Lễ hội Sâm và Hương liệu, dược liệu quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất

Các gian hàng trưng bày sâm thu hút đông đảo khách tham quan. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Tối 24/5, Lễ hội Sâm và Hương liệu, dược liệu quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất đã khai mạc tại trục đường Lê Lợi (quận 1). Đây là sự kiện do Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng các đơn vị tổ chức từ ngày 24-26/5.

Ở lần tổ chức đầu tiên, Lễ hội quy tụ sự tham gia của 15 quốc gia và 20 tỉnh, thành của Việt Nam, 160 doanh nghiệp trưng bày sản phẩm, mô hình trải nghiệm sâm và hương liệu, dược liệu, 40 gian hàng trải nghiệm ẩm thực. Ngoài ra, Lễ hội còn có các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và hội thảo chuyên đề.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông õ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Lễ hội Sâm và Hương liệu, dược liệu quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 là dịp để các địa phương và doanh nghiệp giao lưu, quảng bá những sản phẩm sâm và hương liệu, dược liệu chất lượng, góp phần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, quảng bá thương hiệu sâm và hương liệu, dược liệu đến với người dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Bên cạnh đó, Lễ hội còn là tiền đề thúc đẩy sự phát triển của ngành sâm, hương liệu, dược liệu, tạo cơ hội cho Thành phố cùng các địa phương, doanh nghiệp trong nước và quốc tế giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm đối tác, qua đó nâng cao giá trị, hình ảnh sâm của Việt Nam; đưa các sản phẩm sâm, hương liệu, dược liệu Việt Nam nói chung, “Quốc bảo Việt Nam” - Sâm Ngọc Linh nói riêng vươn tầm thế giới.

Bên cạnh mục tiêu kinh tế, các hoạt động của Lễ hội cũng mang lại những trải nghiệm văn hóa sinh động cho người dân, tạo điều kiện để người dân Thành phố tìm hiểu về các sản phẩm sâm, hương liệu, dược liệu quý hiếm, đặc hữu trong nước và quốc tế.

Khách quốc tế tham quan gian trưng bày tại Lễ hội. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Ông Võ Văn Hoan mong rằng, Lễ hội Sâm và Hương liệu, dược liệu Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 lần đầu tiên sẽ góp phần triển khai Quyết định số 611 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; đồng thời thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 về “việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.”

Tham gia lễ hội lần này, anh Nguyễn Anh Tuấn, đại diện Công ty Sâm Ngọc Linh quốc bảo Việt Nam Samoza (Kon Tum) cho biết, với nguồn nguyên liệu hiện tại, đơn vị đang chào ra thị trường các sản phẩm như nước chiết hồng đẳng sâm Ngọc Linh, nước cốt lẩu, nước mát... Trong đó, nước chiết hồng đẳng sâm Ngọc Linh cũng là sản phẩm tiêu biểu đang được đơn vị hoàn tất các giấy tờ để xuất khẩu.

Tại thị trường trong nước, đơn vị cũng kinh doanh nhiều mặt hàng như bột đẳng sâm Ngọc Linh định chuẩn dùng trong thực phẩm như chế biến các món ăn trong bánh, kẹo và các sản phẩm sâm tươi cho các cơ sở làm nước mát. Hiện, công ty chủ yếu phân phối các sản phẩm trong 27 tỉnh, thành phía Nam.

Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, Lễ hội cũng là cầu nối để đơn vị tiếp cận nhiều tệp khách hàng, định vị thương hiệu, cũng như có cơ hội gặp gỡ, giao lưu thêm nhiều đối tác nhằm học hỏi, phát triển sản phẩm; giúp cho ngành sâm, hương liệu và dược liệu của Việt Nam thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)