Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến giao lưu bạn đọc nhân dịp ra mắt hai cuốn sách mới

Ở tuổi ngoài 60, với hai cuốn sách mới xuất bản cùng hàng loạt những dự án, đề tài đang thực hiện, Nguyễn Ngọc Tiến không chỉ chứng tỏ một sức viết đáng nể mà còn cho thấy độ chín về tài năng. Đất nước Việt Nam, qua trang văn của Nguyễn Ngọc Tiến, vừa nhọc nhằn qua những thăng trầm của lịch sử, vừa phong tình, quyến rũ trong những vẻ đẹp lấp lánh.

Hà Nội và những câu chuyện thú vị

Hà Nội là một cái tên, một vùng đất, một đề tài thật đặc biệt: người ta nói mãi, viết mãi mà dường như vẫn không hết chuyện, không thấy chán. Nhưng có lẽ Hà Nội không sống bền bỉ được như thế nếu thiếu đi những người kể chuyện có tài. Nguyễn Ngọc Tiến là một người kể chuyện hay và hấp dẫn về Hà Nội.

Mỗi khi cầm bút viết về Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến luôn tâm niệm: phải viết điều gì độc đáo, kể những câu chuyện khiến người khác muốn nghe. Vẫn là những phố ấy, những nhân vật, sự kiện ấy, nhưng ông không bao giờ viết lại những điều đã biết, nói lại những điều người ta nghe đã nhàm.

Bìa cuốn Hà Nội còn một chút này.

Hồ Gươm trong câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tiến là chốn thanh lịch nhưng cũng là nơi bi phẫn với bao nhiêu cô gái trẻ tìm đến để lìa bỏ cuộc đời. Dân kinh kỳ nổi tiếng với những thú chơi độc lạ, nhưng ít ai biết tường tận để kể lại một thời chơi chó, chơi xe, chơi lô đề cười ra nước mắt như Nguyễn Ngọc Tiến. Những phố, những cửa ô, ga tàu, khu chợ, nhà hàng,… tất thảy đều hiện lên mới lạ dưới sự quan sát tỉ mỉ và lối viết hóm hỉnh của ông.

Góc nhìn của Nguyễn Ngọc Tiến về Hà Nội bao quát từ lịch sử, địa lý, văn hóa cho đến những câu chuyện nhỏ nhặt trong đời sống, nếp sống của dân thị thành. Quan sát ở cả bề rộng lẫn chiều sâu, kết hợp những trải nghiệm thực tế của một người hằng ngày gắn bó với Hà Nội với những điều tra, khảo tả trong thư tịch, sách vở, Nguyễn Ngọc Tiến cho ta thấy một Hà Nội thú vị và phong phú biết bao.

Việt Nam trong quá khứ và hiện tại

Nguyễn Ngọc Tiến là người nặng lòng với lịch sử đất nước. Đối với ông, lịch sử chứa đựng những câu chuyện gợi cho ta nhiều suy ngẫm về thực tại hôm nay. Đó có thể là cảm xúc tự hào, say mê nhưng cũng có thể là nỗi trăn trở, ngậm ngùi về những giá trị vang bóng và suy tàn.

Là một nhà báo có tiếng, Nguyễn Ngọc Tiến may mắn có cơ hội tiếp xúc với nhiều tài liệu và nhân vật lịch sử, qua đó tái hiện những câu chuyện ít người biết. Ông là người được tiếp cận rất sớm với những tư liệu tiếng Đức về Erwin Borchers cùng các chiến sĩ ngoại quốc trong hàng ngũ Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Câu chuyện về những chiến sĩ Việt Minh người Đức tưởng chừng xa vời như huyền thoại trong những chuyện kể, giờ đây lại hiện lên đặc biệt chân thực và sinh động qua trang viết của Nguyễn Ngọc Tiến.

Bên cạnh đó, chuyện về những cán bộ Liên Xô sang giúp đỡ Việt Nam trong chiến tranh, chuyện về những “ông quan” với tinh thần đấu tranh, dám nghĩ dám làm đưa Việt Nam đi lên sau thời kỳ Đổi mới, và cả chuyện về những người nghệ sĩ một thời huy hoàng trên sân khấu cải lương, sân khấu chèo,… Vẫn với lối viết quen thuộc, Nguyễn Ngọc Tiến trình hiện những con người và sự kiện đó trước mắt độc giả qua những chi tiết chân thực và độc đáo nhất. Ông rất kiệm lời nhận xét, không ngợi ca cũng không phê phán, nhưng người đọc vẫn thấy ở đó một thái độ rõ ràng, một niềm trăn trở khôn nguôi của tác giả.

Và như thế, với Nguyễn Ngọc Tiến, đọc lịch sử, viết về lịch sử không đơn thuần chỉ để biết về quá khứ, mà quan trọng hơn, là để biết cho hôm nay, biết trăn trở với cuộc đời và đất nước hôm nay.

Bìa cuốn Qua đêm ở nhà các vua Nguyễn.

Đọc sách của Nguyễn Ngọc Tiến, điều thú vị là nó luôn mang phong vị của cả khảo cứu lẫn tùy bút, có cái khách quan của người làm báo, nhưng cũng có cả cái đa tình của người viết văn. Và như thế, trong trang sách của ông bao giờ cũng có dáng dấp của một con người đi và viết, một khách phong trần nặng tình núi sông.

Ông là khách phong trần, vì ông đi và lăn lộn với đời không hề ít. Có những ngày ông lang thang dọc sông Hồng tìm hiểu về các xóm chài và viết về cộng đồng người Đãn rất hiếm gặp. Lại có khi ông mải miết theo chân những nghệ sĩ, những nhà nghiên cứu đi khắp các sân khấu Nam bộ vì trót say mê tiếng hò sông Hậu, cũng nhờ thế mà ông có vốn tư liệu dày dặn để viết về một lịch sử chưa xa của ngành cải lương Việt Nam. Tha thiết được đi để trải đời của Nguyễn Ngọc Tiến là khi ông tìm mọi cách để được ngủ lại trong hoàng thành Huế, qua một đêm ở nơi từng là nhà của các vua thời Nguyễn.

Và Nguyễn Ngọc Tiến cũng là người nặng tình núi sông. Ông đi để viết về những vẻ đẹp phong tình quyến rũ của đất nước với những “mắm Nghệ, lòng giòn, rượu ngon, cơm trắng”. Nhưng ông cũng đi để viết nên nỗi đau thống khổ của dân nghèo kiệt quệ chạy dịch Covid trong những ngày hè đỏ lửa.

Phương Đào