'Ông lớn' khách sạn Hilton đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường Việt Nam

Mục tiêu 1.000 cơ sở ở châu Á

Khi thị trường du lịch châu Á bắt đầu phục hồi hậu đại dịch Covid-19, ông Alan Watts nhận thấy sự thay đổi về lượng khách đến các khách sạn của ông trên khắp khu vực. Họ có xu hướng chọn những điểm du lịch ở gần với tần suất thường xuyên hơn. Ví dụ, một số khách du lịch ở châu Á thường tới khu nghỉ dưỡng đảo Bali của Indonesia ba lần một năm.

Chủ tịch tập đoàn Hilton khu vực Châu Á Thái Bình Dương, ông Alan Watts.

“Nếu trước đây, cứ 10 khách du lịch châu Á thì có 4 người ở châu Á và 6 người là ở các châu lục khác. Bây giờ thì khác, cứ 10 khách thì có 8 người là ở châu Á”, ông Watts cho hay và bày tỏ lạc quan về triển vọng kinh doanh của Hilton ở châu Á.

Trong cuộc phỏng vấn với Fortune, giám đốc điều hành của Hilton đã một lần nữa nhắc lại mục tiêu trước đó rằng tập đoàn khách sạn này sẽ có ít nhất một nghìn cơ sở kinh doanh trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2025. Ông nói, mục tiêu đó là “thực tế” chứ không phải “đầy khát vọng”.

“Hôm nay chúng tôi có 700 khách sạn đang kinh doanh và 800 khách sạn khác đang được xây dựng ở nhiều khu vực khác nhau ở châu Á. Chúng tôi sẽ vượt mốc 1000 khách sạn vào năm 2025”, vị giám đốc cho hay.

Các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương là một trong những nền kinh tế mở cửa cuối cùng sau đại dịch Covid. Một số quốc gia châu Á áp đặt các biện pháp kiểm soát đối với khách quốc tế, yêu cầu cách ly kéo dài nếu không cấm hoàn toàn việc nhập cảnh. Các địa điểm du lịch nổi tiếng của Nhật Bản chỉ mở cửa đón khách du lịch nước ngoài vào tháng 10/2022. Trung Quốc, nơi có nguồn khách du lịch lớn, mới dỡ bỏ chế độ cách ly vào tháng 1 năm nay.

Sự sụp đổ của du lịch quốc tế là một cuộc khủng hoảng hiện hữu đối với nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, vốn phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực du lịch. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ngành du lịch đóng góp khoảng 12% vào GDP của các nền kinh tế Đông Nam Á.

“Ngành du lịch đã bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19. Khu vực châu Á vẫn đứng sau các thị trường lớn khác của Hilton nhưng không chênh lệch quá nhiều”, chủ tịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Hilton cho hay.

Quý trước, công suất phòng tại các khách sạn châu Á của Hilton đạt 74%, chỉ sau Mỹ và kém châu Âu 5 điểm phần trăm. Công suất sử dụng phòng ở châu Á cũng tăng 12 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, điều mà ông Watts cho là do các nền kinh tế châu Á cuối cùng đã dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến Covid-19 từ cuối năm 2022.

“Một trăm triệu người mỗi năm tham gia vào tầng lớp người tiêu dùng ở châu Á. Vì vậy, ở một mức độ nào đó, du lịch chỉ mới bắt đầu và khách hàng của ngày mai là khách hàng toàn châu Á”, ông Watts nhận định.

Những chuyến đi ngắn ngày đang thúc đẩy sự bùng nổ du lịch ở châu Á. Ông Watts giải thích rằng du lịch giải trí ở châu Á có xu hướng ngắn: có thể là Bali ba lần một năm, Hồng Kông một lần vào dịp Tết Nguyên đán và Maldives mỗi năm một lần.

Ngoài ra còn có nhiều loại hình du lịch giải trí công tác hay còn gọi là du lịch “bleisure”, nơi những người đi công tác có thể đưa gia đình đi cùng để có thêm một ngày cuối tuần tại điểm đến.

Ông nói, những du khách châu Á trẻ tuổi cũng đang tìm kiếm “trải nghiệm” và cởi mở hơn trong việc khám phá những địa điểm mới.

Điểm đến mới: Việt Nam

Hilton đã đánh dấu Việt Nam là một thị trường tăng trưởng. Ông Watts cho biết quốc gia Đông Nam Á này vẫn có sức hấp dẫn “chưa được khám phá” so với các điểm đến lâu đời hơn như Thái Lan. Việc đi công tác cũng có thể tăng lên khi nhiều công ty chuyển các hoạt động sản xuất sang Việt Nam.

Khách sạn Hilton tại Hà Nội.

“Một thập kỷ trước, mọi người sẽ không nghĩ đến du lịch Phú Quốc hay Đà Nẵng. Hầu như không có khách sạn ở hai khu nghỉ dưỡng ven biển Việt Nam. Bây giờ mọi thương hiệu lớn trên thế giới đều có mặt ở Phú Quốc và phần lớn cũng ở Đà Nẵng. Nếu hôm nay họ không ở đó thì họ sẽ lên kế hoạch xây dựng vào ngày mai”, ông Watts cho hay.

Việt Nam thu hút kỷ lục 18 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 nổ ra. Sau khi mở cửa trở lại, Việt Nam đã thu hút hơn 11 triệu du khách trong năm nay, vượt mục tiêu 8 triệu của chính phủ.

Nguồn khách du lịch mới: Ấn Độ

Nếu Việt Nam là một điểm đến đầy triển vọng thì Ấn Độ là một nguồn khách du lịch đầy triển vọng.

Công ty tư vấn McKinsey lưu ý trong một báo cáo tháng 11 rằng nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Ấn Độ và dân số trẻ, đông đảo đang thúc đẩy tiềm năng của thị trường du lịch nước ngoài của quốc gia tỷ dân này. Lượng khách du lịch Ấn Độ ra nước ngoài đã phục hồi hơn 60% so với trước đại dịch.

“Khách hàng Ấn Độ thường di du lịch theo hình thức gia đình, nhiều thế hệ. Cha mẹ, con cái và cháu, tất cả đều đi cùng nhau”, ông Watts cho hay.

Trung Quốc hướng nội

Nhưng có một quốc gia vẫn chiếm ưu thế trong dự báo tình hình kinh doanh khu vực của Hilton, chính là Trung Quốc. Trước khi đại dịch bùng nồ, Trung Quốc là một trong những nguồn khách quốc tế lớn nhất, hỗ trợ các nền kinh tế du lịch ở Đông Nam Á và hơn thế nữa.

80% hoạt động kinh doanh của Hilton ở Trung Quốc là trong nước, ở các thành phố cấp hai, cấp ba và cấp bốn, đặc biệt là xung quanh các khu thương mại của đất nước. Cấu trúc của thị trường giải trí nội địa Trung Quốc đang thay đổi, với điều mà Watts gọi là “sự chuyển đổi hướng tới trải nghiệm”.

Tình trạng tồn đọng visa và thiếu chuyến bay đang khiến nhiều du khách Trung Quốc chưa thể du lịch nước ngoài. Và mặc dù đó có thể là tin xấu đối với các điểm đến nước ngoài từng thu hút khách du lịch Trung Quốc, nhưng việc chuyển sang du lịch nội địa không hẳn là điều xấu đối với Hilton, nơi có hơn 500 khách sạn trong nước và 700 khách sạn khác đang trong quá trình xây dựng.

Học viện Du lịch Trung Quốc dự báo thị trường du lịch nội địa của nước này sẽ đạt 5,2 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 724 tỷ USD trong năm nay, hoặc chỉ hơn 90% tổng doanh thu năm 2019. CTA, một viện nghiên cứu của chính phủ, dự báo du lịch nội địa sẽ chỉ phục hồi ở mức khoảng 70% so với mức của năm 2019 vào đầu năm nay.

Lê Anh

Theo Fortune