Lấy lại đà tăng – tín dụng sẽ khởi sắc?

A.I

(KTSG) – Tín dụng đã lấy lại đà tăng trưởng trong tháng 3-2024, mang đến kỳ vọng hoạt động cho vay của các ngân hàng sẽ khởi sắc trong những tháng tới? Cùng với triển vọng kinh tế phục hồi, điều gì có thể giúp nhu cầu vay vốn mạnh mẽ hơn?

Chỉ trong vòng một tháng rưỡi cuối quí 1 năm nay, dư nợ tín dụng đã kịp tăng trở lại 1,9%, tương ứng với mức tăng tuyệt đối gần 258.000 tỉ đồng. Ảnh: LÊ VŨ

Tăng mạnh cuối quí 1

Sau khi ghi nhận mức sụt giảm 1% tính đến thời điểm giữa tháng 2-2024 (16-2) so với đầu năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã duy trì xu thế tăng trưởng trở lại kể từ đó đến nay. Cụ thể, theo công bố từ cơ quan quản lý, đến hết tháng 2 dư nợ tín dụng chỉ còn giảm 0,72% so với đầu năm; đến ngày 25-3 Tổng cục Thống kê cho biết dư nợ tín dụng đã tăng 0,26%.

Còn theo chia sẻ của đại diện ân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, có một số ngân hàng dư nợ tín dụng vẫn đang giảm nhưng tại nhiều đơn vị khác, dư nợ tín dụng đã đạt 3-5% so với đầu năm. Tính đến ngày 28-3, dư nợ tín dụng đạt 13,79 triệu tỉ đồng, tăng 0,9% so với đầu năm. Như vậy, chỉ trong vòng một tháng rưỡi cuối quí 1 năm nay, dư nợ tín dụng đã kịp tăng trở lại 1,9%, tương ứng với mức tăng tuyệt đối gần 258.000 tỉ đồng. Trong đó, riêng trong tháng 3 vừa qua tăng ròng thêm gần 220.000 tỉ đồng, đặc biệt mức tăng đột biến trong ba ngày cuối tháng 3 (theo số liệu công bố đến ngày 28-3) là gần 87.000 tỉ đồng.

Dù kết quả trên so với mức tăng 2,56% của cùng kỳ quí 1 năm ngoái là khá khiêm tốn, tuy nhiên sự đảo chiều trong tăng trưởng tín dụng từ âm trong hai tháng đầu năm sang dương trong tháng 3 là đáng ghi nhận, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang diễn tiến tích cực hơn, guồng quay cho vay của các ngân hàng đang sôi động trở lại. Thực tế nếu xét riêng tháng 3 vừa qua, mức tăng 1,6% của tháng 3-2024 chỉ thấp hơn 0,1 điểm phần trăm mức tăng 1,7% của tháng 3-2023.

Những số liệu vĩ mô cũng phản ánh các hoạt động kinh tế đang hồi phục, từ đó có thể thúc đẩy hoạt động tín dụng khởi sắc hơn. Tăng trưởng GDP quí 1-2024 đạt 5,66%, cao nhất trong năm năm qua, với động lực chính từ hoạt động thương mại và đầu tư. Điều quan trọng hơn là hầu hết các dự báo cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam sẽ tích cực hơn trong thời gian tới, điều này có thể thúc đẩy các doanh nghiệp tự tin hơn với các kế hoạch, dự án đầu tư mới và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Trong báo cáo phát hành mới đây, ân hàng HSBC duy trì dự báo GDP Việt Nam tăng 6% trong năm nay, với các hoạt động kinh tế sẽ gia tăng mạnh hơn trong sáu tháng cuối năm, đồng thời kỳ vọng NHNN giữ nguyên chính sách tiền tệ đến 2025. Tương tự, Ngân hàng UOB cho rằng kết quả khả quan của quí 1-2024 đã tạo ra tín hiệu tích cực cho thời gian còn lại của năm nay, theo đó giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 6% cho năm 2024 so với mục tiêu tăng trưởng từ Chính phủ là 6-6,5%.

Sẽ tiếp tục khởi sắc?

Bên cạnh triển vọng kinh tế phục hồi, xu hướng lãi suất cho vay tiếp tục giảm về mức phù hợp cũng có thể thúc đẩy hoạt động tín dụng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Hàng loạt ngân hàng gần đây liên tục triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua, khi chi phí vốn đầu vào đã giảm mạnh so với giai đoạn trước nhờ các khoản tiền gửi thời kỳ lãi suất cao trong đầu năm 2023 đã lần lượt đáo hạn trong những tháng qua.

Như Agribank từ ngày 20-3-2024 dành ra 50.000 tỉ đồng triển khai chương trình cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng cá nhân phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh, lãi suất chỉ từ 3%/năm. Một ngân hàng gốc quốc doanh khác là Vietcombank từ ngày 1-4 đến hết ngày 30-6 triển khai đồng loạt các gói cho vay mới với lãi suất giảm tới 1,5 điểm phần trăm/năm so với mặt bằng lãi suất hiện nay, trong khi lãi suất cho các khoản vay hiện hữu cũng được giảm 0,5 điểm phần trăm/năm.

Nhiều ngân hàng tư nhân khác cũng tung ra các chương trình cho vay mua nhà với lãi suất ưu đãi ở mức gần như thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong bối cảnh giá nhà đất trong hai năm qua đã hạ nhiệt và có dấu hiệu đóng băng, việc lãi suất cho vay đang ở mức thấp nhất như hiện nay có thể đẩy nhu cầu tín dụng đầu tư bất động sản tăng trở lại. Cần lưu ý, số liệu công bố hồi tháng trước của NHNN cho thấy trong bức tranh sụt giảm tăng trưởng tín dụng hai tháng đầu năm 2024, mức giảm diễn ra ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, nhưng bất động sản là ngành có tăng trưởng với mức tăng 0,23%.

Về phần mình, các tổ chức tín dụng cũng có động lực để đẩy mạnh cho vay trong giai đoạn hiện nay. Thứ nhất là với việc hạn mức tăng trưởng tín dụng đã được cấp ngay từ đầu năm nay thay vì từng quí/nửa năm như những năm trước, các ngân hàng đang ở thế chủ động và cần nỗ lực phát triển cho vay ngay từ đầu năm để quay vòng dòng vốn tín dụng nhanh nhất, đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn tối ưu nhất, đặc biệt trong bối cảnh nguồn vốn của hệ thống nói chung và nhiều ngân hàng nói riêng vẫn ở thế dồi dào.

Theo chia sẻ của đại diện NHNN mới đây, vốn cho nền kinh tế không thiếu, khi sau ba tháng, tổng huy động vốn của toàn hệ thống đạt 13,73 triệu tỉ đồng, sẵn sàng cung ứng vốn cho bất kỳ dự án đảm bảo điều kiện. So với số dư 13,5 triệu tỉ đồng đạt được vào cuối năm 2023 mà NHNN công bố, như vậy tổng huy động vốn đã tăng thêm 1,7% trong quí 1 năm nay. Tuy nhiên, số liệu của Tổng cục Thống kê công bố đến ngày 25-3 cho thấy huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023 (?).

Dù vậy, việc NHNN liên tục phát hành tín phiếu để hút ròng thanh khoản tiền đồng trong gần một tháng qua, cũng như tỷ lệ trúng thầu trái phiếu chính phủ duy trì ở mức cao trong những tháng đầu năm, là minh chứng rõ nhất cho thấy hệ thống đang thừa tiền. Vì vậy, áp lực giải ngân vốn cho vay ra nền kinh tế của các ngân hàng là không nhỏ, đặc biệt là trước những yêu cầu liên tục từ Chính phủ.

Trong Công điện số 32/CĐ-TTg ngày 5-4-2024 gửi Thống đốc NHNN về các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, bên cạnh yêu cầu các tổ chức tín dụng công khai lãi suất cho vay, giảm lãi suất cho vay, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN khẩn trương thực hiện quyết liệt, hiệu quả, kịp thời các giải pháp tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; có biện pháp điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 hiệu quả, khả thi, kịp thời hơn nữa, tuyệt đối không để ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm, bảo đảm thực hiện được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra trong năm 2024.

Dĩ nhiên, vẫn tồn tại những yếu kém có thể hạn chế tăng trưởng tín dụng trong năm nay mà giới phân tích cũng đã chỉ ra trong thời gian qua. Từ nguy cơ nợ xấu, hoạt động cho vay doanh nghiệp sân sau bị kiểm soát chặt chẽ hơn; danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp suy giảm; cho đến việc cần thêm thời gian để nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng trở lại trạng thái bình thường, khi số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường trong năm 2023 và quí 1 năm nay vẫn đang tăng mạnh.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng không nên thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá mà từ đó có thể kích thích dòng vốn chạy vào những lĩnh vực rủi ro, mất an toàn, càng gia tăng rủi ro tiềm ẩn nợ xấu. Thay vào đó, điều quan trọng hơn là dòng vốn tín dụng phải đến đúng lĩnh vực, đối tượng được khuyến khích, đảm bảo đủ điều kiện sử dụng và khả năng hoàn trả vốn vay.

Thụy Lê