Lắp camera giám sát xe kinh doanh vận tải: Ý kiến đa chiều

Từ 1/7/2021, xe kinh doanh vận tải khách phải lắp camera giám sát hành trình. (Ảnh minh họa)

Không nên trì hoãn vì mục tiêu an toàn

Trong văn bản trả lời Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu các doanh nghiệp vận tải triển khai lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải đúng thời hạn theo Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải; đồng thời cũng bác đề xuất lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP đối với các hành vi vi phạm về lắp camera theo quy định tại Nghị định 10 mà Hiệp hội Vận tải Việt Nam đưa ra.

Có thể thấy đây là động thái cứng rắn cần thiết bởi thông điệp mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa ra rất rõ ràng: Việc lắp đặt camera là điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm mục tiêu giám sát hành vi của người lái xe, giám sát tình hình an ninh, trật tự trên xe và bảo đảm an toàn giao thông. Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải quy định, từ ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu giữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông.

Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan công an, thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép. Quy định trên, sau khi chính thức có hiệu lực, sẽ mang tới một công cụ hỗ trợ đắc lực mới cho lực lượng chức năng cũng như các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giám sát hoạt động của xe kinh doanh vận tải.

Về mặt chức năng, camera giám sát có nhiều nét tương đồng với thiết bị giám sát hành trình (còn gọi là hộp đen) nhưng cơ chế hoạt động và hiệu quả mang lại được kỳ vọng sẽ ưu việt hơn rất nhiều.

Việt Nam là một trong số những quốc gia có số vụ tai nạn giao thông thuộc loại cao trên thế giới. Chính vì thế, các qui định nhằm giám sát, ngăn ngừa những hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, nhằm hạn chế số vụ tai nạn, tình trạng chèn ép và hành hung hành khách, cần được áp dụng nghiêm. Mục tiêu cuối cùng là giúp các chủ xe, tài xế và cả hành khách chấp hành nghiêm luật pháp giao thông và an toàn giao thông. Từ đó, các chủ xe và doanh nghiệp vận tải cũng hạn chế được thiệt hại về tài sản, kinh tế.

Doanh nghiệp mong hướng dẫn cụ thể hơn

Theo báo cáo, hiện nay, trên thị trường, một bộ thiết bị giám sát hành trình có chức năng ghi nhận và truyền dữ liệu hình ảnh có giá vào khoảng 4,5-5,5 triệu đồng, chi phí duy trì máy chủ và đường truyền dữ liệu khoảng 120.000 đồng/xe/tháng. Như vậy, chi phí lắp đặt thiết bị cho trên 340.000 phương tiện dự kiến phải lắp đặt sẽ vào khoảng 1.500-1.900 tỉ đồng và chi phí duy trì máy chủ và đường truyền vào khoảng 500 tỉ đồng/năm. Đây là những khoản chi phí lớn đối với doanh nghiệp vận tải trong bối cảnh thiệt hại, khó khăn kéo dài do dịch bệnh.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng Khúc Hữu Thanh Hải cho biết, các đợt bùng phát dịch bệnh khiến các doanh nghiệp vận tải khách gần như gục ngã, lượng xe không hoạt động phải nằm bãi rất nhiều. Việc lắp đặt camera giám sát hành trình đã có lộ trình từ trước, theo quy định thì các doanh nghiệp phải thực hiện, nhưng nhiều đơn vị vẫn băn khoăn về hiệu quả của thiết bị so với chi phí bỏ ra có mang lại hiệu quả không.

Theo ông Hải, nếu hiệu quả thì việc đầu tư là bình thường, nhưng hiện các doanh nghiệp vận tải đang khó khăn, đầu vào không có nhưng các chi phí đầu ra vẫn phải thực hiện, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Hiện nhiều doanh nghiệp không có đủ khả năng tài chính để hoạt động chứ chưa nói gì đến việc đầu tư thiết bị.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số quy định chưa được thống nhất giữa Nghị định số 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, chẳng hạn như quy định số lượng, vị trí lắp đặt camera, khiến doanh nghiệp vận tải lúng túng khi chấp hành.

Mặt khác, hiện trên thị trường đang lưu hành rất nhiều sản phẩm camera với những tính năng, đặc tính khác nhau. Các doanh nghiệp vận tải phần lớn không có kinh nghiệm trong vấn đề lắp đặt, kết nối, truyền tải dữ liệu này nên mong nhận được sự hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo lắp đặt thiết bị tuân thủ đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định, vận hành hệ thống thiết bị sao cho đồng bộ và hiệu quả.

Nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng, quy định lắp đặt camera trên xe ô tô kinh doanh vận tải là hợp lý, tuy nhiên cần có thí điểm, tổng kết thí điểm trước khi triển khai lắp đồng loạt, để tránh sửa đổi, bổ sung quy định, nhất là các quy định về phương tiện kỹ thuật làm tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp.

Sinh Nguyễn