Khóc cười cùng hài Tết

Cảnh trong phim Đại gia chân đất. Ảnh: Báo Dân Trí.

Bình mới rượu cũ

Cứ vào mỗi dịp giáp Tết, các đơn vị sản xuất từ Bắc đến Nam lại cho ra mắt hàng loạt các sản phẩm hài như một thứ “gia vị” không thể thiếu khi xuân về.

Điểm chung hầu hết đó đều là các chương trình lâu năm, đã tạo nên thương hiệu và quy tụ hàng loạt các tên tuổi của “làng hài” Việt Nam. Như “Đại gia chân đất” bước sang năm thứ 14 vẫn là màn tung hứng xoay quanh nhân vật ông Tích (do NSND Trung Hiếu đóng) và ông Sự (do NSƯT Tèo đóng). Trong đó, điểm nhấn xuyên suốt mạch phim là câu chuyện về tình người trong thời điểm xảy ra dịch bệnh. Những thước phim sẽ nhắc đến chuyện “chạy” dự án, các mánh khóe mang hình chiếc “bánh vẽ” trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, điện đường trường trạm... với nhiều tình huống “dở khóc, dở cười” mang lại những tiếng cười sảng khoái, nhưng cũng gợi nhiều suy ngẫm cho khán giả.

Hay “Gặp nhau cuối năm - Xuân phát tài” với sự tham gia của các diễn viên hài đã gắn bó với chương trình nhiều năm qua như nhóm Hoài Linh (cùng ạc Văn Khoa - Gia Linh - Hoàng Sơn); nhóm Xuân Bắc - Tự Long; nhóm Xuân Hinh (cùng Thanh Thanh Hiền - Hồng Vân - Quang Thắng)… “Tết Vạn Lộc” với những “khuôn mặt” đã đóng đinh với chương trình hàng chục năm qua như NSND Minh Hằng, NSƯT Chí Trung, NSƯT Tiến Quang, các nghệ sĩ Chiến Thắng, Bảo Chung,… Ngoài ra, “Tết vạn lộc” và “Xuân phát tài” vẫn áp dụng công thức cũ là sân khấu lộng lẫy - nhạc xuân - hài kịch nhưng hướng về gia đình, tình yêu. Âm nhạc của hai chương trình đều kết hợp cùng những nhạc phẩm có giai điệu tươi vui với những tiết mục đậm âm hưởng truyền thống.

Có thể nói, nhìn vào bức tranh hài Tết năm nay, bên cạnh một vài gương mặt mới thì vẫn là những câu chuyện “bình mới, rượu cũ”. Thậm chí, ngay chính những người trong cuộc cũng phải thừa nhận gần như đã cạn ý tưởng và có lúc muốn dừng lại. Đồng hành với “Làng ế vợ”, “Đại gia chân đất” hơn 10 năm qua, đạo diễn Trần Bình Trọng bày tỏ: “Tôi đã nhiều lần muốn dừng hai bộ phim. Tuy nhiên, tình yêu của khán giả họ mong đợi đến Tết để được xem nghệ sĩ họ yêu mến, vì vậy tôi lại quyết tâm làm phim”.

Một thời đã xa

Thực tế cho thấy, từ thời kỳ thịnh hành của băng đĩa, các sản phẩm hài Tết đã tạo được thương hiệu và thu hút một lượng lớn khán giả. Thậm chí, có những thời điểm nhiều sản phẩm hài chỉ vừa ra mắt đã tràn lan băng đĩa giả mà vẫn bán đắt như “tôm tươi”. Thế nhưng, với sự phát triển của công nghệ, khi các chương trình hầu hết hiện nay đều đăng tải trên các nền tảng công nghệ, hài Tết đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt.

Theo nhà phê bình điện ảnh Nguyễn Phong Việt, phim hài Tết ở thị trường phía Bắc có sự khởi sắc hơn. Ở phía Nam, không nhiều gia đình có thói quen mở ti vi để xem hài Tết. Họ có nhiều lựa chọn hơn với các kênh YouTube, nền tảng xem phim trực tuyến, nghe nhạc trên ứng dụng có trả phí… Khán giả trẻ ắt hẳn không phải là đối tượng chủ yếu mà phim hài Tết hướng đến. Người trẻ có xu hướng ra rạp xem phim trong các kỳ nghỉ lễ. Phim Tết chiếu mạng hoặc phát sóng trên truyền hình dễ tiếp cận với người lớn tuổi, có nhiều thời gian sinh hoạt tại nhà.

Những năm qua, các nhà sản xuất vẫn không ngừng đầu tư, đổi mới để mang đến những điểm thú vị cho các sản phẩm ngày xuân. Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, khán giả sẽ dễ dàng nhận thấy hài Tết đang đối mặt với sự khan hiếm kịch bản, khi các mô típ cũ đang xuất hiện trở lại. Bên cạnh đó, câu chuyên kinh phí luôn là vấn đề “đau đầu” của nhiều đơn vị sản xuất.

Đồng hành với nhiều chương trình hài, đạo diễn Phi Ô Long chia sẻ, kinh phí làm phim hạn hẹp, nên nhiều bộ phim từ ekip đến diễn viên hầu như không ai lấy kinh phí, thậm chí nhiều diễn viên nổi tiếng chỉ lấy cát sê “tượng trưng” để động viên. Không có hoặc có ít nhà tài trợ khiến các nhà sản xuất phim hài khó khăn trong việc dựng bối cảnh hoành tráng, trang phục bắt mắt nhưng về khía cạnh nào đó cũng là giảm nhẹ sức ép, áp lực cho các đạo diễn, biên kịch.

Tuy vậy thì hài Tết vẫn luôn là “món ăn” tinh thần trong những ngày Tết đến xuân về. Đặc biệt, đối với các gia đình ở nông thôn, vì ít có điều kiện ra rạp xem phim nên thể loại giải trí này chính là lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, để có được chương trình hài đúng nghĩa, mang được tiếng cười và những thông điệp, bài học tới khán giả, phải đòi hỏi “cái tâm, cái tầm” từ nhà sản xuất cho đến các diễn viên.

Minh Quân