đồi, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Vườn na Thái của anh Ngô Đình Minh là một trong hai mô hình được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư lựa chọn hỗ trợ trong năm 2022

Theo ông Lê Thuận Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư, mô hình trồng na Thái trên vùng đất gò đồi xã Vạn Ninh bước đầu góp phần giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, giúp người dân nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

“Kết quả của mô hình còn là bước đột phá cho nhận thức của người nông dân về áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp trên vùng đất gò đồi, nhằm khai thác hết hiệu quả tiềm năng đất đai, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị hiệu quả và bền vững trong thời gian tới”, ông Trung cho biết.

Được biết, cả hai vườn na Thái đều sử dụng hệ thống tưới tiêu tận gốc, đưa nước đến trực tiếp vùng rễ cây nên cây sử dụng được tối đa lượng nước tưới, từ đó giúp tiết kiệm trên 60% lượng nước tưới và giảm chi phí công lao động 2/3 lần so với phương pháp tưới truyền thống, góp phần bảo vệ nguồn nước ngầm… Bên cạnh đó, giống na Thái có khả năng thích nghi khá với các bất lợi của môi trường như nắng nóng gay gắt kéo dài, gió, đất “nghèo” dinh dưỡng… Nên trong vụ mùa hè năm 2023, sản lượng vẫn được đảm bảo.

Chủ vườn trẻ, anh Ngô Đình Minh cũng sáng tạo trong việc chăm cây, chọn cách cắt tỉa tán thấp, hạ tán để dễ thu hoạch, đồng thời giảm thiểu thiệt hại khi vào mùa mưa bão.

Nhờ đó, trên vùng gò đồi đất lẫn đá, trong điều kiện khí hậu khô hạn, ít mưa, những tán cây na Thái vẫn xanh tốt và cho trái ngọt lành, mang đến nguồn sinh kế bền vững cho người nông dân.

Phước Tôn- Kiều Anh