'Mạnh tay' để ngăn chặn 'bạo lực học đường'

Hình ảnh cô giáo bị nhóm học sinh xúc phạm xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, Sơn Dương, Tuyên Quang. Ảnh cắt từ clip.

Hành vi vi phạm không thể chấp nhận

Tối 4/12, mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ghi lại hình ảnh một nhóm học sinh có hành vi lăng mạ chửi bới, thậm chí hành hung một nữ giáo viên ngay tại góc lớp học. Sự việc được cho rằng xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh ên Quang.

Ngay sau khi đoạn clip được lan truyền, thông tin với báo chí lãnh đạo UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, sự việc đang được các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, làm rõ và xử lý theo quy định.

Nội dung đoạn clip lan truyền đã khiến dư luận bức xúc trước hành động hỗn láo của nhóm học sinh trong đoạn clip. Việc xử lý và ngăn chặn những hành vi “lệch chuẩn” kiểu này như thế nào để không tái diễn trong tương lai, cũng là điều khiến dư luận quan tâm.

Trao đổi với PV Kinh tế & Đô thị xung quanh sự việc trên, Nhà nghiên cứu Văn hóa Ngô Hương Giang bày tỏ: Đây là sự việc đặc biệt nghiêm trọng của ngành giáo dục nói chung và an ninh trật tự học đường nói riêng. Trước đó khoảng gần 01 tháng chúng ta từng chứng kiến vụ việc em V.V.T.K học sinh lớp 7 Trường THCS Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội bị các bạn trong lớp đánh hội đồng đến mức bị chuẩn đoán có khả năng “tâm thần vĩnh viễn”.

“Đối với trường hợp xảy ra ở Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang, cô giáo bị chính học sinh của mình có hành vi lăng mạ, bạo lực. Hành vi của các học sinh này không chỉ vi phạm đạo đức, mà còn có dấu hiệu xâm phạm sức khỏe người khác. Mức độ vi phạm là không thể chấp nhận được, nên cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xử lý đối với những học sinh cá biệt này. Sự việc xảy ra cũng đòi hỏi ngành giáo dục cần xem xét nghiêm túc, cấp bách về vấn nạn “bạo lực học đường” này, cũng như sớm xây dựng thiết chế xử phạt mạnh tay.” – Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang chia sẻ.

“Hình sự hóa” trong xử lý các hành vi côn đồ học đường

Được biết sự việc ở Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang xảy ra đã 2 tháng và ngành giáo dục địa phương này cũng đã xử lý, tuy nhiên clip vẫn được phát tán trên mạng xã hội khiến dư luận bất bình.

Nhà nghiên cứu Văn hóa Ngô Hương Giang: "Tùy mức độ vi phạm, có những sự việc còn cần đến sự lên tiếng từ công luận, và cần đến pháp luật để gia đình những học sinh cá biệt đó có trách nhiệm quản lý con em họ." - ảnh Hương Giang.

Nhìn nhận vấn đề này, Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng, khi sự việc xảy ra có lẽ lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo Sở Giáo dục đã chọn cách giải quyết nội bộ, và điều này cũng hợp với lẽ thường. Tuy nhiên, xét tính chất sự việc thể hiện qua những hành động của nhóm học sinh trong clip, nếu chỉ giải quyết nội bộ không thôi thì chưa đủ, mà cần giải quyết về mặt dư luận nữa.

“Có thể thấy dư luận đều không đồng tình với nhóm học sinh có hành động hỗn hào với cô giáo, và họ cũng bày tỏ sự không yên tâm khi con cái mình đang học ở ngôi trường lại có những học sinh cá biệt như thế. Với những học sinh cá biệt nếu chỉ dừng lại ở kiểm điểm, nhắc nhở, thậm chí chuyển trường, cho thôi học, thì những thói tật trong các bạn ấy không thể bị dập tắt. Tùy mức độ vi phạm, có những sự việc còn cần đến sự lên tiếng từ công luận, và cần đến pháp luật để gia đình những học sinh cá biệt đó có trách nhiệm quản lý con em họ.” – Nhà nghiên cứu Văn hóa Ngô Hương Giang bày tỏ.

Thực tế cũng cho thấy có nhiều vụ “bạo lực học đường” nói chung đã xảy ra mà cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm cách hạn chế. Để ngăn chặn vấn nạn này, Nhà nghiên cứu Văn hóa Ngô Hương Giang cho rằng cần có những nguyên nhân và giải pháp sau:

Thứ nhất, vấn nạn học đường từ trước đến nay vẫn chỉ được xem là hành vi “dân sự” trong khuôn viên học đường. Do đó cách thức giải quyết vẫn chỉ dừng lại ở mức độ dân sự là rút kinh nghiệm, kiểm điểm, hạ hạnh kiểm, mạnh hơn là chuyển trường, cho nghỉ học. Đã đến lúc chúng ta cần nhận thức rằng, bạo lực học đường, hay hành vi côn đồ xảy ra ở trường học cũng chính là hành vi có dấu hiệu hình sự.

“Do đó, cách thức giải quyết hành vi này cũng có thể “hình sự hóa” bằng cách tùy mức độ hành vi, lứa tuổi đối chiếu các quy định của pháp luật hình sự để có biện pháp răn đe, trừng phạt tương xứng. Luật pháp quy định người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội đặc biệt nghiêm trọng, và người từ 16 tuổi trở lên thì phải chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi tội phạm. Thực tế cho thấy, xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm cũng là một giải pháp quan trọng để răn đe, ngăn ngừa tái diễn” – ông Ngô Hương Giang nói.

Giáo dục học sinh lòng vị tha, lễ phép và biết cách tôn trọng người khácp

Thực tế cũng cho thấy, sự lớn mạnh của mạng xã hội, với sự tán phát của những clip xấu độc, kích động bản năng ác trong con người như hiện nay, chính là một trong những nguyên nhân tác động trực tiếp đến các hành vi bạo lực học đường có tính côn đồ.

Việc các em học sinh xem và làm theo các clip độc hại, bạo lực chính là môi trường nuôi dưỡng mầm ác, sự liều lĩnh, bất trị bên trong các học sinh cá biệt. Vì vậy, giải pháp thứ hai theo Nhà nghiên cứu Văn hóa Ngô Hương Giang là các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra bộ công cụ quản lý, kiểm soát, ngăn chặn, thậm chí khởi tố đối với những cá nhân, tổ chức sản xuất, phát tán các clip bạo lực, xấu, độc lên mạng xã hội.

Thứ ba, cần thay đổi mục tiêu giáo dục, nhiều ý kiến từ dư luận đều cho rằng chương trình giáo dục của chúng ta ngày nay quá nặng về kiến thức, trong khi đó dạy kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử đang bị xem nhẹ. Việc giáo dục các con lòng vị tha, bác ái, trân trọng giá trị phẩm hạnh con người, trong đó có sự trân trọng mạng sống, sức khỏe, tinh thần và danh dự người khác, là trách nhiệm của gia đình, nhà trường, và nó có ý nghĩa quan trọng chứ không chỉ là giáo dục tri thức.

Sỹ Hào