Kiến nghị và đề nghị mới nhất của Hiệp hội Bất động sản TP HCM

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản đề xuất Nhà nước chỉ thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất đối với đất đã giải phóng mặt bằng (đất sạch) tại Điều 126 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhưng đề xuất này chỉ có thể thực hiện được trong khoảng 10 năm tới khi mà Nhà nước có nguồn ngân sách dồi dào để cấp vốn cho "Quỹ phát triển đất"…

Trong khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay lại bỏ quy định về "Quỹ phát triển đất" nên không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của các quy định của Luật Đất đai, lại vừa thiếu cơ chế để triển khai thực hiện việc "phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất", nên Hiệp hội đề nghị giữ lại "Quỹ phát triển đất" để ứng vốn cho "Tổ chức phát triển quỹ đất" để phát triển quỹ đất, tạo quỹ đất để thực hiện các dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công-tư, hoặc để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư.

Theo HoREA, quy định về "giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất" đối với trường hợp "đất chưa giải phóng mặt bằng" tại Điều 126 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là rất cần thiết và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, bởi nguồn lực ngân sách nhà nước còn rất hạn chế. Cụ thể, tổng số thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm vẫn không nhiều. Ví dụ năm 2021 số thu tiền sử dụng đất chỉ có 7.560 tỉ đồng, số thu tiền thuê đất chỉ có 3.663 tỉ đồng, mà nếu trích 10% thì cũng chỉ có 1.122 tỷ đồng để cấp vốn cho "Quỹ phát triển đất" để ứng vốn cho "Tổ chức phát triển quỹ đất" để phát triển quỹ đất, tạo quỹ đất.

Quỹ đất tại TP HCM 10 năm nữa sẽ cạn

"Quỹ phát triển đất" và "Tổ chức phát triển quỹ đất" đã được quy định tại các Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai 2013, nhưng đến nay vẫn chưa phát huy được vai trò "phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất" do chưa được cấp đủ vốn và chưa có cơ chế tổ chức, vận hành hiệu quả cũng như chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát nên rất cần xây dựng hoàn thiện ...

HoREA đề nghị cần phải hoàn thiện lại nội dung điểm c khoản 3 và khoản 6 Điều 126 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng cần phải quy định rõ "chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong hồ sơ mời thầu, đồng thời quy định rõ trường hợp chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực tế phát sinh không vượt quá 20% thì nhà đầu tư trúng đấu thầu có trách nhiệm ứng vốn để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để hạn chế tối đa rủi ro có thể dẫn đến thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Sơn Nhung