Những điều nên làm sau vụ cháy chung cư mini

Cần giải pháp căn cơ

Rồi mọi chuyện dần trở lại cuộc sống hàng ngày, nhưng nhu cầu về chỗ ở luôn hiện hữu tại các thành phố lớn. Mỗi năm có hàng trăm ngàn người lao động nhập cư theo dòng chảy việc làm, học tập, sinh sống nhưng có thu nhập không đủ để sở hữu nhà ở đắt đỏ nên họ tìm đến những phòng trọ cho thuê, căn hộ chung cư mini rẻ tiền hơn.

Hơn nữa, các chung cư mini được chuyển nhượng, mua bán, cho thuê là nhu cầu thật, phù hợp số đông thu nhập người lao động.

Tại các đô thị, thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM có nhiều nhà ở kiểu hộp diêm và chung cư thiếu lối thoát hiểm. Các căn nhà này được sử dụng trong thời gian dài, thậm chí hết tuổi thọ công trình vẫn chưa xảy ra hỏa hoạn nên nhiều người chủ quan, kể cả chính quyền địa phương, ít ai nghĩ đến tình huống cháy nhà mình.

Một "tòa" chung cư mini ở ngõ 29 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân chỉ một căn có ban công, còn lại kín như bưng. Ảnh: Minh Hoàng

Có những chủ đầu tư thiếu quan tâm trong khi xây dựng chung cư, muốn tối đa hóa lợi nhuận, tận dụng hết cỡ không gian làm căn hộ. Lo ngại tình trạng trộm cắp, gia chủ hàn kín cửa hậu và ban công thoát hiểm bằng khung sắt, có khi khóa hai - ba lớp. Có những gia đình tận dụng lối thoát hiểm làm kho chứa đồ đạc, cho thuê đặt bảng quảng cáo trước mặt tiền. Thành ra, lúc bất ngờ có sự cố hỏa hoạn thì nạn nhân lại bị mắc kẹt trong căn hộ, nhà ở của mình.

Vấn đề là có giải pháp tạo ra những chỗ ở an toàn vừa đa dạng hóa nhu cầu sử dụng mua ở, thuê trọ phù hợp thu nhập số đông người dân và giảm thiểu rủi ro, trong đó có phòng cháy, chữa cháy.

Với các trường hợp không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy phải khắc phục bằng cách giảm số lượng người cư trú phù hợp, mở thêm không gian thoát hiểm, tăng cường trang bị đồ bảo hộ chống ngạt và chủ động phòng cháy chữa cháy tại chỗ.

Cần thêm giải pháp căn cơ, ngăn ngừa thảm họa từ gốc. Trong thảm họa cháy nổ ở chung cư mini Thanh Xuân có thể hạn chế được quy mô thiệt hại nếu việc cấp phép làm nghiêm. Vì vậy, khâu quy hoạch và cấp phép xây dựng cũng cần xem lại và chỉ cho phép loại hình chung cư mini tại vị trí thuận lợi cho cho xe và thiết bị phòng cháy chữa cháy di chuyển.

Kiểm tra và buộc các chủ đầu tư phải khắc phục các phòng quá nhỏ, mật độ qua đông, thiếu thiết bị phòng cháy, chữa cháy để giảm chỗ ở trong chung cư mini cũng có thể bớt đi những thiệt hại. Mỗi cư dân, mỗi chủ đầu tư cần quan tâm đúng mức công tác phòng cháy, chữa cháy.

Hy vọng, việc xử lý sẽ mềm dẻo, nhưng cương quyết, không “đánh trống bỏ dùi” để giảm thiểu rủi ro, nguy cơ cháy nổ sau những kinh nghiệm đau thương của vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội hay chung cư Carina, quận 8, TP.HCM.

Tầm nhìn quy hoạch

Thượng Hải, Trung Quốc, từng có nhiều vấn đề đô thị nghiêm trọng với các khu phố cũ trong nội thành có đường hẻm nhỏ hẹp, ô nhiễm, kẹt xe, ngập nước, nhà ở ven kênh rạch tạm bợ, luôn bị rủi ro cháy nổ rình rập.

Trước thực tế đó, họ phát triển nhà ở xã hội thay thế chung cư cũ xuống cấp trầm trọng, chung cư “hộp diêm”, chung cư “chuồng cọp” bằng cách xây dựng các khu đô thị mà ít phải dùng đến tiền ngân sách.

Cách đây nhiều năm, chính quyền đã quy hoạch lại các khu nhà này. Tùy từng vị trí của khu dân cư mà chính quyền đa dạng hóa hình thức khai thác giá trị đất cho phù hợp. Họ cải tạo các phố cũ không sử dụng ngân sách bằng cách quy hoạch và thiết kế như khu đô thị Đại Liên, sau đó thu hút đầu tư và thỏa thuận với doanh nghiệp tham gia xây dựng, khai thác.

Năm đầu tiên sau cải cách và mở cửa, chính quyền Thượng Hải cung cấp khoảng 31.000m2 đất cho một công ty xây dựng diện tích 90.000m2 sàn. Sau khi các tòa chung cư hoàn thành, họ chia ra làm 3 phần, trong đó 1/3 thuộc doanh nghiệp sở hữu, 1/3 phục vụ sắp xếp cho các nhà dân bị giải tỏa di dời, 1/3 được cơ quan chức năng bán ra lấy tiền tái đầu tư.

Chính quyền không tốn kém một đồng ngân sách nào mà còn cải tạo đô thị, thu thuế và giải quyết chỗ ở an toàn cho hơn hàng chục ngàn người vốn ở trong những căn hộ cũ kỹ, nhếch nhác, gặp rủi ro cao.

Nhiều nước khác trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cũng khai thác giá trị đất giúp cải tạo đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển nhà ở an toàn.

Giá trị thặng dư có được nhờ khai thác quỹ đất được tái đầu tư phát triển các tiện ích cơ sở hạ tầng, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Nhìn chung, họ có quy hoạch bài bản, nâng cao giá trị đất để ngân sách không phải tốn kém mà người dân bị tác động và cả các doanh nghiệp đầu tư được lợi.

Nêu vắn tắt kinh nghiệm trên để thấy rằng, đã đến lúc Nhà nước nên khai thác giá trị đất, có quy hoạch bài bản và quy trình thiết kế đô thị xứng tầm để giải quyết các khu dân cư nhỏ hẹp, đường xá chật hẹp, qua đó, giải quyết các tồn tại ô nhiễm môi trường, kẹt xe, ngập nước, nhà ở mất an toàn, các chung cư cũ, nhà ven kênh rạch…

Tất cả các mục tiêu này đều cần thông qua giải pháp tổng thể giải quyết từ gốc bằng chính sách quy hoạch, thiết kế cải tạo đô thị. Cùng với đó là công tác quản lý, điều hành khoa học giải quyết tổng hợp. Bởi riêng ngành tài nguyên không thể giải được bài toán ô nhiễm môi trường, chỉ riêng ngành giao thông không thể chống kẹt xe, chỉ riêng ngành xây dựng cũng không thể giải quyết hết nhu cầu nhà ở cùng với các tiện tích đi kèm.…

Đây còn là giải pháp căn cơ phát triển nhà ở xã hội, cải thiện chỗ ở cho người dân đô thị.

Kỹ sư Trần Văn Tường

Trần Văn Tường