Kiều bào Hải Phòng hướng về quê hương

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng chụp ảnh cùng kiều bào Hải Phòng tham dự chương trình Xuân Quê hương Hải Phòng 2023. (Nguồn: Sở Ngoại vụ Hải Phòng)

ải Phòng được biết đến là một trong những khu vực kinh tế trọng điểm của Việt Nam có nền kinh tế biển phát triển mạnh mẽ và từ rất sớm đã có sự giao thương với nước ngoài. Hiện nay, lực lượng người Hải Phòng ở nước ngoài rất lớn, tỷ lệ kiều bào trên dân số của Hải Phòng khoảng 2%, đứng tốp đầu trong cả nước. Cũng theo kết quả khảo sát, hiện người Hải Phòng định cư ở nước ngoài có 80 doanh nghiệp ở nước ngoài và 60 dự án đầu tư về trong nước.

Đây là cầu nối quan trọng trong việc kết nối cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và doanh nghiệp địa phương ở nước sở tại và thành phố, đồng thời thể hiện cộng đồng người Hải Phòng ở nước ngoài có rất nhiều tiềm lực trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học, chính trị.

Theo cuộc khảo sát gần đây, hiện có 47.093 người Hải Phòng định cư ở 56 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó chủ yếu tập trung tại một số nước châu Á và châu Âu. Ngoài ra, Hải Phòng còn có 27.586 người xuất cảnh có thời hạn ra nước ngoài (du học, lao động, kinh doanh, chuyên gia…), phần lớn ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc.

Số lượng kiều bào ở châu Âu ít hơn, song phần lớn đều có trình độ đào tạo, nhiều người có địa vị xã hội, có công việc tốt làm việc tại doanh nghiệp lớn và trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước sở tại như công chức, bác sĩ, giảng viên đại học… Trong một khảo sát gần nhất, số người lao động trí thức bậc cao ở nước ngoài là người Hải Phòng có 132 người là tiến sĩ, thạc sĩ là 442 và hệ cử nhân là 2.479 người. Một số nhà khoa học trẻ gốc Hải Phòng tham gia nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn của nước sở tại.

Đây chính là một nguồn nguyên khí lớn đối với quốc gia nói chung và với Hải Phòng nói riêng, là một trong những yếu tố nền tảng giúp đất nước, thành phố tận dụng những cơ hội cũng như vượt qua những thách thức của quá trình hội nhập, có thể rút ngắn khoảng cách về kinh tế của thành phố với các đô thị, địa phương phát triển trên thế giới.

Số người Hải Phòng định cư ở nước ngoài đã có đầu tư về Việt Nam là 60 người với các hình thức khác nhau. Hiện trên địa bàn thành phố có 1 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 17 doanh nghiệp do kiều bào đứng tên đăng ký kinh doanh. Các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động chủ yếu là nông nghiệp, vận tải, giáo dục; sản xuất đồ uống, dịch vụ ăn uống, tư vấn quản lý nghiên cứu thị trường, bán buôn máy móc; vận tải, lữ hành; nuôi trồng và chế biến nông lâm thủy hải sản… và một số kiều bào dần chuyển việc kinh doanh từ nước sở tại về Việt Nam và đã có những kết quả nhất định.

Bên cạnh đó, giá trị kiều hối giai đoạn 2016-2020 đạt 1,61 tỷ USD tăng 69,12% so với giai đoạn 2011-2015. Đặc biệt năm 2019, lượng kiều hối gửi về đạt 409 triệu USD (khoảng 9.000 tỷ đồng), tương đương một phần ba tổng ngân sách thu nội địa cùng năm của thành phố. Giai đoạn 2021-2022 mặc dù có tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên giá trị kiều hối gửi về Hải Phòng vẫn đạt 401 triệu USD, năm 2023 ước đạt 309 triệu USD. Điều này đã thể hiện thành phố cảng là một khu vực có tiềm năng lớn cho những dự án đầu tư kinh doanh và trong tương lai sẽ sớm tiệm cận với các khu vực kinh tế phát triển khác trên toàn cầu.

Kiều bào Hải Phòng tại LB Nga tham gia Hành trình Trường Sa. (Nguồn: Sở Ngoại vụ Hải Phòng)

Kiều bào Hải Phòng ở nước ngoài không những đóng góp cho đất nước nói chung và thành phố nói riêng những giá trị về phát triển kinh tế mà còn sôi nổi trong các hoạt động từ thiện mang lại giá trị vật chất và tinh thần không nhỏ đối với những người có khó khăn trên địa bàn thành phố.

Các hoạt động thiện nguyện được người Hải Phòng ở nước ngoài hưởng ứng như hỗ trợ xây dựng trường học, trạm thủy lợi ở nhiều địa phương; kiều bào thành phố tham gia tổ chức phi chính phủ nước ngoài nhiều năm qua cũng đã tích cực đóng góp, hỗ trợ cung cấp thuốc và các trang thiết bị y tế cho một số bệnh viện lớn và trạm y tế xã, trẻ em chất độc màu da cam…; triển khai dự án hỗ trợ cựu chiến binh, trẻ em khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn như cấp học bổng, phẫu thuật, chương trình xây nhà tình nghĩa… và các chương trình từ thiện do thành phố tổ chức như “Ngày vì người nghèo”, “Trái tim cho em” , “Cho em màu hoa phượng” ,“Mãi cho em mùa xuân”, “Nối vòng tay lớn” “Quỹ vì người nghèo” của thành phố….

Không chỉ tham gia tích cực các hoạt động đầu tư kinh tế, từ thiện trong nước mà ngay cả trên trường quốc tế, người Hải Phòng ở nước ngoài cũng thể hiện vai trò là một trong những hội hoạt động sôi nổi trong các chương trình giới thiệu truyền thống văn hóa Việt Nam ở các nước sở tại.

Các thế hệ trẻ kiều bào, kể cả những em sinh ra tại nước ngoài và chưa có nhiều dịp về thành phố cũng rất tích cực tham gia các sự kiện giao lưu, các festival thanh niên, sinh viên được tổ chức ở một số nước Đông Âu, Australia, Mỹ, Đức... Không thể phủ nhận rằng cộng đồng kiều bào có những đóng góp rất quan trọng trong các hoạt động quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức từ ngày 26-28/12, Hội nghị “Phát huy nguồn lực kiều bào, kết nối địa phương và doanh nghiệp” hướng tới những kỳ vọng: Phát triển kinh tế quê hương, thu hút nhiều nhà đầu tư lớn và những start-up đặc biệt là các dự án chiến lược của thành phố như đầu tư cho startups đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới… để thành phố có một nền kinh tế xanh, tuần hoàn, giảm phát thải ròng, hiện đại, phát huy tinh thần tương thân tương ái; tiếp nhận được nhiều ý kiến của các doanh nhân, trí thức kiều bào nhằm giúp thành phố hoàn thiện hơn môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư từ kiều bào cũng như tăng cường công tác quảng bá, thông tin tuyên truyền về thành phố Hải Phòng đến với người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời thể hiện vị thế cũng như trí tuệ của người Việt Nam trên trường quốc tế.

Nguyễn Thị Bích Dung