Ngành nông nghiệp phát huy tinh thần tấn công, xuất khẩu từ 55 tỷ USD trở lên trong năm 2024

Chiều 3/1, tại Hà Nội, Thủ tướng ạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT), do Bộ NN&PTNT tổ chức.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Lần đầu tiên Việt Nam thí điểm bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, gửi lời chúc mừng tốt đẹp tới các đại biểu và bà con nông dân, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực, cố gắng kết quả, thành tựu mà ngành nông nghiệp đã đạt được, "vượt cơn gió ngược", được mùa, được giá, bội thu ở một số lĩnh vực, đạt thành tích cao hơn năm 2022, đóng góp quan trọng vào kết quả chung khá toàn diện của cả nước trong năm 2023. "Nông nghiệp đã xoay chuyển tình thế từ chỗ lúng túng, bị động, bất ngờ sang chủ động, tự tin, kịp thời, sáng tạo để tháo gỡ vướng mắc, vượt qua khó khăn, thách thức. Ngành đã chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang tấn công, đột phá trong một số ngành, như gạo, rau củ quả, lập kỷ lục mới", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng chỉ rõ một số điểm sáng quan trọng, nổi bật của ngành nông nghiệp trong năm qua. Trong đó, đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,83% (mức cao nhất trong nhiều năm gần đây, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao là 3%). Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 53,01 tỷ USD, thặng dư thương mại toàn ngành đạt mức kỷ lục 12,07 tỷ USD. Trong đó, 6 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Đặc biệt một số ngành hàng có bước phát triển vượt bậc, đạt mức xuất khẩu cao kỷ lục và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế, như: Hàng rau quả đạt 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo đạt 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%.

Việc phát triển, mở cửa thị trường gắn với sản xuất, chế biến nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị được chú trọng; chuyển đổi số, thương mại điện tử được quan tâm triển khai. Điểm nổi bật trong công tác xúc tiến thương mại quốc tế là Bộ đã chủ động ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, ật Bản và EU; bên cạnh đó đã linh hoạt thích ứng chuyển hướng và đồng thời coi trọng thị trường nội địa. Tăng cường giao dịch qua sàn thương mại điện tử để hỗ trợ các địa phương kết nối, kịp thời tiêu thụ nông sản.

Năm 2024, Thủ tướng yêu cầu Bộ, ngành không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, không chủ quan, lơ là, cũng không cũng không bi quan, lo sợ trước những diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức, tình hình luôn thay đổi.

Lần đầu tiên Việt Nam thí điểm bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon cho Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp, thu về 1.200 tỷ đồng; là cơ sở để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong thời gian tới.

Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được thực hiện kết hợp văn hóa truyền thống từng địa phương tạo sản phẩm đa dạng, phong phú; số lượng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên đến nay đã đạt trên 11.000 sản phẩm (tăng hơn 2.000 sản phẩm so với năm 2022). Cùng với đó, Bộ, ngành đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khuyến khích, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, tạo sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm. Gạo Việt Nam đạt danh hiệu ngon nhất thế giới, đây là sự kiện có nhiều ý nghĩa.

Bên cạnh những kết quả, Thủ tướng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế của ngành, như chưa gỡ được thẻ vàng IUU, một số vấn đề tồn đọng kéo dài như dự án hồ chứa nước Bản Mồng…

Thủ tướng và các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm tiêu biểu của ngành nông nghiệp.

Giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường mới

Năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành nông nghiệp phát huy tinh thần tấn công, đặt mục tiêu tăng trưởng toàn ngành cao hơn (khoảng 3,5-4%), xuất khẩu nông lâm thủy sản từ 55 tỷ USD trở lên…

Cùng với đó, tập trung cho đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, coi đây là động lực mới, đòi hỏi khách quan, lựa chọn đúng đắn, ưu tiên nguồn lực để phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại; làm mới những động lực tăng trưởng cũ và bổ sung những động lực tăng trưởng mới. Trước mắt, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho ngành nông nghiệp và phát triển thị trường tín chỉ carbon.

Rà soát, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đẩy mạnh xã hội hóa hơn nữa; đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, có giải pháp cụ thể tháo gỡ những nút thắt về chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận đất đai, tín dụng, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp hàng hóa và xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng tin tưởng năm 2024, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phát triển hơn, nhanh hơn, bền vững hơn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023.

Làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, CTPPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, tháo gỡ rào cản để thâm nhập thị trường mới, đồng thời coi trọng thị trường nội địa, có chiến lược đưa hàng hóa từ nông thôn về thành thị, xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Thủ tướng yêu cầu phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; tập trung giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC để gỡ "thẻ vàng IUU" trong năm 2024, ngăn chặn và xử lý nghiêm tầu cá khai thác trái phép ở nước ngoài; nghiên cứu, đề xuất trích lập Quỹ phát triển hạ tầng thủy sản để có thể tập hợp, huy động được nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng thủy sản.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng nông thôn mới phải đi đôi với tạo điều kiện phát triển kinh tế nông thôn, tạo điều kiện nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của từng vùng miền, gắn với đô thị hóa, tránh làm theo phong trào, hình thức, lãng phí.

Cùng với đó, đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế để phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời chủ động đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, bảo vệ hàng hóa nông sản Việt Nam, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Quốc Trần