Mạnh tay ngăn chặn kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng

Tiếp tục diễn biến phức tạp

Theo thống kê, hiện nay, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng và phân bón được công nhận lưu hành ở nước ta có số lượng rất lớn. Cụ thể, gần 21 nghìn sản phẩm phân bón; 400 hoạt chất đơn, hàng nghìn hoạt chất hỗn hợp và khoảng 4.000 tên thương phẩm thuốc BVTV... Điều này khiến cho người tiêu dùng rất khó lựa chọn, đây cũng chính là kẽ hở để các đối tượng xấu lợi dụng nhằm kinh doanh bất chính.

Lực lượng QLTT phát hiện hàng trăm kilogam thuốc BVTV không rõ nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng...

Đại diện Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, phân bón, thuốc BVTV là những vật tư không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, nhưng nếu sử dụng sản phẩm không đạt chuẩn theo quy định, sẽ dẫn đến những hệ quả khó lường.

Thời gian qua, với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhiều cơ sở, công ty sản xuất phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng, thậm chí làm giả, nhái thương hiệu đã bị phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Điển hình, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Giang liên tiếp thu giữ hàng trăm kg thuốc BVTV các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác tiếng nước ngoài, không có trong danh mục được phép lưu hành. Cụ thể, ngày 28/5, Tổ công tác của Đội QLTT số 8 Hà Giang tiến hành kiểm tra phương tiện xe mô tô biển kiểm soát 23L1.06039 do ông Sùng Mí Lử, thường trú tại xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đang vận chuyển 400 gói thuốc diệt cỏ lúa; 120 chai (loại 750ml/chai) dung dịch phun sương diệt côn trùng và 40 chai (loại 300ml/chai) dung dịch diệt côn trùng, tất cả số hàng hóa trên đều do nước ngoài sản xuất.

Trước đó, lực lượng QLTT Hà Giang đã tổ chức 7 đợt kiểm tra với 25 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng. Đồng thời phát hiện thu giữ 2.270 gói thuốc diệt cỏ không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác tiếng nước ngoài đang vận chuyển trên tuyến đường huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang mang đi tiêu thụ.

Hay mới đây, ngày 31/5/2021, Đội QLTT số 2 thuộc Cục QLTT Đồng Tháp phát hiện, xử lý gần 2.000 chai thuốc BVTV quá hạn sử dụng tại cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp Nguyễn Thị Thu Nguyệt có địa chỉ: số 93/D, đường Nguyễn Văn Tre, khóm 4, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp do bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt làm chủ.

Tại An Giang, ngày 29/5, lực lượng chức năng cũng phát hiện gần 100 can thuốc BVTV có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định, không xác định được xuất xứ, không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng đựng trong thùng carton để tại lề đường Hương lộ 11, ấp Pô Thi, xã An Cư, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Cục QLTT Lạng Sơn phát hiện 1 xe ô tô sử dụng biển kiểm soát giả đang lưu thông trên địa phận huyện Lộc Bình, Lạng Sơn vận chuyển gần 500 chai thuốc diệt cỏ nhập lậu, giá trị khoảng 24 triệu đồng…

Không chỉ vận chuyển, buôn bán, một số đối tượng còn sản xuất thuốc BVTV giả. Đơn cử như Cục QLTT Kiên Giang đã phát hiện kho hàng ở xã Minh Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang đang sản xuất hàng hóa là các loại thuốc trừ cỏ, trừ bệnh. Trong kho hàng gồm 261 sản phẩm thuốc trừ cỏ, trừ bệnh, 1.840 nhãn hàng hóa hiệu Filia, Tilt Super, 01 máy ép seal và 01 thùng chứa chất lỏng chưa xác định. Đại diện kho hàng chưa xuất trình được giấy phép đăng ký kinh doanh, hóa đơn chứng từ liên quan đến lô hàng hóa trên và khai nhận là do ông tự sản xuất, bán ra thị trường.

Phối hợp để ngăn chặn kịp thời

Mặc dù các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã chủ động vào cuộc kiểm tra, xử lý, tuy nhiên, các hành vi vi phạm về buôn bán thuốc BVTV rất tinh vi và phức tạp. Các hành vi vi phạm chủ yếu các cơ sở kinh doanh không có giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV, hoặc buôn bán thuốc BVTV hết hạn sử dụng; không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác tiếng nước ngoài. Thậm chí còn bày bán ngay tại các khu chợ, nhất là phiên chợ vùng cao.

Đại diện Cục QLTT tỉnh Hà Giang cho biết, qua nắm bắt tình hình tại các phiên chợ vùng cao, một số đồng bào thiểu số sống gần các khu vực biên giới đã thông qua các đường mòn lối mở để lợi dụng mua các mặt hàng thuốc BVTV tại các khu vực giáp biên không rõ chất lượng, sau đó mang bán tại các chợ phiên vùng cao.

Theo đại diện Cục BVTV (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông), để kiểm soát tốt việc sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV, chính quyền và cơ quan chức năng tại từng địa phương cần chủ động theo dõi, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn. Cần cương quyết ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Về vấn đề này, Tổng cục QLTT cho biết, lực lượng cả nước sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ngoài ra, nhằm giúp người tiêu dùng hiểu rõ về mối nguy hại đối với sức khỏe và môi trường khi sử dụng những sản phẩm BVTV không rõ nguồn gốc, chất lượng, lực lượng QLTT sẽ phổ biến, tuyên truyền pháp luật để tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, không sản xuất, xuất nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV giả, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Mới đây, Tổng cục QLTT đã hợp tác với Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Việc “bắt tay” này sẽ góp phần lành mạnh hóa thị trường vật tư nông nghiệp, giúp người nông dân an tâm sử dụng vật tư nông nghiệp chất lượng.

Thu Phương