Mua bán cổ phần có phải nộp thuế không?

Đối tượng nào phải nộp thuế khi chuyển nhượng cổ phần?

Cổ phần là một thuật ngữ phổ biến và khá quan trọng trong hoạt động đầu tư, tài chính và doanh nghiệp. Cổ phần là phần chia nhỏ nhất của vốn điều lệ và chỉ áp dụng đối với loại hình công ty cổ phần, thể hiện dưới hình thức cổ phiếu. Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành, xác nhận quyền sở hữu cổ phần của cổ đông trong công ty và cũng là chứng thư xác lập, chứng minh tư cách cổ đông đã góp vốn vào công ty.

Chuyển nhượng cổ phần được hiểu đơn giản là việc chuyển quyền sở hữu cổ phần của cá nhân, tổ chức này sang cho cá nhân, tổ chức khác. Việc chuyển nhượng cổ phần được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Đối với các doanh nghiệp chưa niêm yết trên sàn chứng khoán thì việc chuyển nhượng cổ phần buộc phải thực hiện bằng hợp đồng.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật thuế Việt Nam, thu nhập phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần là một trong những khoản thu nhập phải chịu thuế. Chính vì vậy, khi diễn ra việc chuyển nhượng cổ phần thì bên chuyển nhượng là bên phát sinh thu nhập và phải nộp thuế theo quy định.

Việc chủ thể nào tham gia vào giao dịch chuyển nhượng cổ phần sẽ quyết định đến loại thuế và thuế suất phải nộp. Đối với trường hợp bên chuyển nhượng là cá nhân sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân. Đối với trường hợp bên chuyển nhượng cổ phần là tổ chức sẽ phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế suất của thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%.

Khi chuyển nhượng cổ phần, bên chuyển nhượng là bên phát sinh thu nhập và phải nộp thuế theo quy định (Ảnh minh họa)

Được biết, pháp luật cũng quy định cụ thể số thuế phải nộp đối với Bên chuyển nhượng cổ phần là cá nhân hoặc tổ chức.

Đối với trường hợp bên chuyển nhượng cổ phần là cá nhân

Căn cứ điểm b khoản 4 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC (được sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 25/2018/TT-BTC) quy định về các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân như sau: “Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, bao gồm: Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của Luật Chứng khoán. Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phiếu của các cá nhân trong công ty cổ phần theo quy định tại khoản 2 Điều 6 của Luật Chứng khoán và Điều 120 của Luật Doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 Thông tư 111/2013/TT-BTC (được sửa đổi bởi Điều 16 Thông tư 92/2015/TT-BTC) quy định cá nhân chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì đối với việc chuyển nhượng cổ phần mà bên chuyển nhượng là cá nhân thì thuế thu nhập cá nhân được xác định là 0,1% trên giá chuyển nhượng từng lần.

Đối với trường hợp bên chuyển nhượng cổ phần là tổ chức

Thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần nằm trong danh mục thu nhập chuyển nhượng vốn. Do đó thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần thuộc danh mục thu nhập phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (căn cứ theo Điều 3, Văn bản hợp nhất số 14/VBHN-VPQH Thuế Thu nhập doanh nghiệp ngày 15/7/2020).

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2009, hiện được sửa đổi, bổ sung 4 lần mới nhất là Văn bản hợp nhất số 22/VBHN-VPQH Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 29/12/2022.

Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp chuyển nhượng cổ phần là thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp chuyển nhượng vốn. Theo đó, thuế thu nhập doanh nghiệp chuyển nhượng cổ phần được tính bằng với thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động chuyển nhượng vốn và bằng 20% (căn cứ theo Điều 10, Văn bản hợp nhất số 22/VBHN-VPQH Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2022).

Vì thu nhập phát sinh từ trường hợp bên chuyển nhượng cổ phần là tổ chức thực hiện chuyển nhượng cổ phần là một khoản doanh thu của doanh nghiệp và theo pháp luật về thuế thì sẽ khoản thu nhập này phải kê khai và hạch toán theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp theo năm tài chính.

Thế Hoàng – Lã Quyền