Kinh tế thế giới nổi bật (24-30/11): Nga thắng lớn trong vụ mùa ngũ cốc, Mỹ tăng trưởng cao hơn dự báo, đầu tàu châu Âu đón tin vui

Máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa mì ở vùng Novosibirsk thuộc Siberia, Nga. (Nguồn: AFP)

Kinh tế thế giới

Biến đổi khí hậu làm giảm 6,5% GDP toàn cầu năm 2022

Biến đổi khí hậu đã gây tổn thất hàng tỷ USD cho nền kinh tế thế giới trong năm 2022, trong đó các nền kinh tế đang phát triển chịu tác động nặng nề nhất.

Đây là kết quả báo cáo mới được công bố trước thềm Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của ên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) dự kiến diễn ra ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vào tuần này.

Trong báo cáo mới, Đại học Delaware ước tính, tác động của tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra đã làm giảm 6,5% GDP toàn cầu trong năm 2022, với những tác động đã được tính toán theo quy mô dân số. Các thông số phản ánh cả những hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu như những gián đoạn với ngành nông nghiệp và sản xuất, giảm sản lượng vì nắng nóng, cũng như những tác động gián tiếp qua thương mại và đầu tư toàn cầu.

Tác giả chính của báo cáo, nhà nghiên cứu James Rising từ Đại học Delaware, cho rằng thế giới mất đi hàng nghìn tỷ USD vì biến đổi khí hậu, trong đó các nước nghèo chịu phần thiệt nhiều nhất. Ông hy vọng thông tin này sẽ góp phần làm rõ hơn những thách thức mà nhiều nước đã phải đối mặt và sự cần thiết phải hỗ trợ khẩn cấp cho các nước này ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nếu tính thiệt hại nói chung, không tính cụ thể trung bình số người, GDP toàn cầu giảm 1,8%, tương đương 1.500 tỷ USD, trong năm 2022.

Kinh tế Mỹ

* Ngân hàng Bank mới đây dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ lãi suất mạnh mẽ hơn ước tính hiện tại của thị trường, khi kinh tế nước này được dự đoán sẽ suy thoái nhẹ vào nửa đầu năm sau.

Theo Deutsche Bank, Fed sẽ hạ lãi suất 1,75 điểm phần trăm trong năm 2024. Với lãi suất hiện đang ở mức 5,25%-5,5%, mức giảm nói trên sẽ đưa lãi suất về mức 3,5%-3,75% trước cuối năm sau.

Trong khi đó, theo số liệu của Tập đoàn giao dịch chứng khoán London (LSEG), giới giao dịch hiện đang tính đến khả năng đến cuối năm sau, lãi suất ở mức 4,48%.

* Theo báo cáo được Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 29/11, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng trưởng cao hơn dự báo trong quý III/2023, do đầu tư và chi tiêu chính phủ cao hơn dự kiến ban đầu.

So với cùng kỳ năm ngoái, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đã tăng trưởng 5,2% trong quý III, mức cao nhất kể từ quý IV/2021 và cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng ước tính 4,9% được công bố vào tháng 10/2023.

Một số chuyên gia kinh tế đánh giá tốc độ tăng trưởng GDP mạnh mẽ của quý III chủ yếu phản ánh sự gia tăng trong chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư hàng tồn kho tư nhân.

Kinh tế Trung Quốc

* Thị phần của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu đã tăng gấp 10 lần, từ dưới mức 2% của năm 1990 lên 18,4% vào năm 2021. Đây là lần đầu tiên và duy nhất thế giới chứng kiến một mức tăng trưởng nhanh và liên tục đến vậy.

Tuy nhiên, sự đảo ngược đã bắt đầu. Vào năm 2022, thị phần của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới đã giảm đi một chút và cho đến năm nay, tốc độ suy giảm đang lớn dần, xuống còn 17%. Khoảng cách 1,4% trong hai năm qua đánh dấu mức giảm thị phần lớn nhất của Trung Quốc kể từ những năm 1960.

* Số liệu cho thấy lợi nhuận của các công ty sản xuất công nghiệp Trung Quốc trong tháng 10 đã tăng 2,7%, nhưng con số này thấp hơn đáng kể so với mức tăng 11,9% trong tháng 9/2023 và mức tăng 17,2% trong tháng 8/2023.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê quốc gia (NBS, trong thời gian từ tháng 1-10/2023, lợi nhuận của các công ty sản xuất công nghiệp đã giảm 7,8% so với cùng giai đoạn năm trước đó, thấp hơn so với mức giảm 9% trong thời gian từ tháng 1-9/2023.

Kinh tế châu Âu

* Hội đồng châu Âu ngày 27/11 đã thông qua hiệp định thương mại giữa ên minh châu Âu (EU) với New Zealand và hiệp định này có thể có hiệu lực "vào đầu năm 2024" sau khi Wellington phê chuẩn.

Thỏa thuận này quy định việc cắt giảm thuế theo từng giai đoạn đối với hàng nhập khẩu gồm thịt cừu, thịt bò, rượu vang và trái cây của New Zealand. Đổi lại, hàng xuất khẩu của EU, bao gồm máy móc và phương tiện giao thông, cũng như chocolate, rượu vang và bánh quy, cũng sẽ được hưởng lợi.

Với dân số 450 triệu người, EU hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của New Zealand.

* Báo “Thương gia” dẫn các nguồn thạo tin của Bộ Năng lượng ngày 28/11 cho biết, khối lượng khai thác khí đốt ở nước này trong tháng 10 tăng khoảng 11,8% và đạt mức 60,13 tỷ m3. Trong giai đoạn từ tháng 1-10/2023, sản lượng khí đốt của Nga đã đạt mức 534,5 tỷ m3, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2022.

Tập đoàn độc quyền khí đốt Nga Gazprom đã tăng sản lượng trong tháng 10/2023 thêm 14,6%, đạt mức 38,6 tỷ m3, nhưng trong 10 tháng, sản lượng của Gazprom đã giảm 11%, xuống còn 327,8 tỷ m3. Các nhà phân tích lưu ý rằng xu hướng phục hồi sản lượng được hỗ trợ bởi xuất khẩu sang Trung Quốc và tiêu dùng nội địa ngày càng tăng.

* Ngày 28/11, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev dự báo, nước này sẽ có vụ thu hoạch ngũ cốc lớn thứ hai trong lịch sử vào cuối năm nay, với hơn 151 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có 99 triệu tấn lúa mì.

Theo Bộ trưởng Patrushev, số ngũ cốc trên không chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và còn tạo cơ hội xuất khẩu ngũ cốc kỷ lục cho các đối tác nước ngoài. Năm 2022, Nga ghi nhận mùa thu hoạch ngũ cốc lớn nhất lịch sử với 157,676 triệu tấn, tăng 29,9% so với năm 2021.

* Trên mạng xã hội X, Bộ Ngoại giao Áo cho hay, nước này sẽ cung cấp thêm 3,8 triệu Euro cho Sáng kiến ngũ cốc từ Ukraine.

Một năm trước, Áo đã tuyên bố ủng hộ Sáng kiến và đóng góp 3,8 triệu Euro để phân phối ngũ cốc Ukraine tới những người có nhu cầu ở Ethiopia và Sudan.

* Lạm phát trong tháng 11/2023 của Đức đã chậm lại với giá tiêu dùng tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm so với mức 3,8% của tháng 10. Đây là mức lạm phát thấp nhất kể từ tháng 8/2021.

Báo cáo của Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis) cho biết, mức lạm phát trên giảm mạnh hơn so với dự kiến của các nhà phân tích đưa ra trước đó là 3,4%. Trong khi đó, lạm phát cơ bản, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động cũng giảm từ 4,3% trong tháng 10/2023 xuống 3,8% trong tháng 11.

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Chính phủ Nhật Bản sẽ yêu cầu các công ty nhận trợ cấp liên quan đến chất bán dẫn và các mặt hàng quan trọng khác thực hiện các biện pháp ngăn chặn việc rò rỉ công nghệ sang các quốc gia khác.

Tại cuộc họp ngành bán dẫn vào ngày 29/11, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã đưa ra yêu cầu trên đối với những công ty nhận trợ cấp của chính phủ để phát triển chất bán dẫn và các mặt hàng quan trọng. Động thái thể hiện nỗ lực của Tokyo nhằm đảm bảo công nghệ quan trọng đối với an ninh kinh tế sẽ nằm trong biên giới của mình.

* Theo Hiệp hội cửa hàng tiện lợi Nhật Bản, doanh số bán hàng miễn thuế tại các cửa hàng này trong tháng 10/2023 tăng 2,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt kỷ lục 38,3 tỷ yen (258 triệu USD).

Con số trên vượt mức 34,4 tỷ Yen từ tháng 4/2019, khi du khách nước ngoài đổ vào nước này, làm tăng lượng khách tại các cửa hàng tiện lợi.

Tổng doanh thu của các cửa hàng tiện lợi tăng 6,1%, lên 453,1 tỷ Yen, đánh dấu tháng tăng thứ 20 liên tiếp. Doanh số bán đồ dùng cá nhân như các thương hiệu xa xỉ tăng 12,7%. Các cửa hàng tiện lợi tiếp tục tăng mạnh doanh thu trong tháng 11, với doanh thu tại các cửa hàng lớn tính đến ngày 16/11 tăng khoảng 7%.

* Ngày 29/11, các nguồn tin cho hay, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Hàn Quốc từ mức 1,5% trong dự báo trước đó được đưa ra hồi tháng 9/2023 xuống 1,4%, đồng thời dự báo lạm phát của nước này trong năm 2023 tăng từ mức 3,4% lên 3,6%.

Việc điều chỉnh của OECD phản ánh sự suy giảm vừa phải của nền kinh tế toàn cầu, ước tính giảm 0,1 điểm phần trăm còn 2,9%, từ mức 3% trong triển vọng được đưa ra hai tháng trước đó.

* Xuất khẩu rong biển khô và cơm nấu sẵn của Hàn Quốc đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay trong giai đoạn từ tháng 1-10/2023, chủ yếu do nhu cầu ở nước ngoài tăng nhanh khi văn hóa và ẩm thực xứ sở kim chi ngày càng phổ biến.

Theo Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu rong biển khô của nước này đã đạt mức cao kỷ lục 670 triệu USD trong 10 tháng của năm nay, tăng 20,4% so với cùng kỳ một năm trước đó. Về khối lượng, xuất khẩu rong biển khô tăng 17,3% so với cùng kỳ lên 30.000 tấn.

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Theo dữ liệu do Cơ quan Thống kê Australia (ABS) công bố ngày 28/11, doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 10/2023 sụt giảm do người tiêu dùng hạn chế mua sắm tất cả các mặt hàng, trừ thực phẩm, để chuẩn bị cho đợt giảm giá Black Friday vào tháng 11/2023.

Số liệu của ABS cho thấy, doanh số bán lẻ ở Australia trong tháng 10/2023 đã giảm 0,2% so với tháng trước đó, xuống còn 35,77 tỷ AUD (23,68 tỷ USD).

Ông Ben Dorber, Trưởng bộ phận thống kê bán lẻ của ABS, cho biết, doanh số bán lẻ đã tăng trưởng 1,2% trong một năm qua và dường như người tiêu dùng đã tạm dừng một số hoạt động chi tiêu tùy ý trong tháng 10 để chờ đợi các đợt giảm giá Black Friday trong tháng 11. Theo ông, đây là xu hướng ngày càng phổ biến trong những năm qua tại Australia.

* Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, nước này được dự báo là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Bà Indrawati khẳng định, nền kinh tế Indonesia được dự báo tăng trưởng 5% trong năm nay. Đây là một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất trong ASEAN và G20.

* Ngày 27/11, tại cuộc gặp giữa Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin và người đồng cấp Malaysia Anwar Ibrahim tại trụ sở hải quan cửa khẩu biên giới Sadao thuộc tỉnh Songkhla ở miền Nam Thái Lan, hai bên đã nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và du lịch biên giới song phương thông qua trạm kiểm soát biên giới mới này.

Nguồn tin Văn phòng Chính phủ Thái Lan cho biết, tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tăng tốc độ tiếp cận đường bộ tới trạm kiểm soát Sadao mới ở phía biên giới Thái Lan để tăng cường thương mại và du lịch xuyên biên giới, thay cho trạm kiểm soát Sadao cũ nhỏ hơn và không thể mở rộng.

Về phía Malaysia, trạm kiểm soát Sadao mới sẽ được kết nối bằng đường bộ tới trạm kiểm soát Bukit Kayu Hitam ở bang Kedah của Malaysia.

Hai bên cũng nhất trí thành lập các lực lượng đặc nhiệm chung để điều phối các vấn đề thương mại biên giới, du lịch, nông nghiệp và an ninh.

Hải An