Nơi không có bạo lực mạng là… thiên đàng

Sự im lặng chết người

Năm 2014, cái chết của cựu người mẫu Charlotte Dawson khiến bạo lực mạng trở thành tiêu điểm của những cuộc bình luận, phân tích trên báo chí và truyền hình. Thời điểm đó, dân chúng trên khắp đất nước Australia đều phải lên tiếng về chứng trầm cảm và tỷ lệ bắt nạt ngày càng tăng trên các trang mạng xã hội. Trước khi tìm đến cái chết, Dawson từng là một nhà vận động nổi tiếng chống lại bạo lực mạng. Cô đã có một tiết lộ chấn động trong cuốn tự truyện của mình, Air Kiss & Tell, rằng cô thường xuyên bị ‘thánh nữ trầm cảm’ đến thăm. Cựu người mẫu đã phải nhập viện sau khi cố gắng tự tử vào năm 2012 khi cô nhận được một loạt bình luận và tin nhắn ác ý trên Twitter. Thậm chí, nhiều kẻ còn thúc giục Dawson treo cổ tự tử.

Ngày 22-2-2014, Charlotte Dawson được phát hiện đã chết trong căn hộ của cô ở Sydney

Kate Carnell, giám đốc điều hành của Beyond Blue, tổ chức chiến dịch nâng cao nhận thức về bệnh trầm cảm, nói rằng bắt nạt qua mạng xã hội có thể là một yếu tố chính gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần. Bà nói với ABC News Online: ‘Bởi vì người dùng mạng xã hội có thể ẩn danh khi thực hiện hành vi bắt nạt nên trầm cảm càng có nhiều khả năng xảy ra hơn và nguy hiểm hơn. Mọi người làm điều đó và tự nghĩ rằng họ thông minh lắm, hài hước lắm, nhưng thông điệp mà nạn nhân nhận về không phải như vậy. Nó có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng’.

Năm 2012, thời điểm mà tài khoản Twitter của Dawson có hơn 53.000 người theo, cô đã đáp trả những tin nhắn nhắm vào mình như một cách vạch trần hành vi xấu xí của những kẻ bắt nạt. Dawson nói: ‘Nếu bạn định bày tỏ những quan điểm của mình, bạn nên làm điều đó với một khuôn mặt và một cái tên để bạn có thể chịu trách nhiệm’. Nhưng có lẽ, chỉ một tiếng nói của Dawson là không đủ.

Sau cái chết thảm khốc của Dawson, bà Carnell đã kêu gọi những người bị bắt nạt trực tuyến đừng im lặng mà hãy báo cáo hành vi lạm dụng và mạnh dạn chia sẻ những gì họ đã phải chịu đựng. ‘Điều quan trọng cần làm là lên tiếng về nó. Các nạn nhân nghĩ rằng họ có thể tự quản lý việc này nhưng việc bắt nạt cần phải được báo cáo. Hãy nói với ai đó thay vì im lặng. Các bạn có thể lên tiếng bằng cách báo cáo những bình luận ác ý ngay trên trang web truyền thông xã hội, hoặc nói chuyện với một người bạn. Nếu tình trạng bắt nạt vẫn tiếp diễn, tốt nhất là hãy báo cảnh sát’.

Lời thầm thì của… ‘thần chết’

Bạo lực mạng, trầm cảm và tự tử cũng là một bóng đen ám ảnh đối với các nghệ sĩ Hàn Quốc. Ngày 14/10/2019, fan K-pop bàng hoàng về chết của nữ ca sĩ Sulli. Họ càng đau đớn hơn khi biết thần tượng của mình tự quyết định điều đó sau khi trải qua một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh trầm cảm. Thời điểm ấy, truyền thông Hàn Quốc thừa nhận, cái chết của một ngôi sao K-pop tiết lộ thực trạng xã hội của họ.

Sulli được phát hiện qua đời ở tuổi 25 tại nhà riêng, phía nam Seoul

Là một người nổi tiếng, Sulli nổi bật với cá tính riêng của mình. Cô là người độc nhất dám thể hiện lối sống táo bạo trên mạng xã hội. Tất nhiên, vì điều này, cô trở thành mục tiêu nhắm đến của bạo lực mạng. Ở một đất nước tôn thờ những chuẩn mực khắt khe, Sulli bỗng trở thành ‘kẻ ngang ngược’, ‘đáng xấu hổ’ khi ủng hộ trào lưu không mặc áo ngực. Sulli không ngừng bị công kích, họ cho rằng cô là đồ vô sỉ, làm tổn hại đến nền tảng đạo đức của đất nước và là một tấm gương xấu cho những người hâm mộ. Chịu đựng hàng trăm ngàn lời xúc xiểm, lăng mạ trong nhiều năm, sức khỏe tinh thần của Sulli dần kiệt quệ, cuối cùng cô đành chọn cái chết để kết thúc tất cả.

Nghệ sĩ tự tử là một vấn nạn tại showbiz Hàn. Đáng buồn, cái chết rúng động của Sulli chỉ có thể giải thoát cho nỗi đau và sự bế tắc của chính cô, chưa thể là sự hy sinh nhằm bảo vệ những nghệ sĩ còn lại. Thời điểm Sulli chìm vào giấc ngủ vĩnh viễn, Taeyeon – đồng nghiệp thân thiết của Sulli là một trong những người cảm thấy đau đớn nhất. Thế nhưng, chính những ngày đen tối ấy, cô liên tiếp nhận về những bình luận vô cùng đáng sợ trên tài khoản Instagram của mình. Một dân mạng thản nhiên viết: ‘Taeyeon à, khi nào thì tới lượt cô?’.

Thủy Kiều