Làm gì để ngành sản xuất thăng hạng?

Nhìn thẳng vào điểm nghẽn

Theo Bộ Công Thương, công nghiệp hiện trở thành ngành đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước và đóng vai trò quan trọng trong phát triển của nền kinh tế. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chiếm tới hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp FDI đang chiếm khoảng 70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Việc chuyển đổi mô hình sản xuất và tăng cường ứng dụng công nghệ số gắn với định hướng sản xuất xanh sẽ đóng vai trò then chốt

Vướng mắc của nền công nghiệp Việt Nam nằm ở việc nội lực còn yếu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phụ thuộc quá lớn vào các doanh nghiệp FDI. Đơn cử, các doanh nghiệp FDI chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt, đối với các ngành xuất khẩu chủ lực như điện - điện tử, dệt may, da giày, số lượng doanh nghiệp FDI chỉ khoảng 20% trên tổng số doanh nghiệp nhưng lại chiếm tới hơn 80% kim ngạch xuất khẩu. Các doanh nghiệp này chủ yếu tập trung ở khu vực hạ nguồn để tận dụng các ưu đãi về thuế và các chi phí đầu vào như nhân công giá rẻ và các yêu cầu về môi trường, lao động chưa quá cao của Việt Nam.

Chia sẻ về những khó khăn nội tại của doanh nghiệp sản xuất, đại diện lãnh đạo Hiệp hội Thép Việt Nam - cho biết, mặc dù ngành thép đã có sản lượng năm khoảng 30 triệu tấn thành phẩm, nhưng đến 90% cung cấp cho nhu cầu xây dựng, kể cả thép xuất khẩu cũng chủ yếu phục vụ xây dựng.

Bài toán ở đây không hẳn là vấn đề về năng lực sản xuất thép mà còn ở câu chuyện nhu cầu thép hợp kim, thép chế tạo phục vụ cho hộ tiêu dùng cuối cùng ở các ngành, lĩnh vực kinh tế có số lượng nhỏ (hàng nghìn tấn/năm) và phân chia ra các loại sản phẩm khoảng hàng trăm, hàng triệu khác nhau rất chi tiết, vì thế không tương thích với quy mô lớn của nhà máy thép, nhà máy luyện kim (sản lượng hàng trăm nghìn tấn cho đến hàng triệu tấn/năm.

Hay đơn cử như ngành điện tử, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho hay, được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện Việt Nam vẫn phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bà Hương chỉ ra nguyên nhân căn bản là tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử còn thấp; các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng linh kiện ngoại; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử dù đã tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, nhưng mới cung cấp được các sản phẩm đơn giản, có giá trị hàm lượng công nghệ thấp.

Ngành công nghiệp điện tử có đặc thù là thâm dụng lao động lớn. Điều đó ngược hẳn với ngành công nghiệp điện tử ở các nước khác trên ế giới khi tập trung vốn và công nghệ. Nguyên nhân do Việt Nam tập trung vào khâu hạ nguồn, chủ yếu là lắp ráp và thâm dụng lao động”, bà Đỗ Thị Thúy Hương nhìn nhận.

Tiến lên nấc thang cao trong chuỗi giá trị

Theo TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Việt Nam phải tiến tới làm chủ công nghệ, nhận chuyển giao công nghệ từ làn sóng đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, đối với những lĩnh vực công nghệ cao gắn với tương lai phát triển rộng mở.

Theo đó, Việt Nam cần có chính sách kết nối tốt hơn doanh nghiệp trong nước để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cung ứng trong nước, với tư cách không chỉ chuỗi giá trị thấp mà tham gia vào chuỗi giá trị cao.

Để đẩy mạnh nền công nghiệp mang tính tự chủ, vững mạnh, theo Bộ Công Thương, trọng tâm thời gian tới ngành cần tiếp cận công nghệ sản xuất hiện đại, xây dựng những tập đoàn kinh tế đủ mạnh dẫn dắt các ngành công nghiệp và công nghiệp phụ trợ. "Song song với phát triển công nghiệp nền tảng ngành, cần phát triển các ngành sản xuất nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như: Công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, hóa chất và công nghiệp vật liệu…" - ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay.

Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm áp luật để làm nền tảng, cơ sở cho các hoạt động thúc đẩy phát triển công nghiệp. Phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp thông qua điều hành bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các chính sách tài chính, tiền tệ, thuế cũng như các công cụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp.

Còn đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Hoài Nam, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ Khí - Điện TP. Hồ Chí Minh (Hamee) cho biết, việc chuyển đổi mô hình sản xuất và tăng cường ứng dụng công nghệ số gắn với định hướng sản xuất xanh sẽ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của ngành sản xuất.

Chính vì vậy, như chia sẻ của ông Nam, phía Hamee đang triển khai dự án “Made by Vietnam” nhằm đẩy mạnh quảng bá cho các DN nội địa với những sản phẩm công nghiệp Việt tại thị trường nội địa cũng như kết nối đến thị trường các nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Dự án này nhằm tạo hệ sinh thái hình thành chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp nâng cao chất và lượng của sản phẩm Việt.

Muốn làm được điều này, một số chuyên gia kinh tế cũng lưu ý, cần làm sao để đưa những doanh nghiệp sản xuất nội địa đang thực sự đóng góp vào GDP của cả nước có thể vươn lên thành “đầu tàu”, trở thành thương hiệu quốc gia và thương hiệu quốc tế.

Hiện nay số doanh nghiệp Việt vừa mang thương hiệu quốc gia và vừa có thương hiệu quốc tế vẫn còn rất khiêm tốn. Một khi bàn nhiều thương hiệu mạnh cho ngành sản xuất thì phải tạo “quyền lực mềm” cho các nhà sản xuất nội địa vươn xa.

Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần tập trung hướng tới xây dựng ngành công nghiệp chế biến cho giá trị gia tăng cao hơn, có tính tự chủ hơn, không thể để phụ thuộc quá lớn vào một ngành, hay một lĩnh vực, lại từ những doanh nghiệp FDI đầu tư công nghệ cao, khó chuyển giao, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khó có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng.

Có thể nói tương lai của ngành sản xuất Việt có nâng cao được vị thế cạnh tranh hay không đang kỳ vọng rất nhiều vào những cú hích mới của các doanh nghiệp nội địa. Điều này đòi hỏi họ phải có được công nghệ bền vững cho tiến trình “chuyển đổi kép”, cũng như tập trung vào những giá trị cốt lõi để nâng tầm thương hiệu và được tạo các điều kiện thuận lợi để bước ra biển lớn.

Duy Anh