Những loài hoa báo hiệu Tết đến, Xuân về

Trong ngày Tết, gia đình nào cũng mua một cành đào về để dùng, hoa đào trở thành một loại hoa không thể thiếu trong dịp Tết. Không chỉ tô điểm cho không gian ngày Tết thêm ấm cúng, tươi vui, hoa đào còn được người xưa gửi gắm rất nhiều tầng ý nghĩa. Trước hết, đào được coi là tinh hoa của Ngũ hành, có thể xua đuổi bách quỷ mang đến cho con người cuộc sống bình an, hạnh phúc.

Không chỉ vậy, hoa đào còn tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Ai cũng mong muốn có một năm an khang thịnh vượng, làm ăn thuận lợi, phát tài, gia đình vui vẻ. Hoa đào như gieo vào lòng người niềm tin, hi vọng về những điều tốt đẹp trong tương lai. Hoa đào đem đến nguồn sinh khí mới, mọi người trong gia đình dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý. Vẻ đẹp của loài hoa này còn tượng trưng cho người con gái xứ Bắc: dịu dàng, e lệ, kiều diễm…

Cũng chính ý nghĩa của cành đào ngày Tết mà đối với nhiều gia đình, chọn được một cành đào ưng ý thì coi như cái Tết đã trọn vẹn, đủ đầy. Việc chọn đào chơi Tết cũng lắm công phu, những người sành chơi đào ngày Tết thường chọn cho mình những cành thật già, có lớp vỏ sần sùi, đôi khi đã lún phún chút rêu xanh. Cành có già thì bông mới to, tươi được lâu, chậm tàn. Hơn thế, những cành đào già thường có màu sẫm, dễ làm nổi bật lên những cánh hoa mỏng manh, trong trẻo lúc vừa bung khỏi lớp áo nụ sau nhiều ngày “ngủ quên”. Những ngày giáp Tết, dành thời gian dạo qua các khu chợ bán đào, quất, dù có mua được hay không cũng thấy tâm hồn thư thái lạ thường.

Nếu như miền Bắc có hoa đào, thì cái Tết ở miền Nam lại gắn với hoa mai. Tết của người Việt không chỉ có hình ảnh chiếc bánh chưng, những phong bao lì xì đỏ mà còn có những cành mai vàng. Hoa mai vàng là nét đặc trưng của văn hóa Việt và nhất là tại miền Nam thì dường như nhà nào cũng không thể thiếu cành mai trưng trong nhà. Tiết trời se lạnh là lúc vạn vật có nhiều thay đổi, nhưng đây lại cũng chính là lúc những nụ mai bung nở. Nhuộm vàng cả bầu không khí để đón một năm mới có nhiều điều may mắn.

Cũng như những loài hoa khác, hoa mai cũng mang ý nghĩa riêng tượng trưng. Trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam người dân thường rất cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói. Ngoài những câu chúc, những phong bao lì xì hay những phong tục kiêng cữ thì chúng ta luôn mong muốn có một kỳ nghỉ Tết thật suôn sẻ và may mắn. Khi những nụ hoa mai bung nở trong tiết trời se lạnh và trong khi những loài hoa khác đang “nghỉ ngơi” thì nó lại tỏa hương khoe sắc. Điều này nói đến ý nghĩa của một sức sống mạnh mẽ, ý chí kiên cường và nỗ lực phấn đấu. Hoa mai mặc dù không mang hương vị đặc biệt bởi mùi của hoa không ấn tượng nhưng màu sắc của nó lại rất đẹp và mang một vẻ đẹp của sự may mắn.

Hoa mai là loài hoa được biết đến với sự sống rất bền bỉ có thể lên đến hàng trăm năm. Chính vì vậy hoa mai cũng tượng trưng cho sự dũng cảm và lòng kiên trì của con người. Một năm sung túc, bình an, may mắn, sum vầy và có ý nghĩa hơn nếu như trong nhà có thêm những bông mai khoe sắc.

Từ xa xưa, cây quất cảnh đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người Việt trong ngày Tết Nguyên Đán. Nhiều người cho rằng “nếu không có cây quất, cây đào trong nhà là coi như chưa có Tết”. Cây quất có lá xanh tốt, sai quả, quả vàng đều thể hiện sự trù phú, hứa hẹn một năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống.

Những cây quất lá xanh tốt, quả vàng chi chít thể hiện sự trù phú, hứa hẹn năm mới được mùa, ăn nên làm ra, dồi dào sức sống. Bài trí cây quất trong nhà với hy vọng mang lại niềm vui và may mắn cả năm cho gia đình, trong kinh doanh, đặt cây quất ở văn phòng hoặc cửa hàng sẽ đem lại cát khí lớn lao, sự đầu tư sáng suốt và thu được nhiều tài lộc gia tăng tiền tài và vận may cho các thành viên trong gia đình.

Không chỉ có đào, mai, quất tượng trưng cho cái Tết của người Việt, một hai năm trở lại đây, người dân lại có thú vui trưng bày những loại quả mang lại nhiều tài lộc như cam, lựu, bưởi cảnh… cùng các loài hoa mang nét đẹp rực rỡ như phong lan, ly, lay ơn, tuy líp, thủy tiên… Mỗi loài hoa đều mang một ý nghĩa riêng cùng vẻ đẹp của nó, mang đến không khí xuân cho mỗi gia đình Việt.

Xem thêm: Cây chè Shan cổ thụ - Suối Giang- Văn Chấn - Yên Bái