Một hành trình của khát vọng, sáng tạo và văn hóa

Hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác được khởi đầu ngày 5/6/1911 từ bến cảng Nhà Rồng – Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành đặt chân lên con tàu “Amiral Latouche-Tréville” với công việc phụ bếp. Đó là một hành trình không xác định thời gian nhưng có hẹn ước trở về. Trở về để giúp dân giúp nước với mục tiêu cao nhất là nước được độc lập, dân được tự do.

Hầu như khi ấy không ai nghĩ rằng tiến trình lịch sử hiện đại của đất nước Việt Nam, vận mệnh của dân tộc Việt Nam lại gắn bó chặt chẽ với hành trình ra đi đó của một người thanh niên mới 21 tuổi, bình dị và chất chứa trong tim biết bao khát vọng, có cả những khát vọng cháy bỏng vượt lên cái tuổi đôi mươi của anh.

Ra đi năm 1911 và về đến Tổ quốc vào năm 1941, Người dành trọn 30 năm trong cuộc đời 79 mùa xuân của mình cho việc tìm ra con đường cứu nước cứu dân, đưa Việt Nam từ một nước không tên trên bản đồ thế giới trở thành một quốc gia độc lập, tự do với đầy đủ nội hàm của khái niệm này và xa hơn đưa đất nước Việt Nam, con người Việt Nam sánh bước cùng thời đại.

Bến cảng Nhà Rồng- TP. Hồ Chí Minh, nơi khởi đầu hành trình tìm đường cứu nước vĩ đại của Bác

Cũng trong 30 năm ấy, Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đi qua trên gần 30 quốc gia của 4 châu lục, lao động bằng gần 20 nghề nghiệp để phục vụ cho một nghề duy nhất như Người nói “nghề cách mạng”.

30 năm ấy Người tiếp xúc với nhiều nền văn hóa, với vô số các tác phong ứng xử, nhưng Người vẫn không quên một câu hát ví dặm, hát phường vải hay một câu Kiều của quê hương xứ sở.

Lịch sử có những điểm trùng hợp kỳ lạ. 600 năm trước, Nguyễn Trãi phụng mệnh làm con theo cha Nguyễn Phi Khanh bị giặc nhà Minh bắt giải về phương Bắc. Trên đường đi, người cha khuyên con hãy trở về: “Phải nên thương lấy giống nòi/Ra tay cứu vớt cuộc đời trầm luân” thay vì cứ lẽo đẽo theo cha. Còn với Nguyễn Tất Thành trước khi ra đi, anh đến tìm cha. Cụ Nguyễn Sinh Sắc khuyên con trai: “Nước mất thì phải tìm ra con đường cứu nước chứ tìm cha phỏng có ích gì”.

Hồ Chí Minh đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả mang đến cho nhân dân Việt Nam ngọn cờ và khát vọng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Mỗi bước đi của Người trong hành trình ấy đều gắn liền với những quyết định trọng đại, những mốc son lịch sử trong các chặng đường của cách mạng Việt Nam.

Hành trình tìm con đường cứu nước của Bác là hành trình của khát vọng. Khi ra đi, khát vọng tuổi trẻ mang trên mình không còn là của riêng anh thanh niên Nguyễn Tất Thành nữa mà đã mã hóa khát vọng độc lập tự do cho cả một đất nước, cho mấy mươi triệu con dân nước Việt không cam chịu kiếp sống lầm than. Khát vọng đó trở thành động lực, là điểm tựa giúp cho Người vượt lên tất thảy những hiểm nguy nhất của cuộc đời làm thợ, của những đầu sỏ đế quốc thực dân ngay tại sào huyệt, cả những hiểm nguy của thời cuộc đầy nhiễu nhương những năm tháng ấy.

Hành trình tìm con đường cứu nước của Bác là hành trình sáng tạo vĩ đại tìm đường, mở đường và dẫn đường cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Biết bao chủ thuyết, trào lưu, biết bao tranh luận đến với Người khi ấy. Biết bao câu hỏi lớn khi ấy hẳn đã dày trò tâm trí Bác: “Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây? Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử? Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ” (thơ Chế Lan Viên)

Với trí tuệ và tài năng mẫn tiệp, từ chủ nghĩa yêu nước, Người đã tìm thấy ánh sáng khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin; đã trở thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế, nhà hoạt động tích cực, sôi nổi truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào phong trào cách mạng Việt Nam. Người đã sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo cả dân tộc ta vùng lên giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên mới: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Đó cũng còn là một hành trình văn hóa. Trên hành trình đó, Người đã nhận chân những giá trị văn hóa lớn mang tính thực tiễn của thời đại. Đồng thời cũng từ Người những giá trị văn hóa Việt Nam được lan tỏa, được tiếp biến với bạn bè bốn phương. Trong những tư tưởng cứu nước cứu dân Người tích lũy được trên hành trình vĩ đại 30 năm không ngừng nghỉ đó luôn kết tinh và mang tầm những giá trị văn hóa của thời đại đồng thời giữ vẹn nguyên bản sắc Việt Nam.

“Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai…”, nhà thơ Nga Osip Mandelstam viết như vậy vào tháng 12/1923 sau một lần gặp Người.

Vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người, TS Modagat Ahmed, Giám đốc UNESCO khu vực Châu Á Thái Bình Dương viết những dòng như sau: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một người trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang lại một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”. Đó cũng là những giá trị văn hóa cao nhất tỏa ra từ hành trình 30 năm tìm đường cứu nước.

“Từ thành phố này Người đã ra đi…”, một mùa hè cũng như mùa hè này đúng 110 năm trước, một khởi đầu mới, một bước ngoặt mới của lịch sử đất nước đã gắn với một cuộc ra đi, một hành trình vĩ đại.

Hôm nay đây, nhìn lại hành trình vĩ đại của Người với tư tưởng chủ đạo “yêu nước thương dân vô bờ bến”, những giá trị của khát vọng, của sáng tạo, của văn hóa tỏa ra từ hành trình ấy vẫn đang cổ vũ chúng ta trên con đường hiện thực hóa mục tiêu một nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Đại hội Đảng XIII đã xác định.

Quang Lộc