Nhiệm vụ của thương yêu

Tôn kính mạch văn miền đất ấy, đó là khi ngẫm về những dấu ấn trăm năm với các bậc danh y, khoa bảng, với nghề thuốc, nghề rèn đã thành thương hiệu cùng truyền thống học hành của ngôi làng trù phú, từng có nhiều nét đặc sắc cả ở hình thế đất, sông, đồng bãi lẫn các nghi thức, tập quán. Cái mạch ấy đã ngấm vào người biết nhận ra, biết tôn quý, để trong mấy năm qua, tác giả Trịnh Văn Sỹ sau nửa đời bền bỉ công tác trong một lĩnh vực khác, đã cầm bút viết những tác phẩm của đời mình.

Ông Trịnh Văn Sỹ không phải là nhà văn, nhưng đã xuất bản hai cuốn sách. Cuốn “Trong ngôi nhà của mẹ” do nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chấp bút từ lời kể của ông - như vậy, hai ông - hai thành viên Nhóm Nhân sĩ Hà Đông là đồng tác giả; và “Trên những ngả đường đời” là hồi ức của một sĩ quan cảnh sát giao thông gần 40 năm trong nghề. Cả hai cuốn sách đều gây xúc động với nhiều người đọc.

Cuốn sách thứ ba này, hẳn tác giả đã dành nhiều tâm sức, như khi thực hiện một nhiệm vụ quan trọng. Nhiệm vụ mà ông tự nhận trước làng quê, trước gia đình và những người thân yêu đã ra đi. Đó là nhiệm vụ của lòng hiếu thảo, tình thương yêu khi nhớ về mẹ, về những số phận đã đi qua ngôi làng Đa Sĩ, về không gian và môi trường văn hóa làng vừa dung dị, vừa kỳ ảo và sống động một thời. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông Trịnh Văn Sỹ không phải là một nhà văn, nhưng ông là nhân chứng của những gì đã diễn ra trong ngôi làng của ông, một ngôi làng rất nổi tiếng. Hơn nữa, ông là người yêu ngôi làng của mình và lo sợ đến một ngày vẻ đẹp văn hóa của những ngôi làng Việt Nam sẽ từ từ biến mất.

Kể chuyện sông Nhuệ đoạn chảy qua làng Đa Sĩ, ông Sỹ nhớ những đứa trẻ trèo lên cây cao nhảy ùm ùm xuống tắm bơi thỏa thuê; nhớ cây cầu kỳ lạ là hai cành đa vươn ra gần chạm nhau từ đôi bờ, để cho những linh hồn qua lại. Kể chuyện làng, chuyện cánh đồng, là nhớ về những cái gò nhiều đến kỳ lạ và mỗi chiếc gò ấy đều gắn với điều gì linh thiêng. Kể về áo xống ngày xưa, là nhớ những nỗi niềm nghèo khó và nâng niu liên quan đến mảnh quần tấm áo, tác giả kể chuyện có người sắm cho mẹ chiếc áo dài khi người mẹ ấy đã không còn nữa sau cả một đời nhọc nhằn, áo dài chỉ là ước mơ xa xỉ. Những câu chuyện về nghề rèn Đa Sĩ với những kỹ năng tuyệt vời và tình cảm trân quý của người thợ, chuyện cưới xin xưa và nay, sự ra đi của cánh đồng…, qua giọng kể chân thành của người chứng nghiệm - Trịnh Văn Sỹ, đều toát lên vẻ đẹp bừng sáng của văn hóa, truyền thống, và cả nỗi buồn trước những tàn lụi của văn hóa, truyền thống ấy.

Gần như chỉ kể lại kỷ niệm với nhà quê, người quê, tản văn tác giả Trịnh Văn Sỹ chân thật về chuyện, mộc mạc về từ ngữ và hồn nhiên trong tinh thần chia sẻ. Nhưng cũng phải kể đến cái khéo trong việc sắp xếp chi tiết, vận dụng tình tiết, để tản văn của ông Sỹ là sự sinh động và đau đáu của những câu chuyện, những chi tiết đặc sắc chứ không rườm lời hay liên tưởng mây gió xa xôi như rất nhiều tản văn khi viết về quê hương, gia đình, bóng dáng làng thôn. Bởi có một thực tế khó phủ nhận, là các miền nông thôn thường có nhiều nét tương đồng, nỗi nhớ làng quê cũng vậy, vì thế dễ có nhiều trang văn hao hao nhau về cảnh, về ý, về tình.

Tác giả Trịnh Văn Sỹ kể những câu chuyện khắc sâu vào tâm khảm mà ông mang theo suốt những tháng năm thơ dại, trai trẻ, trung niên của mình. Những câu chuyện như những xót đau, như những thổn thức, những ám ảnh, những cảm kích và thiết tha mà gộp tất cả lại, đó là niềm hạnh phúc. Dù hạnh phúc lắm khi cũng đắng đót, nghẹn ngào. Ông đã nâng giữ và trưởng thành cùng với hạnh phúc ấy, âm thầm bao tháng năm, như tên cuốn sách buồn thương và trong sáng của mình: “Hạnh phúc phải giấu kín”.

Quang Hưng