Ở nơi mây giăng, nắng đổ

Cột mốc 476 được đặt tại vị trí giữa cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (thuộc xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam) và Nậm Phào (Bản Tơng, huyện Căm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Lào). Ảnh: Phạm Vân Anh

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, miền đất sông La, núi Hồng ấy luôn tỏa rạng bằng những chiến công hiển hách của bao thế hệ trong bảo vệ, xây dựng quê hương, là vùng đất có truyền thống khoa bảng, đóng góp cho đất nước nhiều đức hiền nhân, trang tuấn kiệt. Với chiều dài 164km khởi đầu từ cột mốc 462 thuộc xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn và kết thúc tại mốc 515 thuộc bản Giàng, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, biên giới của tỉnh Hà Tĩnh giáp với hai tỉnh Bô Ly Khăm Xay và Khăm Muộn của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân ào.

Với địa thế khá đặc thù, khu vực biên giới đất liền của tỉnh Hà Tĩnh trải dài qua các huyện Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang, là nơi quân dân biên giới kiến tạo nên nhiều chiến công trong các cuộc kháng chiến. Miền Ngàn Trươi thuộc Vũ Quang từng là nơi chí sĩ yêu nước Phan Đình Phùng khởi lập nghĩa quân trong phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19. Tại huyện Hương Khê, giai đoạn kháng chiến chống Pháp cũng được Khu ủy Liên khu 4 lựa chọn là An toàn khu Trung bộ. Và trong kháng chiến chống Mỹ, như bao thôn làng khác của Hà Tĩnh, người dân các huyện, xã biên giới luôn kiên cường, bất khuất cùng cả nước bền gan, quyết chí giải phóng miền Nam, đánh đuổi Mỹ-ngụy.

Đặc biệt, từ năm 1959 đến năm 1962, tình hình biên giới Việt - Lào vô cùng căng thẳng, với sự xuất hiện của bọn thám báo, biệt kích được Mỹ-ngụy tung về đánh phá ta. Đồng thời, cuộc nội chiến ở Lào diễn ra hết sức quyết liệt, cán bộ và nhân dân Lào yêu nước bị bọn phản động phái hữu sát hại và truy đuổi phải tạm lánh qua nước ta để tránh sự khủng bố của địch. Như các tỉnh bạn, mỗi ngày, các đồn Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) của Hà Tĩnh và chính quyền địa phương phải tiếp nhận và giải quyết nơi ăn chốn ở cho hàng nghìn người Lào. Thời gian này, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã chỉ đạo cho Công an nhân dân vũ trang các tỉnh biên giới Việt - Lào gấp rút thành lập các đội công tác ngoại biên mang tên “Đội công tác ba mặt” sang phối hợp chiến đấu với lực lượng vũ trang nước bạn.

Nhiệm vụ của các đội công tác bao gồm: Vũ trang đánh địch bảo vệ vùng giải phóng của bạn và hành lang sát biên giới; vận động quần chúng xây dựng chính quyền cho bạn; xây dựng lực lượng vũ trang giúp bạn, trong đó, chủ yếu là xây dựng lực lượng dân quân tự vệ và bộ đội địa phương. Vượt qua đỉnh Keo Nưa, Đội trinh sát số 2 do đồng chí Võ Hồng Tuyên (sau này là Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh) làm đội trưởng đã anh dũng phối hợp với lực lượng của bạn truy lùng biệt kích trên địa bàn tỉnh Bô Ly Khăm Xay.

Năm 1977, hai nước Việt Nam - Lào bắt đầu hoạch định cắm mốc phân ranh giới. Cột mốc đầu tiên ở Hà Tĩnh được cắm tại khu vực biên giới xã Sơn Hồng, giáp với tỉnh Bô Ly Khăm Xay. Lúc này, Công an nhân dân vũ trang Hà Tĩnh cử Thượng úy Ðoàn Minh Trị (sau này, ông mang quân hàm Ðại tá, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Tĩnh) làm tổ trưởng tổ cắm mốc. Đến năm 2009, trong công cuộc tôn tạo, tăng dày mốc quốc giới, tuyến biên giới đất liền tỉnh Hà Tĩnh có 55 mốc quốc giới, 6 cọc dấu được tôn tạo, tăng dày. Để hoàn thành khối lượng công việc này, những người được giao trọng trách “tạc hình Tổ quốc” của Hà Tĩnh đã mất hơn 5 năm băng rừng, lội suốt, cơm đùm, cơm nắm cùng lực lượng chức năng nước bạn, trở thành địa phương đầu tiên hoàn thành công tác này trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào.

Chúng tôi đến thăm cột mốc 476 giữa lúc nắng trên đỉnh Keo Nưa vàng như mật ướp, phóng mắt nhìn đỉnh núi Giăng Màn trùng điệp giữa mây ngàn sương trắng. Ngọn núi ấy cũng là nơi khởi nguồn của hai dòng nước. Một dòng đổ về triền Đông trôi về đất Việt mang tên Ngàn Phố, dòng nước anh em còn lại là Nậm Tuồng xuôi cánh Tây về vùng đất Chăm Pa. Ngàn năm qua, hai dòng chảy ấy đã bền bỉ mang trong mình biết bao trầm tích văn hóa của hai dân tộc Việt – Lào thủy chung, sâu nặng. Ngày 26/7/2019, Ban Chỉ đạo cắm mốc biên giới tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Bô Ly Khăm Xay phối hợp làm lễ khánh thành cột mốc biên giới số 476 Việt Nam - Lào. Đây là mốc đơn, cỡ đại, cắm tại điểm có độ cao 731,18m và tọa độ là 18.386966, 105.159229, nằm giữa cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (thuộc xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) và Nậm Phào (Bản Tơng, huyện Căm Cợt, tỉnh Bô Ly Khăm Xay).

Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo là điểm cuối của quốc lộ 8 ở lãnh thổ Việt Nam, trên đỉnh đèo Keo Nưa và đường này nối tiếp sang quốc lộ 8 bên Lào. Cửa khẩu ra đời khi kết thúc chiến tranh chống Pháp vào năm 1954. Lịch sử ghi lại, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường 8A từ Hồng Lĩnh tới ngã ba Thoọng Pẹ là một trong những con đường vận chuyển chiến lược của ta vào chiến trường miền Nam. Những đôi vai trần của bao chàng trai, cô gái Lào năm xưa đã sát cánh cùng bộ đội Việt Nam tạo nên những cây cầu tre bắc trên vai người để hàng ngàn tấn vũ khí, lương thực, thuốc men vượt qua truông, qua suối, chuyển vào tuyến lửa. Rồi những ngày tháng sau đó, nhân dân các bản Thoọng Pẹ, Na Pê, Lạc Xao, Na Hạt..., huyện Căm Cợt cũng là những người đầu tiên đổ ra đường chào đón hàng vạn quân tình nguyện Việt Nam sang chiến đấu vì đất nước và nhân dân Lào anh em.

Đồn Biên phòng Cầu Treo cũng được thành lập vào thời gian này, đến năm 1959 sáp nhập và chuyển tên thành Đồn Công an nhân dân vũ trang Cầu Treo. Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ và chiến sĩ đơn vị đã kiên trì bám dân, bám địa bàn, cùng với các lực lượng, quân và dân bảo đảm huyết mạch giao thông, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bắn rơi 7 máy bay Mỹ bằng súng bộ binh, bắt gọn nhiều tốp thám báo biệt kích, lập nhiều chiến công xuất sắc. Đơn vị đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967. Năm 2012, đơn vị lại tiếp tục vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 2.

Năm 2015, tôi gặp Đại tá Nguyễn Huy Trung, Tham mưu trưởng BĐBP Hà Tĩnh, Phó ban công tác tôn tạo, tăng dày cột mốc của tỉnh Hà Tĩnh và Trung tá Xổm-văng Bun-na-phay, Đội trưởng đội cắm mốc tỉnh Savannakhet, Lào, khi công tác tôn tạo, tăng dày cột mốc đang vào giai đoạn nước rút. Đại tá Nguyễn Huy Trung tâm sự: “Trên biên giới Việt Nam – Lào, cột mốc được dựng lên, đường phân giới được hoạch định không phải để tạo ra sự phân cách mà nhằm tô đậm thêm tình hữu nghị lâu đời giữa hai nước núi liền núi, sông liền sông”. Anh tỉ mỉ miêu tả các công đoạn trước khi bắt tay vào thực hiện khảo sát địa bàn. Trước tiên, Sở Ngoại vụ hai tỉnh đã cùng thống nhất để lực lượng công binh của Quân khu 4 và Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh bạn phía đối diện phối hợp tiến hành rà phá bom mìn khu vực chồng lấn cần khảo sát thực địa, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công tác phân giới cắm mốc.

Đặc biệt, trên biên giới của tình đồng chí, tình anh em tha thiết ấy còn có một thuật ngữ mới rất ấn tượng, ấy là “đường công vụ”. Bởi lâu nay, chỉ quen dùng thuật ngữ nhà công vụ, xe công vụ, tài sản công... nên thật khó hình dung con đường đặc thù này chính là những lộ tuyến mới được khởi phát từ bước chân luồn rừng, bạt núi của những người lính làm công tác tôn tạo, tăng dày cột mốc để đến những địa điểm chưa từng có dấu chân người. Mục đích mở đường công vụ là chuẩn bị cho việc mang máy móc khảo sát, sau đó là cột mốc và vật liệu xây dựng để đặt cột mốc.

Chỉ tay lên bản đồ, nơi có mốc số 496 thuộc địa bàn xã Hương Quang, huyện Vũ Quang, Trung tá Xổm-văng Bun-na-phay bảo, đây là đỉnh cao nhất trên tuyến biên giới Việt - Lào, trên 2.200m so với mực nước biển. Mốc 496 là mốc đơn, cỡ tiểu, cắm tại điểm có độ cao 2.241,51m và tọa độ là 18.153653, 105.409749. Để đến được đây, mỗi chuyến đi khảo sát, hai đội thường phải mất hàng tuần đi bộ với quãng đường hàng chục km vượt qua núi đá tai mèo nhọn hoắt và đường lầy trơn trượt. Ở đây, cơm nấu không thể chín mà chỉ ăn lương khô, gạo rang hoặc đồ hộp. Trên cơ sở tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó lâu đời, quá trình hội đàm, làm việc với chính quyền địa phương và các ngành, lực lượng hữu quan giữa hai nước luôn diễn ra thuận lợi, đoàn kết và thống nhất cao.

Thượng úy Cao Hữu Hóa, thành viên đội cắm mốc nhớ lại: “Khi tiếp nhận chỉ đạo khảo sát cột mốc này, tổ công tác của chúng tôi gồm 10 cán bộ, chiến sĩ, khảo sát xong vị trí đặt mốc, trên đường trở về, gặp phải một cơn lũ bất thường, đúng lúc này, toàn bộ lương thực mang theo đã cạn kiệt, anh em phải nhịn đói nằm chờ gần 5 ngày, nước rút mới trở về được..”.

Đại tá Nguyễn Huy Trung và Trung tá Xổm-văng Bun-na-phay đều lưu trong máy điện thoại của mình những tấm ảnh chụp hôm đổ bê tông móng cột mốc 496 và hôm diễn ra Lễ khánh thành cột mốc đặc biệt này để luôn mang theo tình cảm đồng chí, đồng đội khó quên ngọt lành, đầm ấm suốt hơn 5 năm vịn vai, nắm tay băng rừng, lội suối đi cắm mốc.

Phạm Vân Anh