Lời khẩn cầu bất thường từ một vườn thú Trung Quốc

Trong công viên Dongshan ngày 14/9. (Ảnh: CNN)

Quỹ Bảo tồn các loài bị đe dọa kêu gọi tình nguyện viên góp thức ăn nuôi những con vật đang bị đói trong vườn thú thuộc công viên Dongshan ở phía bắc tỉnh Liêu Ninh. Vườn thú này thuộc quản lý của chính quyền địa phương, nhưng chính quyền được nói là đang hết tiền nên không thể cho những con vật trong vườn thú ăn đủ.

“Vẫn còn những con gấu nhỏ trong vườn thú cần cho ăn, con ngựa cái sắp đẻ mà đồ ăn bị giảm một nửa, còn nhân viên vườn thú bị nợ 6 tháng lương. Chúng tôi hy vọng các cơ quan liên quan chú ý đến vấn đề này”, lời kêu gọi trên Weibo viết.

Vườn thú có 6 con hươu sao, 6 con gấu đen, 10 con lạc đà alpaca, hàng trăm con khỉ và chim. Chúng sống dựa vào ngân sách, nhưng vườn thú không nhận được tiền trong 6 tháng qua, Quỹ Bảo tồn cho biết.

Tình trạng khó khăn này được cho là triệu chứng của một cuộc khủng hoảng kinh tế mà nhiều chính quyền địa phương của Trung Quốc đang đối mặt, khi họ phải cắt giảm mạnh chi tiêu để trả núi nợ trong thời gian đại dịch COVID-19 và ngành bất động sản khủng hoảng kéo dài.

Các chính quyền địa phương phải chi nhiều tỷ đô la để thực hiện xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa trong chiến dịch zero-Covid. Cuộc khủng hoảng bất động sản tác động mạnh đến nguồn thu của các chính quyền địa phương từ đấu giá đất.

Kết quả là một số địa phương phải dùng biện pháp khác thường để có tiền mặt, như phạt cả nhà hàng phục vụ dưa chuột mà không có giấy phép hay tài xế chở hàng quá tải.

Tại Ngõa Phòng Điếm, thành phố nơi có vườn thú nói trên, một viên chức địa phương nói với báo Paper.cn rằng việc cấp ngân sách cho vườn thú bị hoãn vì “căng thẳng tài chính”.

Một video được báo China Newsweek đưa lên mạng xã hội cho thấy thông báo viết tay được dán trong công viên: “Chúng tôi chưa trả lương nhân viên trong 6 tháng qua. Động vật ở đây không có thức ăn và sẽ sớm chết đói”.

Tình hình của vườn thú chỉ được giải quyết sau khi lời kêu gọi trên mạng thu hút chú ý rộng rãi của dư luận, khiến chính quyền thành phố cấp tiền để trả lương nhân viên và mua thức ăn cho động vật, Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc đưa tin

Tuy nhiên, tình trạng nợ nần của các chính quyền địa phương Trung Quốc vẫn là nguy cơ ngày càng lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Willy Lam, một nhà nghiên cứu cấp cao tại viện nghiên cứu The Jamestown Foundation ở Washington, ước tính rằng mức nợ của các chính quyền địa phương Trung Quốc có thể lên đến 9 – 12 nghìn tỷ USD, bao gồm “nợ chìm” mà các chính quyền địa phương huy động bằng công cụ tài chính.

Lam nói với CNN rằng tình hình có vẻ sẽ “vượt tầm kiểm soát”.

“Một nửa nguồn thu của các chính quyền địa phương phải dùng để trả lãi. Họ phải dùng mọi phương tiện để có tiền, như phạt nặng các nhà hàng và công ty”, Lam nói.

Tháng 6 năm nay, 3 nhà hàng ở Thượng Hải bị phạt 5.000 tệ (685 USD) vì cho dưa chuột thái nhỏ vào món mỳ lạnh mà không có giấy phép, khiến dư luận xôn xao.

“Đúng là phạt nặng tay vì một lý do vớ vẩn”, một người bình luận trên Weibo. “Vì sao nhằm vào các doanh nghiệp yếu nhất”, một người khác chất vấn.

Năm ngoái, chính quyền thành phố Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, bị các thanh tra trung ương phát hiện đã ngụy tạo bằng chứng để phạt nặng một tài xế xe tải đổ chất thải xây dựng, bài viết đăng trên website của chính phủ trung ương cho biết.

Ít nhất 15 thành phố của Trung Quốc báo cáo nguồn thu tăng ít nhất 100% từ phạt và tịch thu tài sản trong năm 2021, theo phân tích của hãng chứng khoán Yuekai.

Thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, ghi nhận mức tăng lớn nhất, với 151% so với năm trước. Thành phố Thanh Đảo ở miền đông thu được nhiều nhất, với 4,38 tỷ tệ (600 triệu USD) từ tiền phạt.

Tú Linh

Theo CNN