Lao đao ngành 'giải quyết việc làm nhiều nhất' trong lĩnh vực công nghiệp tại Quảng Bình

ảng Bình có lợi thế nằm ở vị trí chiến lược trên hành lang phát triển kinh tế Đông-Tây, là cửa ngõ phía đông thông ra biển, có hệ thống giao thông khá thuận lợi gồm: đường bộ, đường sắt, sân bay Đồng Hới và cảng biển Hòn La. Đặc biệt, với nguồn nhân lực dồi dào, tỉnh Quảng Bình là nơi lựa chọn của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực dệt may công nghiệp.

Ngành may mặc được đánh giá có vị trí quan trọng và đóng góp tích cực trong sản xuất công nghiệp tỉnh Quảng Bình; đây là ngành có tốc độ tăng trưởng khá, tăng cao hơn mức tăng chung sản xuất công nghiệp (về giá trị tăng thêm, giá trị sản xuất) và giải quyết việc làm nhiều nhất trong các ngành công nghiệp tỉnh Quảng Bình.

Theo Sở Công thương tỉnh Quảng Bình, hiện tỉnh này có 60 doanh nghiệp may mặc, đóng tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố; trong đó tập trung chủ yếu tại Tp.Ðồng Hới, Lệ Thủy, Quảng Ninh.

Tuy nhiên, ngành may mặc đang rơi vào muôn vàn khó khăn, khiến 24 DN (chiếm 40%) ngừng hoạt động hoặc chuyển hướng kinh doanh khác; có 21 DN (chiếm 35%) hoạt động và duy trì được đơn hàng ổn định; 15 DN (chiếm 25%) hoạt động cầm chừng, đơn hàng ít và thường xuyên cắt giảm lao động;

Từ Quý III/2022 đến nay, đơn hàng và giá gia công ngành may mặc giảm mạnh. Nhiều thời điểm thiếu việc làm, doanh nghiệp (DN) phải nhận các đơn hàng nhỏ lẻ, có giá trị thấp để duy trì hoạt động và giữ chân lao động. Chi phí sản xuất, vận tải, nguyên vật liệu, lãi vay… tăng cao cũng đã ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương lý giải nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và suy giảm kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao, nhu cầu thị trường may mặc trong và ngoài nước có xu hướng giảm và chưa được phục hồi; doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu.

Ngành may mặc tại Quảng Bình đứng trước nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tăng (giá nguyên liệu, giá nhiên liệu, gia điện, lãi xuất... tăng) nhưng giá gia công giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh ngành may mặc.

“Ngoài những nguyên nhân khách quan ở trên thì cần thẳng thắn thừa nhận, doanh nghiệp may mặc trên địa bàn tỉnh chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ (chiếm trên 90%), năng lực tài chính yếu; việc đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất còn hạn chế và chậm được đầu tư đổi mới, chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh yếu.

Bên cạnh đó, công nghiệp hỗ trợ mặc trong nước cũng như tại Quảng Bình chưa phát triển, giá trị nguyên liệu phụ thuộc vào 1 thị trường (Trung Quốc) và thường xuyên biến động... Trong khi đó hiện nay ngành may mặc đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực...”, ông Tuấn cho biết.

Cùng với đó, sự chỉ đạo điều hành, kiểm tra, đôn đốc của một số ngành, địa phương chưa quyết liệt, thiếu kịp thời trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN may mặc. Hệ thống pháp luật chưa đồng bộ và còn nhiều vướng mắc đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), tiến độ thực hiện dự án và cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư ngành may mặc.

Để củng cố và phát triển ngành may mặc Quảng Bình đến năm 2030, tầm nhìn năm 2035, Sở Công thương tỉnh Quảng Bình đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước và Ủy ban nhân dân cấp huyện đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và dịch vụ logistics trên địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ngành may mặc sản xuất; đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp ngành may mặc tiếp cận với khách hàng tiềm năng; tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ trong tuyển dụng và đào tạo lao động.

Doanh nghiệp may mặc cần đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị và công nghệ nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chuyển hướng sản xuất từ gia công sang sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng và đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn thị trường xuất khẩu.

Ngô Thị Huyền