Những vốn quý cuộc sống mà tiền không mua được

Một ngàn câu nói sẽ không bằng một hành động thực tế. Ảnh minh họa

Sáng nay ăn xong tôi bảo, dạo này bố bận, mà các con thì học online ở nhà, giúp đỡ bố mẹ việc nhà nhé. Giờ Kan rửa bát, Kin lấy khăn lau bàn ăn. Và thế là hai đứa làm.

Kan và Kin được dạy cách rửa bát, nấu cơm từ lâu rồi, nhưng chỉ là cho biết kỹ năng thôi chứ không phải làm, thành ra hôm nay cũng hơi lóng ngóng. Tôi phải hướng dẫn lý thuyết vài phút thì các con mới nhớ lại được cách thức, quy trình dọn dẹp rửa bát như thế nào.

Xong xuôi ngồi uống nước, tôi hỏi:

"Hai đứa rửa bát và lau bàn ghế có thấy mệt không?"

"Có ạ, con thấy rửa bát rất lâu và mệt", Kan đáp.

"Con thấy mệt đúng không, vậy mà ngày nào bố và mẹ cũng phải làm những việc như thế. Đây mới chỉ là rửa bát đã thấy mệt rồi, mà bố mẹ ngoài việc rửa bát ra thì còn làm cực kỳ nhiều công việc khác, có khi còn nặng nhọc hơn công việc rửa bát, lau bàn, cho nên nó còn mệt mỏi hơn nhiều. Nên hai đứa phải biết thương bố mẹ nhé!". Kan và Kin đồng thanh: "Vâng ạ!". "Từ ngày mai, con sẽ rửa bát buổi sáng, bố rửa buổi trưa, mẹ rửa buổi tối. Còn em Kin sẽ lau bàn ăn cả 3 bữa", Kan chủ động.

Trải nghiệm - đấy là những bài học thiết thực nhất cho con trẻ. Một ngàn câu nói sẽ không bằng một hành động thực tế. Nếu trẻ con không được trải nghiệm việc nhà, chúng sẽ không hiểu được việc nhà nó lắt nhắt, rắc rối và mệt mỏi như thế nào, vì thế bố mẹ có nói bao nhiêu câu thì chúng cũng không hiểu. Tuy nhiên, nếu làm việc nhà, chúng tự hiểu rằng công việc này nó khó thật sự và mệt thật sự, từ đó nó sẽ nhìn bố mẹ với con mắt khác. Không phải việc nhà "hiển nhiên" là của công việc của bố mẹ, mà nó sẽ thấy bố mẹ cũng giống mình, cũng muốn được nghỉ ngơi, nó sẽ biết trân quý hơn công lao của bố mẹ trong việc xây dựng và vun đắp cho gia đình.

Cách đây 4 năm, tôi có dịp cộng tác một dự án ở một trường THCS mang tên "Chuyện em muốn kể". Khi một nhóm học sinh lớp 8 đến phỏng vấn tôi, sau phần nội dung chính, tôi hỏi các con: "Các con có thương bố mẹ mình không?". "Có ạ!". "Thế các con có thấy bố mẹ làm việc vất vả không?". "Có ạ!". "Vậy các con có biết bố mẹ vất vả như thế nào không?". Các con im lặng rồi một số thì kể ra những lần nhìn thấy bố mẹ mình làm việc nặng nhọc như thế nào.

Tôi nói: "Chú thấy các con đều có tình yêu thương và quý trọng bố mẹ, nhưng rõ ràng các con mới chỉ biết rằng bố mẹ vất vả, còn cái cảm giác mệt mỏi khi làm việc thì chắc các con chưa hiểu cụ thể nó ra làm sao. Vậy nên chú gợi ý, ví dụ một hôm nào đấy các con nói với mẹ trong bữa tối rằng, sáng mai con sẽ dậy nấu ăn sáng cho cả nhà, rồi con sẽ hiểu cảm giác đó".

Sau buổi gặp gỡ ấy độ chục ngày, các con đã viết ra những bài cảm nhận về những công việc mà các con đã trải nghiệm. Có bạn nữ viết rằng: "Ngày nào con cũng ngủ dậy là có đồ ăn sáng sẵn trên bàn, con cứ "auto" nó là như thế. Vẫn biết mẹ nấu nhưng cho rằng đó là điều hết sức bình thường. Thế nhưng hôm vừa rồi con xin phép bố mẹ để con làm bữa sáng, dậy từ 5h trong cơn ngái ngủ uể oải, lục tục xuống bếp lấy đồ từ tủ lạnh, rồi chế biến, rồi nấu nướng trong lúc cơ thể còn đang cơn ngủ, mắt díp lại nhưng vẫn cố hoàn thành. Làm xong bữa sáng cho cả nhà thì cũng mệt rã rời, vẫn còn buồn ngủ nữa. Vậy đấy! Chỉ một hôm đóng vai "mẹ", mà chỉ là trong khoảnh khắc nấu ăn bữa sáng thôi, mà đã thấy mệt mỏi thế này, thì mẹ mình đi làm cả ngày, hết hôm nay qua ngày nọ, triền miên với biết bao công việc thì sẽ còn mệt mỏi như thế nào. Và mình thấy thương và yêu bố mẹ nhiều hơn, thấy mình nhiều khi có lỗi với bố mẹ quá". Thực sự những chia sẻ ấy của các con khiến mình xúc động vì ít nhất thì một trải nghiệm nhỏ có thể đã làm thay đổi suy nghĩ của một đứa trẻ về một góc nhìn nào đó.

Giống như hồi xưa, khi tôi còn bé chưa phải đi làm, cứ thầy u đi làm về muộn là tôi cáu gắt vì phải ăn cơm muộn. Hoặc ăn cơm mà độn toàn sắn khoai là ấm ức, là dỗi hờn bố mẹ vì sao mà nấu toàn sắn với khoai như thế. Nhưng khi bắt đầu biết lao động, lúc 8-9 tuổi thì tôi cũng đã hình dung ra sự nặng nhọc của việc nhà. Rồi khi 13-14 tuổi, trở thành "lao động chính" với đủ công việc cày bừa, gồng gánh, bốc vác... tôi mới thấy lao động thực sự vất vả và lúc đó mới thực sự thương thầy u nhiều hơn.

Cho nên, đến tận bây giờ tôi vẫn có một quan điểm sống là phải lao động chân chính thì mình mới thành người được. Bạn có thể không quá giàu có, nhưng bạn sẽ tự hào về bản thân mình với tất cả những thứ do bàn tay lao động của bạn làm nên, vì thế luôn trân quý lao động. Và với một đứa trẻ, nếu chúng có những trải nghiệm về lao động từ bé, chắc chắn chúng sẽ biết trân quý những giá trị vật chất trong gia đình, cùng với đó sẽ là những kỹ năng mà chúng đã được bồi đắp qua những trải nghiệm thực tế trong cuộc sống, đó là những vốn quý mà đôi khi tiền không thể mua được.

Ngô Bá Lục