Kinh tế thế giới nổi bật (15-21/9): Nga 'thu đậm' từ dầu, Hungary 'cấm cửa' nông sản Ukraine, EU lo phụ thuộc Trung Quốc về mặt hàng này

Nhà máy lọc dầu của tập đoàn dầu mỏ Lukoil, Nga. (Nguồn: lukoil)

Kinh tế thế giới

IIF: Nợ toàn cầu chạm mức kỷ lục 307.000 tỷ USD

Viện Tài chính quốc tế (IIF) ngày 19/9 công bố báo cáo cho thấy nợ toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 307.000 tỷ USD trong quý II/2023, dù lãi suất tăng đã hạn chế hoạt động tín dụng ngân hàng trong khi các thị trường như Mỹ và Nhật Bản thúc đẩy đà tăng.

Theo báo cáo, tổng giá trị các khoản nợ toàn cầu tính bằng đồng USD đã tăng 10.000 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023 và 100.000 tỷ USD trong suốt thập niên qua.

Mức tăng mới nhất trên đã đẩy tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tăng quý thứ hai liên tiếp và lên mức 336%. Báo cáo nhận định, tăng trưởng kinh tế giảm tốc, cùng với việc giá cả tăng chậm lại đã khiến GDP danh nghĩa tiến chậm hơn mức nợ. Đó là nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ trên GDP tăng.

Báo cáo nêu rõ, hơn 80% trong mức tăng mới nhất đến từ các nước phát triển, trong đó Mỹ, Nhật Bản, Anh và Pháp đóng góp mức tăng lớn nhất. Về phần các thị trường mới nổi, những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil lại là những cái tên hàng đầu góp phần vào mức nợ trên.

IIF đánh giá với áp lực về tiền lương và giá cả đang dịu dần - ngay cả khi không nhanh như kỳ vọng - tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu dự kiến sẽ vượt 337% vào cuối năm nay. (Reuters)

Kinh tế Mỹ

* Ngày 20/9, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức hiện tại, song ủng hộ một đợt tăng lãi suất vào cuối năm 2023 và tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt cho đến năm 2024.

Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày, Fed đã quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách trong khoảng 5,25-5,50%, trong khi các dự báo cập nhật cho thấy 12/19 nhà hoạch định chính sách của cơ quan này ủng hộ một đợt tăng lãi suất nữa vào năm 2023 để đảm bảo lạm phát tiếp tục giảm tốc. Ngân hàng trung ương Mỹ cũng dự báo chính sách tiền tệ sẽ được nới lỏng ít hơn trong năm 2024, nhờ vào sự mạnh mẽ của nền kinh tế và thị trường lao động. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Trung Quốc ngày 19/9 kêu gọi tăng cường kết nối xuyên biên giới với Nga và hợp tác thương mại và đầu tư hai bên sâu sắc hơn.

Bộ trưởng Phát triển kinh tế Nga Maxim Reshetnikov đã có các cuộc thảo luận "chuyên sâu" về hợp tác kinh tế với Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào tại Bắc Kinh ngày 19/9. Trong các cuộc thảo luận ở Bắc Kinh, ông Vương Văn Đào cho biết hợp tác kinh tế và thương mại Trung-Nga ngày càng trở nên sâu sắc và “vững chắc” hơn dưới “sự chỉ đạo chiến lược” của hai nhà lãnh đạo.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine bước sang năm thứ hai và Moscow chịu nhiều lệnh trừng phạt của Phương Tây, Trung Quốc đã trở thành bạn hàng lớn của Nga đối với các mặt hàng về dầu khí và ngũ cốc. (Reuters)

* Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và cơ quan quản lý ngoại hối Trung Quốc ngày 18/9 đã gặp gỡ các tổ chức tài chính và công ty quốc tế, giữa bối cảnh Bắc Kinh tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài để hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế của nước này.

Theo tuyên bố của PBoC, đại diện của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Morgan Stanley, HSBC, Deutsche Bank và Tesla cũng tham dự cuộc họp này. Trung Quốc đã tìm cách thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong bối cảnh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 chậm lại vì nhu cầu ở nước ngoài ảm đạm và sự suy giảm của thị trường bất động sản. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã cho thấy những dấu hiệu ổn định tạm thời vào tháng trước sau các hỗ trợ chính sách của chính phủ.

Báo cáo do Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố hôm 15/9 cho thấy, sản lượng công nghiệp tháng 8/2023 của nước này đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn đáng kể mức 3,7% ghi nhận hồi tháng 7 và là mức cao nhất kể từ tháng 4 tới nay.

Kết quả trên cũng vượt kỳ vọng tăng 3,9% trong cuộc thăm dò ý kiến các nhà phân tích của hãng tin Reuters. (Reuters)

Kinh tế châu Âu

* Theo một văn bản được chuẩn bị cho các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU), nếu không có các biện pháp mạnh mẽ, đến năm 2030, EU có thể trở nên phụ thuộc vào nguồn pin lithium-ion và pin nhiên liệu của Trung Quốc như đã từng phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine.

Văn bản nói trên sẽ là cơ sở cho các cuộc thảo luận về an ninh kinh tế của châu Âu tại cuộc họp của các lãnh đạo EU sẽ diễn ra ở Granada (Tây Ban Nha) vào ngày 5/10 tới. Lo ngại về sức mạnh kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên toàn cầu, các lãnh đạo EU sẽ thảo luận những đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm giảm nguy cơ châu Âu quá phụ thuộc vào Trung Quốc và sự cần thiết phải đa dạng hóa sang châu Phi và Mỹ Latinh. (TTXVN)

* Ngày 15/9, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine (German Galushchenko tuyên bố nước này có tiềm năng trở thành một trung tâm khí đốt khu vực ở châu Âu. Theo đó, Ukraine có thể tăng lượng khí đốt dự trữ từ 2 tỷ mét khối lên 15 tỷ mét khối.

Quan chức trên cho biết, Ukraine sẵn sàng cung cấp cho các công ty nước ngoài các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất với công suất lên tới 15 tỷ mét khối. (TTXVN)

* Ngày 15/9, Hungary công bố áp đặt lệnh cấm nhập khẩu đối với 24 sản phẩm nông nghiệp của Ukraine, bao gồm ngũ cốc, rau, một số sản phẩm thịt và mật ong. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 16/9.

Hungary quyết định đơn phương cấm nhập khẩu thực phẩm Ukraine sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cho biết không gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine vào 5 nước thành viên EU có chung đường biên giới với Ukraine. (Reuters)

* Phó Thủ tướng Nga kiêm Đại diện toàn quyền tại Đặc khu Liên bang Viễn Đông, ông Yuri Trutnev, ngày 15/9 cho biết, có khoảng 373 thỏa thuận với tổng trị giá 3.818 tỷ Ruble (khoảng 39,4 tỷ USD) đã được ký kết tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế Phương Đông (EEF 2023) tổ chức tại Vladivostok vào các ngày 10-13/9.

Sự kiện năm nay thu hút hơn 7.000 người từ 62 quốc gia tham gia. (TASS)

* Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), trong tháng 8/2023, Nga đã thu được 17,1 tỷ USD từ xuất khẩu dầu thô, tăng 11,8% và cao hơn 1,8 tỷ USD so với tháng Bảy. Đây là con số cao nhất kể từ tháng 10/2022 và cao nhất trong những tháng gần đây. Mặc dù khối lượng xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ giảm 150.000 thùng/ngày xuống còn 7,2 triệu thùng/ngày song giá bán cao đã bù đắp.

Business Insider đánh giá, doanh thu từ dầu mỏ tăng có thể sẽ thúc đẩy nền kinh tế Nga. (Business Insider/TASS)

* Trước những khó khăn kéo dài của nền kinh tế Đức, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng của nước này trong năm tới.

Theo báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất của OCED, nền kinh tế đầu tàu châu Âu được dự báo tăng trưởng ở mức 0,9% trong năm tới, thấp hơn mức 1,2% trong dự báo hồi tháng 6/2023 của tổ chức này và chỉ ngang bằng với tăng trưởng dự kiến của nền kinh tế Nga. (TTXVN)

8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu mì ăn liền của Hàn Quốc tăng 20,6% so với cùng kỳ, đạt 607,7 triệu USD. (Nguồn: BHX)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Tính đến hết tháng 6/2023, các hộ gia đình Nhật Bản có 14.300 tỷ USD tài sản tài chính, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ sự khởi sắc của thị trường chứng khoán đã thúc đẩy người dân gia tăng nắm giữ cổ phiếu ở một đất nước thường chuộng tiền mặt hơn.

Theo số liệu sơ bộ được công bố ngày 20/9 của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), sự khởi sắc của thị trường chứng khoán trong quý II vừa qua đã làm tăng lượng tiền của các công ty đầu tư chứng khoán (equity holdings) thêm 26% lên 268.000 tỷ Yen và của các quỹ tín thác đầu tư thêm 15,9% lên 100.000 tỷ Yen. Đây đều là các mức cao nhất từ trước đến nay. (Nikkei Asia)

* Theo số liệu do Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 20/9, nước này đã ghi nhận thâm hụt thương mại ở mức 930,48 tỷ Yen (6,3 tỷ USD) trong tháng 8/2023, do xuất khẩu tiếp tục giảm trong bối cảnh nhu cầu nước ngoài đi xuống và Trung Quốc áp đặt các hạn chế thương mại.

Số liệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8/2023 của Nhật Bản đạt 7.990 tỷ Yen (54 tỷ USD), giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng giảm thứ 2 liên tiếp, dù lượng ô tô xuất khẩu sang Mỹ ở mức cao. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 17,8% xuống mức 8.920 tỷ yen (60,3 tỷ USD). (TTXVN)

* Trong báo cáo "Triển vọng kinh tế châu Á năm 2023" công bố ngày 20/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Hàn Quốc ở mức 1,3%, bằng mức đưa ra hồi tháng 7/2023. Theo đó, mức tăng trưởng này thấp hơn mức dự báo 1,5% của OECD và Viện nghiên cứu phát triển Hàn Quốc (KDI), và mức dự báo 1,4% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chính phủ và Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK).

Trong báo cáo của mình, ADB cũng duy trì triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2024 của Hàn Quốc là 2,2%. Theo ADB, lạm phát năm 2023 là 3,3% trong khi lạm phát năm sau giảm xuống 2,2%, thấp hơn so với dự báo trước đó (2,5%). (Yonhap/TTXVN)

* Theo Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc, tính từ tháng 1/2023 đến hết tuần thứ hai của tháng 9/2023, xuất khẩu mì ăn liền của “xứ Kim chi” đã tăng 23,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt giá trị 657,3 triệu USD.

8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu mì ăn liền của Hàn Quốc tăng 20,6% so với cùng kỳ, đạt 607,7 triệu USD.

Dữ liệu của chính phủ Hàn Quốc cho thấy, doanh số bán mì ăn liền trên toàn cầu của nước này đã tăng liên tục từ năm 2015, ghi nhận giá trị cao kỷ lục vào năm 2022 với 765,43 triệu USD. So sánh với các quốc gia khác trong cùng năm, Hàn Quốc là nước xuất khẩu mì ăn liền lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. (Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Chính quyền thành phố Jakarta, Indonesia đang tăng cường thực hiện Phong trào thực phẩm giá rẻ (GPM) để giúp giải quyết tình trạng giá gạo tăng.

Trong tháng 9, chính quyền Jakarta đã phân phát các gói thực phẩm giá rẻ trị giá 126.000 Rp mỗi gói tới 183 địa điểm bao gồm các trung tâm hỗ trợ trẻ em (RPTRA), Chợ gạo Cipinang và một số doanh nghiệp sản xuất của chính quyền. (TTXVN)

* Báo Bangkok Post ngày 20/9 trích một số nguồn thạo tin giấu tên cho biết, chính phủ Thái Lan có kế hoạch vay khoảng 2.400 tỷ Baht (gần 67 tỷ USD) cho tài khóa 2024 (bắt đầu từ ngày 1/10/2023), tăng khoảng 9% so với tài khóa 2023.

Trong đó, khoảng 700 tỷ Baht (gần 20 tỷ USD) sẽ là các khoản vay mới dùng để giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách và khoảng 1.700 tỷ Baht (hơn 47 tỷ USD) được dành cho việc tái cấp vốn và cơ cấu lại các khoản nợ hiện có.

Theo nguồn tin, khoảng một nửa trong tổng số tiền 67 tỷ USD sẽ được huy động thông qua bán trái phiếu chính phủ, trong khi phần còn lại sẽ đến từ việc bán tín phiếu kho bạc, trái phiếu tiết kiệm, chuyển đổi trái phiếu và kỳ phiếu. (TTXVN)

* Xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ (NODX) của Singapore đã giảm 20,1% trong tháng 8/2023, trong đó lĩnh vực thiết bị điện tử và phi điện tử đều giảm. Đây là tháng giảm thứ 11 liên tiếp của xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của "quốc đảo sư tử".

Sự sụt giảm trong tháng 8 đã tiếp nối đà giảm mạnh từ tháng 7 với mức 20,3% và 15,7% trong tháng 6 cũng như tệ hơn mức dự báo là 15,8% trong cuộc thăm dò ý kiến của hãng tin Reuters (Anh).

So với cùng kỳ năm ngoái, tổng thương mại của Singapore đã giảm 15,2% trong tháng 8, sau mức giảm 20,9% của tháng 7. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm lần lượt là 14,7% và 15,6%. (TTXVN)

Hải An