Lãi suất tiết kiệm đã giảm sâu nhưng lượng tiền gửi vẫn cao

Các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản chưa thu hút được dòng tiền trở lại

Trong thời gian qua, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã giảm mạnh. Thế nhưng một nghịch lý đó là dù lãi suất đã giảm, lượng tiền gửi tại ngân hàng vẫn đang được duy trì ở mức tương đối cao.

Số liệu thống kê từ ân hàng Nhà nước cho thấy tính đến tháng 10/2023, người dân gửi tiền vào ngân hàng tăng thêm 422 tỷ đồng so với tháng 9, đạt hơn 6,44 triệu tỷ đồng. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

Lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn gia tăng dù lãi suất tiết kiệm đã xuống rất thấp (Ảnh TL)

Nguyên nhân được nhiều chuyên gia kinh tế nhận định là do các kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản không còn hấp dẫn và nhiều rủi ro. Việc lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng thời gian qua giảm mạnh nhưng lượng tiền gửi vẫn tăng cao cho thấy dòng tiền vẫn còn thận trọng trong việc dịch chuyển sang các kênh khác như bất động sản hay chứng khoán...

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2024 cũng được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức. Năng lực hấp thụ nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp vẫn ở mức thấp, nợ xấu có xu hướng gia tăng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng… Đây cũng đều là những nguyên nhân khiến dòng tiền tiết kiệm chưa thể chuyển hướng sang các kênh đầu tư tương ứng.

Dòng tiền gửi tiết kiệm vẫn cao, thị trường chứng khoán kém hấp dẫn?

Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 15/1/2024 đã cho thấy tình trạng người dân tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng trong suốt năm 2023. Tổng số tiền được gửi vào ngân hàng tháng sau luôn cao hơn tháng trước, bất chấp lãi suất huy động được các ngân hàng thương mại áp dụng mức thấp kỷ lục.

Lượng tiền gửi tháng 10/2023 tăng thêm 789.659 tỷ đồng so với cùng kỳ. Nếu so với thời điểm cuối năm 2022, lượng tiền gửi tháng 10/2023 tăng thêm 9,95%, tương ứng với hơn 583.800 tỷ đồng.

Trong đó, lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, tính đến tháng 10/2023 đạt 6,24 tỷ đồng, tăng hơn 5% so với cuối năm 2022. Tình trạng trên đi ngược với biến động của lãi suất huy động, hiện đã xuống rất thấp, chỉ dao động từ 1,7% đến 5,2%.

Trong bối cảnh trên, không thể phủ nhận rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng. Ghi nhận trong năm 2023, VN-Index tăng trưởng 12,2%. Tuy nhiên, nếu nhìn lại nhóm VN30, trụ đỡ của thị trường thì có tới 20/30 mã giảm giá trong nhóm này.

Điểm chung của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bị sụt giảm giá trị này hầu hết đều là những doanh nghiệp kinh doanh dựa trên sức cầu của các hộ gia đình trong xã hội.

Đơn cử như của Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn giảm từ vùng giá 93.000 đồng/cổ phiếu xuống chỉ còn hơn 60.000 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức giảm giá hơn 1/3 trong năm 2023. Trong khi thời điểm giáp tết luôn là thời điểm nhu cầu mua rượu, bia tăng cao, cổ phiếu SAB vẫn chưa thể bứt phát trở lại.

Trang Thu