Người 'tiếp lửa' văn hóa truyền thống

Ngay từ khi còn nhỏ, H'thi đã yêu vô cùng điệu xoang, tiếng cồng chiêng và hình ảnh hoa văn đặc sắc trên thổ cẩm của dân tộc mình. Chị mạnh dạn tham gia vào đội cồng chiêng của làng và được đắm mình trong không gian lễ hội.

Năm 24 tuổi, chị được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Chuet Ngol. Trong vai trò mới, chị vận động hội viên phụ nữ tham gia Tổ hợp tác dệt thổ cẩm của làng với mục đích duy trì và phát triển nghề truyền thống, biến thổ cẩm thành hàng hóa.

Chị H'thi (bìa trái) vận động chị em trong làng tham gia Tổ hợp tác dệt thổ cẩm với mục đích duy trì và phát triển nghề truyền thống. Ảnh: M.K

“Sau khi được vận động, có 6 chị em tham gia Tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng Chuet Ngol. Tổ hoạt động dựa trên nguyên tắc tự chủ về tài chính, hợp tác và phát triển cộng đồng với mức đóng góp vốn của mỗi thành viên là 500 ngàn đồng; sản xuất tập trung tại một địa điểm theo mô hình của làng dệt thổ cẩm truyền thống”-chị H'thi chia sẻ.

Hàng ngày, khi xong việc ruộng rẫy, các thành viên Tổ hợp tác dệt thổ cẩm tập trung tại ngôi nhà nhỏ cuối làng của Tổ trưởng H'Yứt để cùng nhau dệt vải. Chị H'Yứt cho hay: “Phụ nữ trong làng hầu như đều biết dệt thổ cẩm. Sau khi Tổ hợp tác ra đời, chị em trong làng đã tập hợp lại để cùng phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống”.

Còn chị H'Yưng-Thành viên Tổ hợp tác thì tâm sự: “Nhờ có sự động viên của chị H'thi, chúng tôi hào hứng tham gia Tổ hợp tác. Mỗi lần đến nhà chị H'Yứt để dệt, chúng tôi lại cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi để có được những tấm thổ cẩm đẹp và ý nghĩa nhất”.

Không dừng lại ở đó, chị H'thi còn là tuyên truyền viên tích cực khi nỗ lực vận động được nhiều thanh-thiếu niên tham gia đội cồng chiêng. Chị tới từng nhà chuyện trò, nói về cái hay, cái quý của văn hóa cồng chiêng cho các bạn trẻ. Nhờ có sự góp sức của chị, đội cồng chiêng thanh-thiếu niên của làng đã có 35 thành viên. “Khi tham gia đội cồng chiêng, em thấy mình yêu hơn nét đẹp văn hóa của dân tộc. Chúng em được tập luyện và tham gia trong các cuộc thi của địa phương”-em Hhy-Yuin (20 tuổi) bày tỏ.

Tháng 3-2024, chị H’thi đảm nhiệm vai trò chủ nhiệm câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuet Ngol”. Ảnh: Mai Ka

Tháng 3 vừa qua, chị H'thi tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuet Ngol. Đây là mô hình cồng chiêng nữ và nhạc cụ truyền thống đầu tiên ở xã Chư Á nói riêng và trên địa bàn TP. Pleiku nói chung.

Không chỉ phát huy vai trò của hội viên phụ nữ trong bảo tồn bản sắc văn hóa, CLB hứa hẹn sẽ tạo điểm nhấn cho du lịch cộng đồng tại địa phương. Trong vai trò mới này, chị H'thi nhận thấy trách nhiệm của mình không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động mà còn phải làm sao để CLB ngày càng phát triển và có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

“Hiện CLB có 41 thành viên. Để CLB duy trì hoạt động thường xuyên cần rất nhiều yếu tố. Bản thân tôi cũng biết cơ bản cách đánh cồng chiêng nhưng nhiều chị em thì còn bỡ ngỡ. Bởi vậy, chúng tôi cần nỗ lực đoàn kết, cùng nhau học hỏi để phát triển CLB trong tương lai”-chị H'thi chia sẻ.

Trao đổi với P.V, bà Trương Thị Hương-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Chư Á kiêm Bí thư Chi bộ làng Chuet Ngol-nhận xét: Chị H'thi luôn gương mẫu, tiên phong trong mọi phong trào, hoạt động, đặc biệt là người “tiếp lửa” văn hóa truyền thống Jrai có hiệu quả. Nhờ có những nỗ lực ấy của chị H'thi mà Tổ hợp tác dệt thổ cẩm làng Chuet Ngol hiện đã nhận được nhiều đơn hàng với giá 1,2-2 triệu đồng/sản phẩm.

Những đóng góp của chị H'thi không chỉ góp phần bảo tồn nghề truyền thống, phát huy hiệu quả kinh tế mà còn tạo sinh kế bền vững cho chị em phụ nữ dân tộc thiểu số. Với những kết quả ấy, 3 năm liền, chị H'thi được Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Pleiku tặng giấy khen hoàn thành xuất sắc công tác Hội.