Nhà văn Lê Minh Khuê: Bình an mới là giải thưởng lớn

Hôm ấy Choi Hana, một dịch giả Hàn Quốc, đến xưởng vẽ của tôi dự buổi ca nhạc giao lưu, nói rằng cuối tháng 10.2023 chị và nhà văn Lê Minh Khuê sẽ bay sang Hàn Quốc để dự Lễ hội văn chương hòa bình DMZ năm 2023 do Quỹ Văn hóa tỉnh Gyeong Gi Hàn Quốc tổ chức. DMZ là khu phi quân sự ở giới tuyến hai miền Nam Bắc Triều. Hana yêu văn chương Việt, từng giới thiệu các nhà văn Việt Nam cho các nhà nghiên cứu và giới văn chương Hàn Quốc và đã tuyển dịch 10 truyện ngắn Lê Minh Khuê ra tiếng Hàn.

Nhà văn Lê Minh Khuê và Svetlana Alexievich (nhà văn Belarus đoạt giải Nobel văn chương) trong Liên hoan văn chương vì hòa bình tại Hàn Quốc, tháng 10.2023. Ảnh: CTV

Thế là một lần nữa nhà văn Lê Minh Khuê lại sang Hàn Quốc. Trước đó chị đã nhiều lần được mời sang tiếp xúc với giới văn chương và độc giả xứ Hàn. Năm 2008 chị đã được trao Giải thưởng Văn học Quốc tế mang tên văn hào Hàn Quốc Byeong-ju Lee. Giải thưởng trị giá 10.000 USD được chính thức thành lập từ Liên hoan Văn học Quốc tế Hadong năm 2007 và mỗi năm xét trao giải cho một nhà văn duy nhất.

Ngay từ năm đầu tiên, một nhà văn nữ Việt Nam đã đoạt giải. Ứng cử viên được chọn trong số các nhà văn xuất sắc của Hàn Quốc và nhiều nước trên thế giới. Hội đồng Giải thưởng xét giải căn cứ trên tác phẩm được đề cử bằng tiếng Anh. Nhà văn Lê Minh Khuê được trao giải với tuyển tập Những ngôi sao, trái đất, dòng sông (The stars, the earth, the river), do Nhà xuất bản Curbstone Press ấn hành ở Mỹ.

Tuyển tập truyện ngắn Những ngôi sao, trái đất, dòng sông của Lê Minh Khuê đã được NXB Curbstone Press dịch và phát hành tại Mỹ. Tác phẩm này đã được trao Giải Văn học Quốc tế Byeong-ju Lee năm 2008.

Nếu Choi Hana không nói, thì tôi không biết Lê Minh Khuê có chuyến đi này. Cũng như nhiều sự kiện khác mà chị là nhân vật được vinh danh, Lê Minh Khuê chẳng bộc lộ, ồn ào. Chẳng bao giờ tỏ ra là người nổi tiếng, có thành tựu văn chương, mặc dù chị được nhiều người nhắc đến, coi là nhà văn xuất sắc của nền văn chương Việt Nam xuất hiện thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Chị còn đoạt nhiều giải thưởng khác, chẳng hạn năm 2018 Lê Minh Khuê được Hoàng gia Thái Lan trao tặng giải thưởng Văn chương ASEAN, nhưng những chuyến đi ra thế giới vì văn chương chị cũng cứ lẳng lặng.

*

Tôi cầm bút khá muộn, ngày tôi mới bắt đầu thì tên tuổi của Lê Minh Khuê đã nổi khắp văn đàn. Chị ít tuổi hơn các nhà văn Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Đỗ Chu, Lê Lựu… những người viết về thời kỳ chiến tranh. Tôi và không ít bạn tôi thích văn của chị. Chúng tôi mang sách của chị trong những chuyến đi ra nước ngoài để “gối đầu giường”. Mới vào nghề, tôi tìm đến chị để học hỏi, được chị giúp đỡ, động viên rất nhiều.

Lê Minh Khuê không có chút gì của người ngồi “chiếu trên” tỏ ra cái ý cho những người đến sau phải thấy rằng có một khoảng cách không bao giờ vượt qua được. Hiền từ đôi mắt nụ cười hiền đi. Khuôn mặt bầu bĩnh phúc hậu, hai má lúm đồng tiền, giọng nói nhỏ nhẹ, cử chỉ tinh tế, nhẹ nhàng.

Nhà chị dù hồi còn chật hay sau này rộng, luôn sạch sẽ, ngăn nắp và rất “bon goût” trang nhã. Đó là điều mà ngay từ thời đất nước mình còn khó khăn, thu nhập chưa nhiều, nhưng cứ bước qua cửa, vào bên trong, lập tức ta cảm thấy tinh thần của mình giàu có. Âm nhạc dịu nhẹ, đồ đạc rất ít nhưng toát ra vẻ giản dị mà nhã nhặn.

Chị là người trong số rất ít phụ nữ văn chương kiệm lời, không thích giao du. Không bao giờ buông lời chê trách một ai. Có cảm giác mỗi khi nói chuyện chị đều tiết chế những cảm xúc yêu ghét (điều rất khó với nhà văn nữ). Ngày tôi còn nhỏ, bà tôi thường lấy những gương phụ nữ kiểu như chị ra mà bảo: đó là người có giáo dục, có văn hóa.

Thì đúng rồi. Chị sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, ông nội và ông ngoại đều là nhà nho nên từ nhỏ chị đã được sống trong môi trường nề nếp, quy củ. Cha mẹ của chị là giáo viên trung học. Chị có năng khiếu văn chương từ nhỏ. Mười sáu tuổi chị tham gia lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước.

Mười tám tuổi Lê Minh Khuê đã có những bài báo đầu tiên trên báo Tiền Phong. Con đường sáng tác văn chương của chị bắt đầu từ những truyện ngắn truyện vừa, đã rộng mở với sự trân trọng của đồng nghiệp và người đọc.

Lê Minh Khuê thời Những ngôi sao xa xôi. Tranh: Đặng Hồng Quân

Các tác phẩm của chị hướng về con người với lý tưởng sống cao cả. Văn của Lê Minh Khuê sáng và đẹp. Tôi nhớ vào quãng 1991, Phạm Thị Hoài đã từng viết về văn của Lê Minh Khuê với sự tán thưởng không ngần ngại.

Vốn là người có cái nhìn nhân hậu và văn hóa ngay từ thời niên thiếu, rồi trưởng thành trong cuộc kháng chiến, mang theo rất nhiều nỗi ám ảnh về cuộc chiến ấy, trái tim của chị đã “cất tiếng” làm nên những tác phẩm giàu chất bi hùng.

Con sáo nhỏ của tôi, Những ngôi sao xa xôi, Cao điểm mùa hạ, Một chiều xa thành phố, Bi kịch nhỏ, Mái hiên, Trong làn gió heo may, Cuộc chơi, Nhiệt đới gió mùa, Làn gió chảy qua... là những áng văn giàu chất thơ, chiếm trọn sự trọng nể của văn giới và của người đọc. Truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi đã có mặt sách giáo khoa lớp 9 và là thành đề bài trong các cuộc thi học sinh giỏi và thi chuyển cấp. Truyện ngắn này cũng được đưa vào tuyển tập Nghệ thuật truyện ngắn (The Art of the Short Story) của Nhà xuất bản Wadsworth, Hoa Kỳ, được bình chọn là một trong những truyện ngắn hay bên cạnh tác phẩm của những tác giả nổi tiếng thế giới. Tập truyện ngắn Những bi kịch nhỏ được dịch ra tiếng Đức, đoạt giải thưởng xuất bản sách tại Hội chợ sách Frankfurt…

Văn của Lê Minh Khuê đặc sắc ở chi tiết. Chi tiết đắt và nhiều lực hấp dẫn làm nên những tác phẩm văn chương giá trị.

Nhà văn Hồ Anh Thái, cho rằng truyện ngắn của Lê Minh Khuê đã đạt đến độ thản nhiên, tự nhiên. Anh gọi chị là “bà trùm truyện ngắn”. Hồ Anh Thái ít tuổi hơn chị, là nhà ngoại giao nhiều năm làm việc ở nước ngoài, anh cũng thuộc dạng nhà văn kiệm lời, nhưng với Lê Minh Khuê và văn của chị, anh đã dành một sự trân trọng đến mực.

Về tuyển tập truyện của Lê Minh Khuê, tạp chí bình luận sách của Thời báo New York ngày 21.10.1995 viết “… Dù xảy ra trong quá khứ hay hiện tại, những truyện ngắn sắc sảo, đôi lúc buồn cô quạnh trong tập truyện của Lê Minh Khuê đều chịu ảnh hưởng sâu đậm của chiến tranh và sự xâm lǎng. Tập truyện này quan tâm tới tình yêu và sự đói nghèo, lòng tham và ngờ vực, phẩm giá và cái chết - và hậu quả dai dẳng của cuộc chiến đối với những ai may mắn sống sót. Qua bản dịch, tác giả đã hiện ra, một người có vǎn phong đẹp, nghiêm trang cùng với sự châm biếm tinh tường, đồng thời có khả nǎng trong những nhận xét đầy khơi gợi...”.

Sau khi đất nước thống nhất, vẫn cái nhìn sâu sắc đầy nhân hậu ấy Lê Minh Khuê lại soi chiếu vào cuộc sống đời thường. Lại những chi tiết đắt giá được sử dụng nhưng không phải là những đau đớn do chiến tranh gây ra mà là những nỗi niềm do sự xuống cấp của đạo đức…

Nhà văn Lê Minh Khuê giữa mùa thu Hàn Quốc. Ảnh: TLNV

Tác giả Lê Hồ Quang, giảng viên khoa Văn, đại học Vinh có nhận xét: “Cảm hứng thế sự chi phối chặt chẽ đến hệ thống hình tượng trong tác phẩm của Lê Minh Khuê. Nổi bật và xuyên suốt trong truyện ngắn của tác giả là hình tượng con người bế tắc và bất lực. Họ ý thức sâu sắc về cái cuộc sống tồi tệ đang phải chịu đựng nhưng không có cách gì thoát ra được. Đau đớn bởi sự tối tăm, cùn mòn, khát khao được thay đổi, nhưng họ biết rõ hơn ai hết về sự bất lực, vô vọng của chính mình. Nhà văn thường bắt đầu vấn đề từ những tình huống đời sống rất đỗi bình thường, với một lối kể, tả tự nhiên, nhuần nhị...

... Không ngần ngại chạm đến những góc cạnh dữ dằn, gai góc của đời sống, kêu gọi sự tỉnh táo nhận thức, nhìn thẳng sự thật, bóc trần ảo tưởng, Lê Minh Khuê đã đặt ra một cách trực diện nhiều vấn đề thiết cốt của đời sống đương đại. Nhiều truyện ngắn của tác giả này hấp dẫn người đọc bởi tính thời sự của những vấn đề xã hội đặt ra, sự tinh tế trong việc diễn tả tâm lý, cái nhìn hài hước mà chua xót về các trạng huống đời sống, sự sinh động của những chi tiết mô tả…

*

Ngoài những giải thưởng quốc tế đã kể ở trên, Lê Minh Khuê còn đoạt nhiều giải thưởng trong nước như Giải Hội nhà văn Việt Nam năm 1987 cho tập truyện ngắn Một chiều xa thành phố, năm 2000 cho tập Trong làn gió heo may, năm 2016 cho tập Làn gió chảy qua; Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội cho Thành tựu văn học trọn đời năm 2020; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012. Những sáng tác của chị luôn nhận được sự hưởng ứng của người đọc, được dịch ra nhiều thứ tiếng và ấn hành ở nhiều nước. Chị có mặt trong Từ điển Chân dung Văn học của nhà xuất bản Mỹ Gale - Cengage Learning (Dictionary of Literary Biography) phần Southeast Asian Writers (các nhà văn Đông Nam Á) cùng với năm nhà văn Việt Nam khác là Nguyễn Minh Châu, Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Phạm Thị Hoài.

“Thu hoạch” được nhiều giải thưởng, nhưng dường như Lê Minh Khuê chỉ vui thoáng qua. Chị cho rằng, giải thưởng ý nghĩa nhất cuộc đời một con người là sự bình an trong tâm hồn. Sự trân trọng của bạn bè, sức khỏe của người thân, nụ cười của đứa cháu trong ngôi nhà yên ấm là vẻ đẹp bất biến mà chị coi trọng.

Trần Thị Trường