Những câu hỏi về công nghệ nâng cơ, xóa nhăn bằng sóng RF

Sóng RF là một dạng bức xạ, giải phóng năng lượng dưới dạng sóng điện từ. Tia X và tia gamma là những tia bức xạ năng lượng cao, còn sóng RF được coi là năng lượng thấp. Sóng vô tuyến, WiFi và sóng vi ba đều là dạng sóng RF. Tuy nhiên, dạng bức xạ được sử dụng trong quá trình làm săn chắc da RF giải phóng năng lượng ít hơn khoảng 1 tỷ lần so với tia X.

RF là phương pháp giúp làm căng da mà không cần phải tiến hành bất cứ cuộc phẫu thuật nào. Sóng điện từ có tần số cao được sử dụng để kích thích các mô biểu bì da, làm nóng da. Từ đó, chúng kích thích sản sinh collagen mới, giúp chống lão hóa hiệu quả và cải thiện sự đàn hồi cho da của bạn.

Theo chuyên gia thẩm mỹ Florina Indries tại Linnaean, collagen được xem là loại protein dồi dào nhất trong cơ thể con người (được tìm thấy trong xương, cơ, gân và da). Khi con người dần bước qua khỏi ngưỡng cửa 20, thì quá trình sản sinh ra thành tố quan trọng này cũng bắt đầu suy giảm (khoảng 1% mỗi năm). Nguyên nhân của sự giảm sút này xuất phát từ các yếu tố bên trong cũng như những tác động từ bên ngoài, chẳng hạn như hút thuốc, ảnh hưởng từ tia UV và chế độ ăn uống hằng ngày.

Ảnh minh họa

Do vậy, mặc dù bạn không thể đơn giản nạp thêm collagen vào da, nhưng mặt khác, bạn có thể “động viên” các tế bào chịu trách nhiệm sản xuất nó để chúng hoạt động mạnh hơn so với nhịp sống thường ngày. Và dĩ nhiên, đây chính là thế mạnh của RF. Là một loại năng lượng điện từ, khi được áp dụng lên vùng da cần điều trị, ma sát phân tử diễn ra, giúp sinh ra nhiệt. Bằng cách này, chúng giúp co các sợi collagen bị giãn, nhão hay đứt gãy, nhờ vậy bạn sẽ có được một làn da săn chắc.

Đây là một trong những phương pháp làm đẹp hiếm hoi mà bạn không cần phải dành thời gian để nghỉ dưỡng ngay sau khi điều trị. Bạn sẽ không có cảm giác đau nhức mà trái lại còn khá thư giãn. Trong những lần trị liệu như vậy, nhiệt độ sẽ được các chuyên gia tăng dần dần, từ 40 đến 43 độ C. Nó sẽ cho bạn cảm giác giống như đang mát-xa bằng đá nóng vậy.

Chống lại tác hại của ánh nắng mặt trời

Khi tiếp xúc với tia cực tím (UV) có thể khiến các sợi collagen trên da của bạn bị phá vỡ và mất đi cấu trúc ban đầu. Trong một nghiên cứu năm 2011 cho thấy, sau 3 tháng điều trị bằng RF đã mang lại những cải thiện đáng kể về mặt lâm sàng đối với một nhóm người có dấu hiệu tổn thương do ánh nắng mặt trời từ mức độ nhẹ đến trung bình.

Ảnh minh họa

Tạo đường nét cơ thể (Body contouring)

Liệu pháp RF có thể giúp làm săn chắc vùng da lỏng lẻo trên cơ thể bạn bằng cách kích thích sản xuất collagen. Một nghiên cứu năm 2017 đã cho ra kết quả rằng 24 trong số 25 người trải qua 5 đến 8 buổi trị liệu RF đã nhận thấy hình dáng cơ thể của họ được cải thiện.

Tạo đường nét cho khuôn mặt

Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự cải thiện đáng kể về tình trạng da mặt chảy xệ ở tất cả 11 người tham gia thí nghiệm tác dụng của RF kết hợp với điều trị xung điện trong 8 tuần. 73% trong tổng số người tham gia đã có sự cải thiện về đường nét trên khuôn mặt của mình.

Ảnh minh họa

Giảm nếp nhăn

Một nghiên cứu đã được tiến hành vào năm 2018 để xem xét tác dụng của liệu pháp RF đối với các nếp nhăn quanh mắt của 70 phụ nữ trung niên. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ba lần điều trị trong 6 tuần đã làm giảm đáng kể nếp nhăn của họ.

Ảnh minh họa

Làm thon gọn khuôn mặt

Công nghệ RF được xem là làm thon gọn khuôn mặt mà không cần phẫu thuật. Kết quả của một nghiên cứu năm 2017 đã cho thấy rằng liệu pháp RF có thể đánh tan mỡ ở phần dưới mặt của 14 phụ nữ châu Á trung niên.

Sau 5 tuần, hơn 90% phụ nữ đã giảm mỡ và 60% trong số họ hài lòng hoặc rất hài lòng với kết quả này. Tác dụng phụ duy nhất được ghi nhận là tình trạng đỏ nhẹ vài giờ sau khi thực hiện liệu pháp này.

Là một chuyên gia chăm sóc gia mặt có tiếng tại London, Abigail James khuyên rằng bất kỳ ai đang gặp tình trạng da chảy xệ, thiếu săn chắc thì nên thử. Theo ông, ngoài việc kích thích sản xuất collagen, sóng RF còn làm tăng lượng oxy trong da.

Tuy nhiên, nếu có những sơ suất trong quy trình thực hiện, có thể gây ra tình trạng bỏng trên da. Các tác dụng phụ thường gặp như sưng tạm thời, ửng đỏ và ngứa rang trên vùng da được điều trị. Ở những người có làn da sẫm màu, thì nguy cơ bị tác dụng phụ cao hơn khi điều trị bằng laser và RF.

Ảnh minh họa

Dạng bức xạ RF được sử dụng trong quy trình này tương tự như loại bức xạ phát ra từ các thiết bị gia dụng thông thường khác như điện thoại di động hoặc WiFi.

Kết quả có thể được nhận thấy rõ rệt chỉ sau một buổi liệu trình, đặc biệt sẽ rất dễ nhìn thấy hiệu quả ở vùng nếp nhăn hai bên mũi và má cũng như đường viền hàm cũng trông rất tươi trẻ.

Hiện nay vẫn chưa có bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào cho thấy rằng bức xạ RF gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Theo Harper’s Bazaar, Healthline

Hoa Trà tổng hợp