Khủng hoảng bất động sản thử thách hệ thống ngân hàng của Trung Quốc

Trong 6 tháng đầu năm, tổng nợ xấu của Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Trung Quốc (BOC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), đều do nhà nước kiểm soát, là 1.202 tỉ nhân dân tệ (164,8 tỉ đô la), tăng 7,6% so với cuối năm ngoái. Ảnh: Nikkei

Nợ bất động sản gây rủi ro cho hệ thống tài chính

Quy mô của các vấn đề bất động sản ở Trung Quốc từ mức nợ khổng lồ, tình trạng dư thừa nguồn cung căn hộ cho đến tâm lý thận trọng của người mua nhà có thể khiến Bắc Kinh phải chi những khoản tiền khổng lồ để cứu các ngân hàng trong những năm tới.

Giới chức trách đã triển khai một số biện pháp xử lý nợ, chẳng hạn cho phép ngân hàng gia hạn trả nợ cho các nhà phát triển bất động sản. Đây là bước đi không mang lại nhiều lợi ích nhưng lại trì hoãn giải quyết vấn đề. Điều đó có thể gửi đi thông điệp nguy hiểm rằng cả bên đi vay và bên cho vay đều có thể tiếp tục những hành vi kinh doanh thiếu thận trọng với hy vọng nhận được gói giải cứu từ nhà chức trách.

“Nếu Trung Quốc không ra lệnh cho các ngân hàng xóa nợ xấu trên thị trường bất động sản, chi phí lãi vay sẽ tiếp tục gây tổn hại cho nền kinh tế, trong khi quá nhiều vốn tiếp tục bị lãng phí vào các khoản đầu tư không hiệu quả”, Andrew Collier, người sáng lập kiêm CEO của Orient Capital, một công ty nghiên cứu kinh tế ở Hồng Kông, nói.

Tuy nhiên, hầu như không chuyên gia nào cho rằng vòng xoáy giảm giá bất động sản ở Trung Quốc sẽ kích hoạt hàng loạt vụ sụp đổ ngân hàng lớn ngoài tầm kiểm soát, tương tự như những gì nước Mỹ trải qua trong cuộc khủng hoảng nhà đất 15 năm trước. Hệ thống ngân hàng Trung Quốc, nắm giữ 4/5 tài sản tài chính của đất nước, có quy mô quá lớn đến mức Bắc Kinh không thể để cho sụp đổ.

Chính phủ Trung Quốc trực tiếp hoặc gián tiếp nắm giữ cổ phần kiểm soát trên thực tế ở tất cả các ngân hàng, cho phép giới chức trách có quyền định đoạt số phận của các ngân hàng. Hệ thống tài chính của Trung Quốc chủ yếu là các khoản vay ngân hàng có thời hạn từ một năm trở lên, không giống như các chứng khoán nợ dưới chuẩn ở Mỹ có thể giao dịch và sụt giảm giá trị nghiêm trọng trong năm 2008, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Các cơ quan quản lý ngăn chặn hầu hết các hoạt động chuyển tiền lớn vào và ra khỏi đất nước, khiến hệ thống tài chính của Trung Quốc gần như không thể bị tổn thương giống như cuộc khủng hoảng tài chính ở các nước châu Á khác vào năm 1997 và 1998 khi dòng tiền nước ngoài tháo chạy.

Nhưng những rắc rối hiện nay trong lĩnh vực bất động sản Trung Quốc, bắt nguồn từ nhiều năm cho vay mất kiểm soát và đầu tư mag tính đầu cơ quá mức, đặt ra thách thức lớn cho các nhà hoạch định chính sách.

Ngay trước khi rời chức vụ vào tháng 3 năm ngoái, ông Lưu Hạc, khi đó là Phó thủ tướng Trung Quốc, đã có bài phát biểu cảnh báo về những mối nguy hiểm của bất động sản đối với kinh tế Trung Quốc.

“Nếu không được xử lý đúng cách, các rủi ro trong lĩnh vực nhà ở có thể gây ra rủi ro hệ thống. Đó là lý do tại sao Trung Quốc cần phải thực hiện các bước nhanh chóng để giải quyết chúng”, ông nói tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ hồi tháng 1-2023.

Cho phép ngân hàng “om” nợ xấu

Các nguồn tin ở Bắc Kinh và Thượng Hải am hiểu về hoạt động quản lý tài chính của Trung Quốc, đã cung cấp cái nhìn chi tiết về cách các cơ quan quản lý ứng phó rủi ro liên quan đến bất động sản.

Họ cho biết, giới chức trách đang trao cho các ngân hàng nhiều quyền tự do hơn khi họ xác định các khoản vay là nợ xấu, nghĩa là khách hàng mất khả năng thanh toán. Điều đó cho phép các ngân hàng trì hoãn việc phải báo cáo tổn thất tài chính.

Theo các nguồn tin, chính sách cho phép các ngân hàng gia hạn trả nợ đối với các khoản vay mà khách hàng gặp khó thực sự bắt đầu được triển khai từ thời kỳ đại dịch Covid-19. Chính sách giúp các ngân hàng không cần phải trích lập dự phòng thua lỗ cho các khoản nợ khó đòi của những doanh nghiệp bị tổn thất doanh thu do tác động của đại dịch.

Nhưng sự khoan hồng này vẫn tiếp tục kéo dài trong năm nay và được áp dụng cho lĩnh vực bất động sản lớn hơn nhiều.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã tiến hành một cuộc kiểm tra sức chịu đựng (stress test) trên bảng cân đối kế toán của 20 ngân hàng thương mại lớn nhất Trung Quốc để đảm bảo khả năng phục hồi của họ trong trường hợp thua lỗ thêm ở các khoản cho vay bất động sản.

Các nguồn tin xác nhận, cuộc kiểm tra sức chịu đựng, được thực hiện vào mùa đông năm ngoái, cho thấy các ngân hàng, tất cả đều do nhà nước kiểm soát, có thể sống sót sau cơn suy thoái của thị trường bất động sản Trung Quốc. Nhưng ít nhất một nửa trong số đó (10 ngân hàng) có thể cần thêm vốn để đảm bảo họ có thể tiếp tục đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng thắt chặt về số tiền dự trữ.

Một phần quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc là dàn trải chi phí xử lý các khoản thua lỗ cho vay bất động sản trong nhiều năm. Điều đó có thể cho phép các ngân hàng sử dụng lợi nhuận tiềm năng trong tương lai từ các khoản vay khác để bù đắp cho những khoản lỗ này.

Trong 6 tháng đầu năm, tổng nợ xấu ở 4 ngân hàng lớn nhất đất nước (Big Four), gồm Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Trung Quốc (BOC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), đều do nhà nước kiểm soát, là 1.202 tỉ nhân dân tệ (164,8 tỉ đô la), tăng 7,6% so với cuối năm ngoái.

Nợ xấu của Big Four tăng lên giữa lúc lĩnh vực bất động sản chìm sâu trong khủng hoảng.

Hồi thang 8, Country Garden Holdings, nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất Trung Quốc, báo cáo lỗ ròng 48,9 tỉ nhân dân tệ (6,8 tỉ đô la) trong sáu tháng đầu năm sau khi bỏ lỡ thời hạn thanh toán lãi cho hai lô trái phiếu bằng đô la Mỹ.

Weiqing Li, thành viên Ủy ban ngân hàng cá nhân thuộc Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc, nói: “Nợ xấu của các ngân hàng trong lĩnh vực bất động sản sẽ chưa sớm đạt đến mức đỉnh điểm vì nhiều công ty hàng đầu chỉ mới bắt đầu báo cáo các vấn đề”.

Nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản tại 4 ngân hàng quốc doanh đã tăng lên 185,8 tỉ nhân dân tệ trong nửa đầu năm từ mức 180,1 tỉ nhân dân tệ vào cuối năm. CCB, ICBC và ABC báo cáo nợ xấu bất động sản tăng lần lượt là 18%, 15% và 12,3%. BOC ghi nhận nợ xấu bất động sản giảm 22,8%.

Các công ty tài chính của chính quyền địa phương là mối lo lớn

Gần một nửa trong số các khoản cho vay liên quan đến bất động sản ở Trung Quốc bao gồm các khoản vay thế chấp, chủ yếu là cho vay mua nhà ở. Tổn thất từ các khoản cho vay thế chấp thực tế là không tồn tại vì phần lớn các chủ nhà trả nợ đúng hạn hoặc thậm chí trả sớm.

Trung Quốc yêu cầu số tiền trả trước khi mua nhà cao hơn nhiều so với các cơ quan quản lý phương Tây. Số tiền này tương đương ít nhất là 20 hoặc 30% giá bán của ngôi nhà đối với người mua lần đầu và cao tới 70% đối với người mua ngôi nhà thứ hai.

Các hộ gia đình hầu như không bao giờ vỡ nợ trong các khoản vay thế chấp vì họ không muốn mất trắng khoản tiền trả trước khi mua nhà. Vì vậy, những khoản cho vay thế chấp đó luôn mang lại lợi nhuận rất cao cho các ngân hàng thương mại. Gần đây, Bắc Kinh kêu gọi các ngân hàng giảm lãi suất cho vay thế chấp để giúp các hộ gia đình có thêm tiền mặt để chi tiêu. Tuy nhiên, các ngân hàng đã phản đối.

Các khoản cho vay đối với các nhà phát triển bất động sản là mối lo ngại lớn nhất đối với các ngân hàng thương mại và cơ quan quản lý. Tuy nhiên, vai trò của họ đối với bức tranh tài chính tổng thể của các ngân hàng rất hạn chế.

Andrew Collier, CEO của Orient Capital, ước tính các khoản cho vay này chiếm khoảng 6-7% tổng dư nợ cho vay của hệ thống ngân hàng. Nhóm “con nợ” đang gặp khó khăn khác của các ngân hàng Trung Quốc là các công ty tài chính liên kết của chính quyền địa phương. Họ đã vay ngân hàng nhiều gấp đôi so với các nhà phát triển bất động sản trong nước.

Hầu hết các công ty này đều tham gia vào các dự án bất động sản và các hoạt động liên quan, như xây dựng cầu đường và các cơ sở hạ tầng khác. Họ đã chi mạnh tay để mua đất tại các cuộc đấu giá của chính quyền địa phương. Giờ đây, họ đối mặt với tổn thất nặng nề. Nhưng rốt cục, họ và các ngân hàng đều nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh, nên các vấn đề chưa xuất hiện ngay.

Các ngân hàng, nhà phát triển bất động sản và chính quyền địa phương đều hy vọng Bắc Kinh cuối cùng sẽ ra tay cứu họ. Nhưng cho đến nay, chính phủ Trung Quốc chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ làm như vậy.

“Mọi người đang chờ đợi một gói giải cứu nào đó, nhưng vẫn chưa xuất hiện”, Lester Ross, đối tác quản lý văn phòng Bắc Kinh của hãng luật Wilmer Hale, nói.

Theo NY Times, Nikkei Asia

Lê Linh