Cậu bé 9 tuổi chinh phục 3 đỉnh núi cao bậc nhất Việt Nam

Chiều đầu năm, tôi gặp Nguyễn Quang Việt (9 tuổi) và chị Phan Nga - mẹ Việt - trong quán cà phê yên tĩnh ở Hà Nội. Thoáng nhìn, tôi không nghĩ đây là người đã chinh phục tới 3 trong số 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam.

Việt có dáng người khá nhỏ, khuôn mặt bẽn lẽn vì gặp người lạ và giọng hơi "thỏ thẻ". Tuy nhiên, những ấn tượng ban đầu đấy đã sai.

Chinh phục những đỉnh núi

"Khi một bên là vực, một bên là dãy núi, con sẽ đi thế nào?", chị Nga đặt câu hỏi cho cậu con trai ngồi bên cạnh.

Không mất quá lâu để suy nghĩ, Việt đáp lại: "Con sẽ đi áp vào dãy núi. Nếu đường trơn, con sẽ cúi người và hạ thấp trọng tâm xuống".

Đó không phải điều bất kỳ đứa trẻ 9 tuổi nào cũng có thể trả lời chỉ với những thứ được dạy ở trường học. Tuy nhiên, với một người đã có kinh nghiệm chinh phục 3/15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, điều này là thứ cậu bé cần phải biết để đảm bảo an toàn cho chính mình suốt quãng đường đi.

"Nhưng con vẫn thích chơi trượt cầu thang", Việt cười lớn khi được mẹ khen. Dù có trưởng thành hơn các bạn đồng trang lứa thế nào, cậu bé vẫn mang tâm hồn trẻ thơ của đứa nhóc mới 9 tuổi.

Việt chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù khi mới 9 tuổi.

Theo chia sẻ của Việt, cậu bé đã leo được 3 đỉnh gồm Tà Chì Nhù (Yên Bái, cao 2.985 m, thứ 6 Việt Nam), Lảo Thẩn (2.826 m, thứ 11 Việt Nam) và Bạch Mộc Lương Tử (Lào Cai, 2.998 m, cao thứ 5 Việt Nam). Trước khi chinh phục 3 đỉnh núi này, Việt cũng trải qua một số thử thách dễ thở hơn như Cửa Tử (Thái Nguyên) hay Hàm Lợn - nóc nhà Hà Nội.

Sau khoảng một tiếng trò chuyện, cậu bé trở nên hoạt bát và cười đùa nhiều hơn. Giống như bao đứa trẻ khác, thi thoảng, Việt lại trèo từ ghế này sang ghế bên kia thoăn thoắt.

Việt bắt đầu tranh luận nhiều với mẹ mỗi khi được đặt câu hỏi. Ví dụ như khi tôi hỏi Việt leo đỉnh núi nào trước, cậu bé còn "sửa sai" cho mẹ vì nhớ nhầm.

"Cửa Tử là lần đầu tiên con leo núi nhưng không tính là đỉnh. Tà Chì Nhù đầu tiên đó ạ", Việt nhanh nhảu đáp. Sau đó, cậu bé còn cùng mẹ lục lại những tấm hình chinh phục các đỉnh núi của mình. Việt kể trước lần leo đỉnh đầu tiên, em không lo lắng gì mà chỉ thấy vui, tò mò.

Việc leo núi giúp Việt tự tin và có thêm nhiều kỹ năng sống.

Trong lần đầu leo Tà Chì Nhù, cậu bé còn thuộc top leo nhanh nhất. Khi xuống núi, dù trời đổ mưa, Việt vẫn trong nhóm dẫn đầu đoàn. Một số người trong đoàn bị ngã nhưng cậu lại không hề hấn gì. "Con chẳng bị làm sao cả. Hôm đấy, mẹ ngã dập mông phải không", cậu bé quay ra đùa với mẹ rồi lại hút một hơi dài để lấy viên trân châu bên trong cốc nước.

9 tuổi, chơi từ bóng đá đến bắn cung

Mới 9 tuổi, Việt đã chơi đủ các môn thể thao. Cậu là đội trưởng đội bóng đá của khối và chơi tiền đạo - vị trí đòi hỏi sự quyết đoán, nhanh nhẹn và "cái đầu lạnh".

Việt cũng từng tham gia nhiều giải bơi ở khu chung cư mình sống và giành giải nhất. Ngoài ra, theo chị Phan Nga, con trai mình còn tập bắn cung và sắp học thêm golf. Leo núi có thể xem như một điểm nhấn trong bảng thành tích thể thao đáng nể của cậu bé 9 tuổi này.

Việt (trái) thử sức ở nhiều bộ môn thể thao, kể cả dù lượn mạo hiểm.

"Ngày xưa, khi chưa được 1 tuổi, con tôi ốm rất nhiều. Gần như trong 6 tháng đầu, mỗi tháng tôi phải đưa con đi bác sĩ 3, 4 lần. Từ khi con lên 5 tuổi, nhà có điều kiện hơn, tôi bắt đầu cho Việt tập thêm các môn thể thao. Thằng bé không còn ốm đau gì, cũng chẳng phải dùng đến thuốc. Nếu chẳng may có sụt sịt mũi, nó cũng tự khỏi luôn", mẹ Việt chia sẻ.

Chia sẻ với Zing, chị Nga cho biết gia đình luôn cân bằng việc học và chơi thể thao của con trai. Thông thường, hai mẹ con thường leo núi vào cuối tuần, khi không trùng lịch học, thi. Các môn thể thao khác cũng được bố trí thời gian hợp lý để Việt bảo đảm kết quả trên trường.

"Tôi không đào tạo con mình theo kiểu hoàn hảo, để nó thành ông cụ non. Tôi muốn con nâng cao kỹ năng sống và khả năng giao tiếp với mọi người thông qua các môn thể thao", chị Nga cho hay.

Không kỷ lục, không liều mạng

Chị Phan Nga cho biết mình không hướng con đến bất kỳ kỷ lục nào ở bộ môn leo núi cũng như các môn thể thao khác. Chị chỉ muốn con có sức khỏe tốt, mọi kỷ lục khác phải do con tự hướng đến.

"Bây giờ, nếu đặt kỷ lục, đó sẽ là kỷ lục của cha mẹ, không phải của Việt. Tôi muốn con tự quyết định tương lai của mình", chị cho biết.

Trả lời phóng viên, mẹ Việt tâm sự mình rất vui khi nhờ leo núi và chơi các môn thể thao, con đã dạn dĩ, hòa đồng hơn xưa. Trước đây, Việt sợ bẩn, sợ ăn đồ màu đen, thấy chó mèo cũng khiến em bỏ chạy...

Hai mẹ con luôn đặt giới hạn cho mình trước khi quyết định chinh phục các đỉnh núi.

Tuy nhiên, từ khi sống gần gũi với thiên nhiên, chơi thể thao nhiều hơn, Việt đã trở thành một cậu bé hoàn toàn khác. Chị Nga cũng không đòi hỏi hơn ở một đứa trẻ mới 9 tuổi.

Trên một số diễn đàn leo núi, Việt cũng nhận được nhiều sự quan tâm nhờ những chia sẻ của chị Nga về hành trình của hai mẹ con. Dù vậy, chị Nga không mấy cho Việt sử dụng điện thoại cũng như đọc bình luận vì con chưa đủ trưởng thành.

Có những cái ngưỡng như vậy mà chị Phan Nga đặt ra để giữ con mình an toàn. Việc leo núi cũng thế.

"Điều quan trọng là bạn phải biết sức con mình tới đâu. Nếu con mới đủ sức leo Lảo Thẩn thì đừng cố bắt nó leo Bạch Mộc Lương Tử. Bởi nếu xét về độ khó, Lảo Thẩn mới 6 điểm còn Bạch Mộc Lương Tử phải 10 điểm", chị Nga chia sẻ.

Bạch Mộc Lương Tử là thử thách thật sự với Việt.

Bên cạnh việc đánh giá đúng sức con, chị Nga cũng đảm bảo an toàn cho chuyến đi bằng việc luôn thuê các tour chuyên nghiệp. Với mẹ Việt, an toàn của con trai cần đặt lên hàng đầu, sau đó mới đến các trải nghiệm. Khi đi với các đoàn làm tour leo núi chuyên nghiệp, chị Nga hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề này.

"Chưa bao giờ tôi gặp phải tình huống xấu khi đi cùng đoàn tour chuyên nghiệp. Nếu đi leo với hội bạn, tôi có thể tự túc. Tuy nhiên, khi có con nhỏ, tôi luôn chọn các công ty tour", chị nói.

Theo chị Nga, việc đi cùng các công ty tour chuyên nghiệp cũng là cách giúp con nhỏ học hỏi thêm nhiều thứ. Đa số hướng dẫn viên, porter đều là người bản địa. Do đó, họ nắm rất rõ địa hình, biết những loại cây độc, gây ngứa để cảnh báo... Trong một số trường hợp, họ có thể xử lý khi gặp động vật hoang dã.

Chị Nga nói thêm: "Trước khi đi, tôi thường bàn kỹ với công ty tour về thành phần tham gia. Nếu có con nhỏ, họ sẽ bố trí các hướng dẫn viên có khả năng giao tiếp, chơi đùa với trẻ con. Họ hỗ trợ rất tốt. Trong trường hợp không bàn bạc trước, bạn sẽ phải chịu nhiều rủi ro".

3 đỉnh núi chưa phải đích đến cuối cùng của hai mẹ con. Việt và mẹ có dự định chinh phục 10 đỉnh cao nhất Việt Nam trước ngày sinh nhật 10 tuổi của em vào tháng 7 tới. Tuy nhiên, dự định này thực sự khá khó khăn do tình hình dịch phức tạp.

Hành trình của Việt trong tương lai đã được mẹ đặt nền móng từ nhỏ.

Khi được hỏi về một tương lai hai mẹ con cùng chính phục một đỉnh núi ở nước ngoài, chị Nga chỉ cười và lắc đầu.

"Tôi là phụ nữ, năm nay cũng gần 40 tuổi rồi. Khi con trưởng thành, tôi cũng có tuổi. Vì thế, mục tiêu nước ngoài cứ để cho con tự quyết. Mình chỉ đặt nền móng, thúc giục đam mê trong con thôi", chị Nga chia sẻ.

Anh Tú