'Mẹ nhóm lửa trăm năm': Lay động tâm hồn, day dứt lương tâm

Tập thơ “Mẹ nhóm lửa trăm năm” với 51 bài thơ về nhiều đề tài rất khác nhau từ tình mẹ, tình yêu, thế sự... Tất cả đều rất thơ, lay động tâm hồn và day dứt lương tâm. Trân trọng và nâng niu từng bài thơ của mình, nhà thơ Nguyễn Minh Nguyên đã dành hết tâm sức để có một ấn phẩm ưng ý nhất với ông cả về hình thức trình bày và nội dung thi ca. Chỉ riêng bìa tập thơ ông đã trải qua nhiều đêm ngày suy nghĩ, trằn trọc, suy tư trong cân nhắc từ gam màu, phông chữ đến bố cục để có một bìa sách rất đẹp làm hài lòng bất cứ ai đã từng có sách xuất bản.

Tôi đã đọc rất kỹ từng bài thơ và có nhiều bài thơ đọc đi đọc lại nhiều lần để cố cảm nhận được những ý tứ sâu xa lắng đọng sau từng con chữ. Nhưng quả thực có những bài thơ tôi như lạc vào một thế giới khác lạ thật khó đoán định và hiểu thật đúng tinh thần mà nhà thơ muốn nói. Một tập thơ không có bài thơ chưa hay đã khó nhưng tất cả đều là bài thơ đáng đọc, đáng nghiền ngẫm và cũng đạt ở mức hay, không thể bắt bẻ ý tứ hay câu chữ thì thật khó lắm thay. Rất đáng mừng tập thơ “Mẹ nhóm lửa trăm năm” của nhà thơ Nguyễn Minh Nguyên đã đạt được điều đó cả về hình thức và chất lượng thi ca.

Nổi bật trong tập thơ là các bài thơ về mẹ. Đó là một người mẹ vừa thực vừa hư, vừa là người mẹ mà ông rất mực kính yêu nhưng cũng là một người mẹ vô hình tượng trưng cho người mẹ Việt Nam tần tảo chịu thương chịu khó cả một đời vất vả, lam lũ lo toan cho đứa con nên người tử tế. Từ bài thơ “Mẹ nhóm lửa trăm năm” là tiêu đề cho cả tập thơ nhưng chỉ có 4 câu mà chất chứa tình cảm và suy nghĩ sâu lắng nhất của nhà thơ về mẹ mình khi người đã về với đất:

Con dùng điện trả tiền qua trực tuyến

“Tí.. tách..” bếp quê mẹ nhóm trăm năm

Đời ca dao… lừa đã về với đất

Xua đi trong con giá rét, tối tăm.

Đến bài thơ “Người nhóm lửa qua hai thế kỷ” thể hiện sinh động nhất tình cảm và suy nghĩ được chắt lọc suốt cả cuộc đời hơn 70 năm của nhà thơ về người mẹ của mình sống đại thọ, vượt qua hai thế kỷ đầy giông bão là thế kỷ 20 và thế kỷ 21 với biết bao biến động ở trong nước và trên thế giới.

Không có một tình cảm sâu lắng chất chứa nặng trĩu trong lòng thì không thể có những bài thơ về mẹ hay và độc đáo sâu sắc như thế. Những câu thơ ông viết về mẹ đã rất hay nhưng những câu thơ ông dành cho vợ mình thì tuyệt nhiên không có từ nào là “người vợ” mà đọc lên đã thấy ngay một con người thủy chung son sắt trong tình cảm lứa đôi với người đầu gối tay ấp đã theo ông, lo toan và chăm sóc ông suốt cả cuộc đời.

Đọc bài thơ “Sẽ không bao giờ nữa”, ta thấy ở đây một sự tự vấn lương tâm thật nhẹ nhàng mà sao ai đọc lên cũng thấy như có mình trong đó về những điều không nên nhưng đã từng xảy ra trong mối lương duyên của mình. Lời thơ mới chân thành và nhân văn đẹp đẽ biết bao nhiêu.

Những bài thơ ông viết về nhiều đề tài khác nhau như bài “Thơ tặng… chuồn chuồn”, “Đại bàng bay về núi”, “Với chú sóc trên ngọn cây trong phố”... đến các bài thơ viết về sự việc địa danh cỏ cây hoa lá núi sông thì tất cả đều như thực như mơ như các bài thơ “Sau vệt nắng gắt kia”, “Viết ở đền Cổ Loa”, “Trời hoa đỏ rực tiếng ve”, “Phong lan Bảo Lộc”, “Nắng sẫm dần về phía hoàng hôn”... đều gợi nhiều suy tư và cảm xúc khó diễn tả nên lời cho mỗi người khi ngâm nga những câu thơ này.

Một mảng đề tài rất nổi bật trong tập thơ là các bài thơ về thế thái nhân tình hay có thể coi là thơ thế sự nhưng ở đây, thơ lại rất “thơ” chứ không phải là một tin tức hay bài báo khô khan. Bài thơ “Tổ quốc - tôi xin góp đôi câu thơ” mới viết là một bài thơ rất thành công viết về phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu chấn động dư luận cả nước. Bài thơ đã thể hiện tài năng của nhà thơ biết tìm thấy trong một vụ án hình sự một điều không chỉ là thời sự mà sống mãi cùng thời gian là lương tâm và nhân cách con người bị tha hóa trong thời đại kim tiền.

Các bài thơ viết về sự ra đi của Nữ hoàng Anh, về lá phiếu trắng, về hành xử của Thủ tướng Nhật Bản quỳ trước nhà dưỡng lão hay cảnh sát Mỹ quỳ xin Nhân dân tha thứ khi đồng đội của họ giết chết một người da màu... có sự thức tỉnh lương tâm con người về hiện tình đất nước còn ngổn ngang nhiều sự dối trá nhiều bất công ngang trái và sự xuống cấp về đạo đức của những người có chức có quyền. Bài thơ về cái chết của cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, cựu Tổng thống Liên bang Xô viết M.Gorbachev thể hiện tầm nhìn của nhà thơ khi đánh giá một nhân vật gây rất nhiều tranh cãi trên trường quốc tế. Tôi rất thích bài thơ “Bẻ bút viết về nữ hoàng Anh từ trần”:

Muốn viết bài thơ về Nữ hoàng

Mà thấy sao khó thật

Chữ nghĩa tôi bé nhỏ, tầm thường

Chợt nhận ra:

Một thi phẩm không lời hiện ra

trước mặt:

Nụ cười Nữ hoàng tỏa sáng thế gian

Đồng nghĩa Vô Cùng.

Tôi bẻ bút!...

Nhưng nhà thơ đã không bẻ bút mà vẫn viết thơ liên tục không ngừng không nghỉ thể hiện một tâm hồn đa dạng, phong phú rung cảm trước mọi cảnh vật và luôn trăn trở suy tư với vận mệnh con người và đất nước.

Trần Nhung*

* Nhà báo Trần Nhung - nguyên Trưởng phòng Thời sự quốc tế, Báo Quân đội Nhân dân, nguyên Tổng Biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam.