Ninh Bình đa dạng sản phẩm du lịch văn hóa để hút khách

Đông đảo du khách xem biểu diễn múa lân tại phố cổ Hoa Lư.

Phố cổ Hoa Lư thời gian gần đây là lựa chọn của khá nhiều khách du lịch khi về Ninh Bình. Thậm chí nhiều khách còn chọn lưu trú để buổi tối có thể tham quan, được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa tại phố cổ, nhất là vào những ngày cuối tuần.

Bà Antoinette, du khách Pháp chia sẻ: Thăm phố cổ, tuy không rộng nhưng tôi thấy thật thú vị. Một cảm giác thoải mái khi được ngồi trên thuyền trong tiếng chèo khua nhẹ nhàng trên hồ, nghe những bản nhạc du dương dưới gió mùa thu mát mẻ của thời tiết Việt Nam. Rồi sau đó xem múa lân, cùng nhảy sạp, chơi nhảy dây... Chúng tôi đã có những trải nghiệm rất riêng khi đến Ninh Bình. Khi có dịp, tôi sẽ quay trở lại nơi này và tất nhiên, tôi sẽ giới thiệu cho người thân và bạn bè về vùng đất tươi đẹp và đáng yêu này.

Anh Trần Văn Nhơn, khách du lịch đến từ tỉnh Tiền Giang chia sẻ: Sau 5 năm quay trở lại tham quan Ninh Bình, tôi thật sự bất ngờ với sự thay đổi ở đây. Nổi bật là cảnh quan các khu, điểm du lịch được khai thác và đi vào hoạt động bài bản, thân thiện với môi trường, hướng đến du lịch xanh. Nhiều loại hình du lịch văn hóa đã được quan tâm đầu tư. Tôi tin rằng, với cách làm theo hướng tích cực này, du lịch Ninh Bình sẽ ngày càng phát triển và từng bước có được vị thế cao trong số các tỉnh, thành phố tốp đầu cả nước về phát triển ngành kinh tế không khói.

Phố cổ Hoa Lư được lấy ý tưởng từ văn hóa truyền thống của Đại Việt trong những năm thế kỷ thứ X, tái hiện và phục dựng những nét đẹp của kiến trúc và văn hóa xưa. Công trình được hoàn thành theo giai đoạn và đưa vào khai thác từ đầu năm 2022. Thời gian qua, Phố cổ Hoa Lư là điểm nhấn thu hút không chỉ người dân trong tỉnh mà còn nhận được sự quan tâm của khách du lịch khi về tham quan tại Ninh Bình.

Tại đây thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ về đêm với nhiều hoạt động vui chơi, biểu diễn văn hóa, văn nghệ thu hút các tầng lớp nhân dân, như: Biểu diễn âm nhạc trên hồ Kỳ Lân; múa lân, múa rồng; nhảy sạp, nhảy dây; chơi ô ăn quan, chơi chuyền... Cùng với đó là hàng trăm chiếc thuyền kết đèn lồng rực rỡ sắc màu, giúp du khách có thể thưởng ngoạn sông nước về đêm rất lung linh huyền ảo, thu hút không chỉ du khách trong nước mà còn tạo sự hứng khởi cho nhiều khách quốc tế tới tham quan.

Biểu diễn âm nhạc tại hồ Kỳ Lân, Phố cổ Hoa Lư.

Ngoài các hoạt động văn hóa, tại Phố cổ Hoa Lư còn phân thành các khu giới thiệu sản phẩm và khu ẩm thực. Trong đó có nhiều gian hàng trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của các làng nghề đã được công nhận trên địa bàn tỉnh. Như các sản phẩm gốm Bồ Bát (huyện Yên Mô); các sản phẩm thêu ren Văn Lâm, làng đá mỹ nghệ Ninh Vân (huyện Hoa Lư); các sản phẩm làng nghề mộc Phúc Lộc (thành phố Ninh Bình)...

Ngoài ra, tại đây còn trưng bày nhiều sản phẩm truyền thống nổi tiếng của các làng nghề các tỉnh, thành phố trong nước, như lụa tơ tằm Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội); làng nghề đúc đồng, sơn mài Ý Yên (Nam Định); sản phẩm làng tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh)...

Đặc biệt, tại đây, du khách có thể thưởng thức các món ăn ngon đặc sản đến từ nhiều vùng, miền đất nước. Như các loại kem, chè Huế, Đà Nẵng; các loại bánh truyền thống như bánh đa, bánh rán, bánh nếp, bánh mật, bánh khoái tép… được bày biện, trang trí bắt mắt trong các gian hàng truyền thống, tái hiện lại đời sống văn hóa xã hội thời xưa, phục vụ nhu cầu của nhiều đối tượng, vừa có thể thảnh thơi thưởng thức món ăn ngon vừa nghe nhạc, ngắm mây trời, non nước…

Anh Trần Văn Trường, Ban Quản lý Phố cổ Hoa Lư (thành phố Ninh Bình) cho biết: Dù mới đưa vào hoạt động chưa lâu nhưng Phố cổ Hoa Lư đã nhận được nhiều lời khen của du khách trong và ngoài nước.

Để thu hút du khách đến tham quan và sử dụng các dịch vụ vào buổi tối, đơn vị đã tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật truyền thống như hát chèo, hát xẩm, chầu văn, hòa tấu âm nhạc không lời… hay các trò chơi dân gian theo chủ đề từng tuần, từng tháng, từ đó tạo nên sự mới mẻ, đa dạng cho du khách. Vì vậy, du khách đến đây, đặc biệt vào buổi tối có thể cảm nhận được trọn vẹn những giá trị, không gian của núi non, sông nước, cảnh đẹp tượng trưng cho vùng đất, con người Ninh Bình. Từ khi hoạt động đến nay, Phố cổ Hoa Lư đã thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Buổi tối tại Phố cổ Hoa Lư luôn thu hút đông đảo người dân đến vui chơi, ngắm cảnh, thưởng thức ẩm thực.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện nay đã xuất hiện nhiều hoạt động, điểm tham quan, giải trí về đêm nhằm thu hút khách du lịch trải nghiệm. Như tour du lịch xem động vật hoang dã ban đêm ở Cúc Phương (huyện Nho Quan); "Chuyến xe di sản" ngắm thành phố Ninh Bình về đêm; trước đó là tour khám phá chùa Bái Đính về đêm..., tạo cho du khách những hoạt động, trải nghiệm thú vị, hấp dẫn.

Định hướng của tỉnh Ninh Bình là tiếp tục xây dựng đa dạng, phong phú các sản phẩm giải trí, đồng thời khai thác các giá trị văn hóa trong phát triển kinh tế du lịch ban đêm, dần từng bước cải thiện điểm yếu của du lịch hiện nay là đi, đến trong ngày, kéo dài thời gian lưu trú của du khách.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục xác định, phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Mục tiêu đến năm 2025, Ninh Bình thu hút được 8 triệu lượt khách du lịch, tổng thu du lịch đạt trên 8.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 6,5% GRDP, tạo việc làm cho 23.000 lao động trở lên.

Đến năm 2030, thu hút 12 triệu lượt khách, trong đó có 2 triệu khách quốc tế, tổng thu du lịch đạt 18.660 tỷ đồng, đóng góp khoảng 8% GRDP, tạo việc làm cho 43.700 lao động.

Để thực hiện được các mục tiêu đặt ra, tỉnh Ninh Bình đã có những định hướng cụ thể trong phát triển du lịch. Như đối với du lịch sinh thái, tập trung vào các khu, điểm du lịch nổi tiếng, nhiều tiềm năng đã được khai thác, như Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu bảo tồn ngập nước Vân Long, Vườn quốc gia Cúc Phương.... Đối với du lịch văn hóa, tập trung vào các điểm du lịch như Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính…

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng đang dần hình thành và phát triển thêm các loại hình du lịch mới, như du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao như chơi golf, leo núi; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo; du lịch trải nghiệm tại các làng nghề, mô hình phát triển kinh tế tổng hợp… Mục tiêu đặt ra là ngày càng thu hút và nhận được sự hài lòng của đa dạng khách du lịch, đem lại nguồn doanh thu chiếm tỷ lệ lớn trong tổng nguồn thu của tỉnh, đồng thời tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương.

Bài, ảnh: Huy Hoàng