Phối hợp quản lý các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự

Các sở, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố trong tỉnh phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về đăng ký, quản lý ngành nghề, đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự đến doanh nghiệp, người dân nắm, chấp hành theo đúng quy định. Từ đó, giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân cảnh giác, đấu tranh với các loại tội phạm.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh Đồng Tháp) kiểm tra việc phòng cháy, chữa cháy tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Châu Thành

Trên địa bàn tỉnh có trên 2.800 cơ sở ngành, nghề (cơ sở lưu trú, dịch vụ cầm đồ, kinh doanh khí gas...) đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Các cơ sở đều được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và quản lý theo quy định. Các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Hàng năm, lực lượng chức năng đều tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở.

Công tác phối hợp trao đổi thông tin, kiểm tra giữa các sở, ngành tỉnh và UBND huyện, thành phố luôn được thực hiện thường xuyên, trong đó Sở Tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên 1.000 trường hợp cho người đăng ký kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện về an ninh, trật tự; các đơn vị, địa phương phối hợp trao đổi trên 100 nguồn tin có giá trị. Cùng với đó, phối hợp kiểm tra trên 2.670 lượt cơ sở, phát hiện 150 cơ sở vi phạm, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 635 triệu đồng. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Liên quan quản lý các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc các văn bản của Chính phủ, Bộ Công an; thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình, kết quả thực hiện, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, để chỉ đạo tháo gỡ, khắc phục, chấn chỉnh kịp thời. Các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố chủ động phối hợp với lực lượng Công an thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, góp phần đảm bảo tình hình an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, hiện tại một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nhất là lĩnh vực cầm đồ chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, diện tích kho bảo quản tài sản cầm cố, cầm cố, nhất là mô tô, xe máy nên nhiều hộ gia đình đăng ký hoạt động kinh doanh sử dụng phần diện tích còn trống của nhà ở làm nơi cất giữ, bảo quản xe cầm, cố, gây nhiều khó khăn trong việc thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ.

Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo Nghị định số 96 ngày 1/7/2016 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chủ động phối hợp với Công an tỉnh thực hiện tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền quy định pháp luật; phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh kiến nghị, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

D.C