Nỗ lực hồi sinh vùng chè Bình Sơn

Bình Sơn là xã miền núi, nằm cách trung tâm huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa khoảng 20 km về phía Tây. Khoảng 30 năm trước, Bình Sơn từng nổi tiếng với nghề trồng chè nhưng do năng suất, giá trị không cao, canh tác thường xuyên thua lỗ nên một thời gian dài, loại cây này bị lãng quên.

Thị trường nhiều nơi đón nhận

Dầu vậy, một số nông dân vùng đất này vẫn tiếp tục gắn bó với cây chè. Những năm gần đây, họ mạnh dạn đưa giống mới về trồng, đầu tư máy móc, áp dụng khoa học kỹ thuật từ canh tác đến chế biến sản phẩm, giúp cây chè Bình Sơn hồi sinh mạnh mẽ, trở thành vùng nguyên liệu lớn nhất Thanh Hóa.

Ông Lê Đình Tú - ngụ xã Bình Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông lâm nghiệp Bình Sơn (HTX Bình Sơn) - là một trong số đó. Vốn là người miền xuôi nhưng ông Tú lại đam mê với ngành nông lâm nghiệp. Năm 1992, khi biết tỉnh Thanh Hóa triển khai đề án trồng chè tại Bình Sơn, ông quyết định "bỏ phố lên rừng". Là một trong những người gắn bó với cây chè Bình Sơn từ những ngày đầu nên vùng trồng này chìm nổi thế nào, ông biết rất rõ.

"Ngày đó, Bình Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Triệu Sơn, đất đai toàn rừng núi, cây dại. Do khí hậu và thổ nhưỡng ở đây hợp với cây chè nên chỉ trong một thời gian ngắn triển khai trồng, một vùng chè mênh mông, rộng hàng trăm hecta được hình thành, chúng tôi lúc ấy rất vui mừng" - ông Tú nhớ lại.

Do trồng giống mới, trong khi người dân vẫn làm theo nếp cũ, chưa chú trọng sản xuất theo hướng hàng hóa nên mỗi tháng, hộ thu hoạch nhiều nhất cũng chỉ khoảng 15-20 kg chè khô. Cộng thêm việc bị thương lái ép giá khiến thu nhập của người trồng chè không cao. Chỉ vài năm sau, người dân không còn mặn mà với cây chè. Thậm chí, nhiều gia đình đã chặt bỏ chè để trồng các giống cây khác, như: mía, keo...

"Nhiều chuyên gia nông nghiệp về hỗ trợ, đánh giá sản phẩm chè Bình Sơn chất lượng không thua kém các loại chè nổi tiếng trong nước nhưng lại không có chỗ đứng trên thị trường. Tôi đã đi một số vùng chè nổi tiếng như: Thái Nguyên, Tuyên Quang… để tìm hiểu, tham khảo và nhận ra rằng chè Bình Sơn chưa định hình được thương hiệu do sản xuất manh mún, thiếu sự liên kết" - ông Tú lý giải.

Vì thế, năm 2016, ông Tú đứng ra thành lập HTX với 20 xã viên tham gia, từ đó hình thành vùng trồng chè tập trung. HTX đẩy mạnh khâu quảng bá, tìm kiếm thị trường, đưa máy móc, công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Từ đó, cây chè Bình Sơn hồi sinh mạnh mẽ.

Từ năm 2020, khi đạt chuẩn OCOP (chương trình "Mỗi xã 1 sản phẩm") 3 sao, có nhãn mác, tên gọi rõ ràng, thương hiệu chè Bình Sơn đã được thị trường nhiều nơi trong cả nước đón nhận.

Với những nỗ lực trong sản xuất nông nghiệp, ông Lê Đình Tú đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 100 "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023". Ông Tú là 1 trong 2 nông dân Thanh Hóa nhận được vinh dự này.

Đồi chè xanh mướt ở Bình Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Ông Lê Đình Tú, người góp phần hồi sinh vùng chè Bình Sơn

Sản phẩm chè sạch Bình Sơn đạt OCOP 3 sao

Phát triển xanh, bền vững

Dù cây chè Bình Sơn đã hồi sinh, có chỗ đứng trên thị trường nhưng theo ông Tú, để vùng nguyên liệu này phát triển bền vững, giữ được thương hiệu sản phẩm trong bối cảnh kinh tế thị trường không phải là điều dễ dàng. Ngoài việc tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư cải tạo đất, chọn giống, HTX còn đặt mục tiêu phát triển cây chè theo hướng xanh, bền vững.

"Đây là sản phẩm dùng để uống nên từ khâu trồng cho tới chế biến, chúng tôi rất coi trọng yếu tố an toàn cho người dùng. HTX Bình Sơn hiện có 12 ha chè chuẩn VietGAP. Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích chè theo hướng hữu cơ, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào trồng để tăng thu nhập cho người dân. Gây dựng được thương hiệu đã khó, giữ được nó lại càng khó hơn nên chúng tôi hướng tới xây dựng vùng chè sạch, an toàn, tất cả đều phải từ thiên nhiên" - Giám đốc HTX Bình Sơn nhấn mạnh.

Ông Lê Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sơn, cho biết hiện địa phương có hơn 300 ha chè với khoảng 400 hộ trồng. Trong đó, HTX Bình Sơn có gần 80 ha, với 20 xã viên chính thức và 100 thành viên liên kết sản xuất. Mỗi năm, chè Bình Sơn cung ứng ra thị trường khoảng 20 tấn, mang lại nguồn thu khoảng 5 tỉ đồng, giúp nhiều hộ dân cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bên cạnh việc nuôi ong.

Bài và ảnh: Thanh Tuấn