Phân luồng học sinh sau THCS: Cần cái nhìn tích cực từ phụ huynh

Mỗi năm, Đồng Nai có khoảng 30 ngàn học sinh hoàn thành chương trình THCS. Sau bậc học này, phần lớn học sinh đều được phụ huynh định hướng tiếp tục thi tuyển hoặc xét tuyển vào các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên mà chưa quan tâm nhiều đến việc chuyển hướng vừa học văn hóa, vừa học nghề.

Các thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hội đồng thi Trường THPT Ngô Quyền trao đổi sau khi kết thúc môn thi Toán ngày 4-6. Ảnh: Huy Anh

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch: “Để có thể thu hút học sinh sau khi hoàn thành chương trình THCS chuyển hướng vừa học văn hóa, vừa học nghề còn rất nhiều việc phải làm, nhất là phải chứng minh được những lợi ích cụ thể của lựa chọn này để nhiều học sinh và cả phụ huynh đều tin đây là một lựa chọn tốt”.

* Thay đổi cách nhìn của phụ huynh

Sau khi con hoàn thành chương trình THCS, thi tuyển vào lớp 10 công lập không đậu, chị Nguyễn Thị Lan Thanh đã quyết định nộp hồ sơ cho con vào Trường THPT Lê Quý Đôn (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) với dự định sau này con học xong bậc THPT sẽ tiếp tục thi lên đại học. Khi được hỏi lý do không đăng ký cho con vừa học chương trình văn hóa THPT vừa học nghề để sau 3-5 năm nữa con vừa có bằng THPT vừa có bằng cao đẳng nghề, chị Thanh cho biết: “Tôi không biết có hệ vừa học văn hóa, vừa học nghề. Vả lại, con mới học hết lớp 9, chuyện ăn mặc, học hành cha mẹ còn phải nhắc nhở thì sao mà đủ tự giác vừa học văn hóa, vừa học nghề”.

Còn một giáo viên chủ nhiệm lớp tại Trường THCS Tân Tiến (TP.Biên Hòa) cho hay, cuối năm học nhà trường có tổ chức họp phụ huynh để thông báo kết quả học tập cuối cấp, phổ biến kế hoạch thi vào lớp 10. Giáo viên chủ nhiệm lớp cũng tuyên truyền cho phụ huynh về chương trình phân luồng học sinh sau THCS, vừa học văn hóa, vừa học nghề. Khi bắt đầu giới thiệu về chương trình học này, nhiều phụ huynh ồn ào tỏ ý không muốn nghe tiếp, vì gần như tuyệt đại đa số phụ huynh chỉ muốn con sau khi hoàn thành chương trình THCS sẽ phải học lớp 10, không thi được trường công thì xét tuyển vào trường tư để sau này còn thi đại học.

Ngày 14-6, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TBXH tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho học sinh THCS. Chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Gắn kết và huy động doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho công nhân lao động; đồng thời, đáp ứng nhu cầu dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN.

Theo nhiều phụ huynh, có rất nhiều nguyên nhân khiến họ không muốn lựa chọn con đường vừa học văn hóa, vừa học nghề cho con mình mà luôn muốn đi theo tuần tự là học hết THPT thì lên đại học. Anh Phạm Ngọc Trường (ở P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) cho hay: “Mỗi gia đình ở thành phố bây giờ chỉ có 1-2 con, điều kiện kinh tế cũng khác nhiều năm trước, nhà nào cũng phải phấn đấu cho con vào THPT rồi thi lên đại học chứ không muốn đi học nghề, sợ con “tủi thân” và thiệt thòi so với bạn bè”.

Bên cạnh đó, không ít phụ huynh ở thành thị lẫn nông thôn thiếu đi những góc nhìn thiện cảm về môi trường học tập của trường nghề. Trong lúc đợi đón con dự thi tuyển sinh lớp 10 trước cổng Trường THPT Ngô Sĩ Liên, anh Nguyễn Phú Bình (ngụ xã Quảng Tiến, H.Trảng Bom) nhận được một tờ rơi giới thiệu chương trình vừa học văn hóa, vừa học nghề của một trường cao đẳng nghề ở H.Trảng Bom. Sau khi nhận và đọc lướt, anh Bình vội kết luận: “Môi trường học trường nghề phức tạp lắm, sợ cho con vào đó học rồi không quản lý được”.

Dù được nhân viên tuyển sinh của trường cao đẳng nghề xin thêm thời gian để giải thích lợi ích của việc vừa học nghề, vừa học văn hóa nhưng anh Bình vẫn không thay đổi cách nhìn của mình về trường nghề.

* Nhiều lợi ích phụ huynh chưa biết

Trên địa bàn tỉnh đang có khá nhiều trường trung cấp, cao đẳng nghề tuyển sinh và đào tạo hệ vừa học văn hóa THPT, vừa học nghề cho học sinh mới hoàn thành chương trình THCS. Chương trình này còn có tên là chương trình 9+ dành riêng cho đối tượng học sinh sau khi hoàn thành chương trình THCS.

Bên cạnh đó, còn có chương trình học nghề dành cho đối tượng đã hoàn thành chương trình THPT, bổ túc văn hóa. Thời gian đào tạo đối với học sinh tốt nghiệp THCS là 36 tháng (3 năm). Sau thời gian này, học sinh vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng trung cấp nghề và có thể học lên cao đẳng. Riêng với học sinh đã tốt nghiệp THPT, chỉ mất 18 tháng (1,5 năm) là có được bằng trung cấp nghề.

Học sinh hệ trung cấp nghề cơ khí của Trường cao đẳng Công nghệ Lilama 2 thực hành trên máy. Ảnh: C.Nghĩa

Nói về những lợi ích của chương trình 9+, TS Lê Quang Trung, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) cho biết, sau khi hoàn thành chương trình THCS, nếu học sinh học tiếp lên bậc THPT rồi mới học trung cấp, cao đẳng sẽ cần quãng thời gian 5-6 năm. Trong khi đó, học theo mô hình giáo dục nghề nghiệp 9+, học sinh tốt nghiệp THCS theo học chưa tới 3 năm sẽ cùng lúc có cả kiến thức văn hóa lẫn nghề. Sau đó, học sinh chỉ cần học thêm 18 tháng nữa sẽ có bằng cao đẳng. Với học sinh theo chương trình 9+, nếu chuyên tâm học thì chỉ cần bước vào độ tuổi 19-20 là đã có thể đi làm kiếm tiền bằng chính tay nghề của mình.

TS Lê Quang Trung cho biết thêm, hiện nay Trường cao đẳng Quốc tế Lilama 2 đang tuyển sinh chương trình 9+, học sinh được miễn học phí học nghề, chỉ phải đóng học phí học chương trình văn hóa với số tiền 850 ngàn đồng/học kỳ.

Học sinh Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai thực hành nghề may công nghiệp

Để đa dạng chương trình đào tạo, thay vì chỉ đào tạo hệ cao đẳng, trong 2 năm trở lại đây, Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) đã có thêm hình thức đào tạo mới, đó là chương trình đào tạo 9+. Theo lãnh đạo nhà trường, chương trình giáo dục hệ 9+ có nhiều ưu điểm, lợi ích to lớn, hướng tới mục tiêu giúp người học vừa hoàn thành chương trình THPT, vừa lấy được bằng cao đẳng, đại học trong thời gian ngắn. Chương trình này còn giúp người học sớm gia nhập thị trường lao động đồng thời góp phần thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THCS của Chính phủ.

Theo cán bộ tuyển sinh của Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi, để thu hút người học đối với chương trình 9+, nhà trường đã xây dựng chương trình cụ thể bao gồm 10 ngành học gắn với nhu cầu của thị trường lao động, định hướng cho người học lộ trình học tập cụ thể. Người học sẽ định hình được chặng đường học tập của mình, đó là 18 tuổi sẽ hoàn thành chương trình THPT và trung cấp nghề, 19 tuổi sẽ hoàn thành chương trình cao đẳng và 21 tuổi sẽ hoàn thành chương trình đại học. Bên cạnh đó, nhà trường còn có nhiều chính sách hỗ trợ như linh hoạt xét tuyển bằng học bạ THCS, kết quả điểm thi vào lớp 10, có chính sách học bổng, học sinh khi đi thực tập sẽ được doanh nghiệp trả lương…

Thực tế đã có khá nhiều học sinh sau khi hoàn thành chương trình THCS tham gia chương trình 9+ đã xây dựng cho mình những bước đi ban đầu vững chắc.

Em Đoàn Thị Như Quỳnh, hiện vừa học văn hóa, vừa học nghề tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai cho biết: “Khi học hết lớp 9, hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn, nếu học lên THPT thì cha mẹ không lo nổi, do đó em đã đăng ký vừa học văn hóa vừa học nghề may công nghiệp. Hiện tại, em đã bắt đầu đi thực tập, doanh nghiệp có trả lương. Khoảng 1 năm nữa em sẽ có bằng trung cấp nghề may và nếu cố gắng em có thể đậu tốt nghiệp THPT như bình thường”.

Công Nghĩa