Khi người Jrai, Bahnar kinh doanh sân bóng

1. Nhiều năm qua, sân bóng đá, bóng chuyền của anh Puih Ngon (người Jrai, SN 1992, ở làng Jut 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) trở thành nơi gặp gỡ của những người đam mê môn thể thao này.

Anh Ngon cho biết: Vốn đam mê thể thao, năm 2016, anh đã nhen nhóm ý tưởng xây dựng sân bóng đá bằng cỏ nhân tạo. Năm 2018, sau khi làm việc tại một công ty chuyên thi công sân cỏ nhân tạo tại TP. Đà Nẵng, anh quyết định trở về địa phương. Thời điểm đó, với sự hỗ trợ của bố mẹ và số tiền tích góp trong quá trình làm việc, anh đã vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để xây dựng sân bóng đá bằng cỏ nhân tạo (loại sân mini 5 người).

Năm 2020, thấy hiệu quả từ việc kinh doanh này, anh tiếp tục đầu tư xây dựng tại các địa phương khác. Đến nay, anh sở hữu 3 sân bóng đá cỏ nhân tạo (loại sân 5 người) và 5 sân bóng chuyền tại các xã: Glar (huyện Đak Đoa), Ia Dêr và Ia Hrung (huyện Ia Grai).

Ngoài ra, với kinh nghiệm có được khi làm việc tại TP. Đà Nẵng, anh còn nhận thi công xây dựng sân bóng cỏ nhân tạo. “Tùy theo chất lượng sân mà chi phí xây dựng cũng khác nhau. Trong đó, loại sân bóng đá 5 người giá dao động trong khoảng 250-300 triệu đồng, sân bóng chuyền từ 40 triệu đồng trở lên.

Từ năm 2018 đến nay, tôi thi công hơn 20 sân bóng đá bằng cỏ nhân tạo tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, còn sân bóng chuyền thì rất nhiều. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập hơn 300 triệu đồng từ việc kinh doanh sân bóng và thi công công trình liên quan”-anh Ngon chia sẻ.

Với việc xây dựng sân bóng cỏ nhân tạo, anh Puih Ngon (làng Jut 2, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đã góp phần thúc đẩy phong trào thể thao của địa phương phát triển. Ảnh: R.H

Trò chuyện với chúng tôi, ông Siu Hnit-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dêr-cho hay: Bên cạnh kinh doanh sân bóng, vào mỗi dịp hè, anh Ngon còn mở lớp hướng dẫn, dạy bóng đá miễn phí cho các em nhỏ trong làng. Anh cũng thường xuyên tổ chức giải bóng đá giữa các thôn, làng trong xã, góp phần giúp xã có nguồn cầu thủ chất lượng để tham gia các giải do địa phương tổ chức.

“Mới đây, đội bóng đá của xã đã giành chức vô địch giải bóng đá 5 người tranh cúp mùa xuân năm 2023 do huyện Ia Grai tổ chức. Sau đó, đội bóng đại diện cho huyện tham dự Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn tỉnh năm 2023 và giành giải ba”-ông Hnit nói.

2. Cũng xuất phát từ niềm đam mê bóng đá và nhu cầu chơi thể thao của người dân, ông En (người Bahnar, làng Tuơh Ktu, xã Glar, huyện Đak Đoa) đã xây dựng sân bóng đá bằng cỏ nhân tạo (sân 5 người). Ông En chia sẻ: Năm 2016, sau khi nắm bắt nhu cầu của người dân địa phương, ông đã mạnh dạn đầu tư 450 triệu đồng để xây dựng sân bóng đá kết hợp kinh doanh đồ thể thao và nước giải khát.

“Để quảng bá hình ảnh, từ năm 2016 đến nay, tôi tổ chức các giải bóng đá cho người dân và học sinh tại các thôn, làng tham gia. Qua đó, sân bóng được người khác biết đến; việc kinh doanh, in ấn đồ thể thao cũng phát triển hơn. Thời gian tới, tôi sẽ nâng cấp sân bóng cỏ nhân tạo để đáp ứng nhu cầu thể thao của người dân”-ông En bộc bạch.

Với việc kinh sân bóng đá cỏ nhân tạo kết hợp kinh doanh đồ thể thao giúp gia đình ông En cải thiện thu nhập. Ảnh: R.H

Theo ông Bùi Quang Thoại-Phó Chủ tịch UBND xã Glar: Toàn xã hiện có 3 sân bóng đá cỏ nhân tạo. Trong đó, 2 sân (loại sân bóng đá 5 người) của hộ gia đình người Bahnar. Loại hình này vừa tạo thu nhập cho bà con, vừa thúc đẩy phong trào thể thao của địa phương phát triển.

“Người Bahnar tại xã Glar rất đam mê thể thao, nhất là bóng đá. Từ phong trào bóng đá ở các thôn, làng đã giúp xã có cơ hội tìm kiếm, phát hiện các nhân tố nổi bật để bổ sung vào đội tuyển bóng đá của xã. Năm 2022, đội bóng của xã lên ngôi vô địch Giải Bóng đá thiếu niên huyện Đak Đoa năm 2022. Năm 2023, xã tiếp tục vô địch Giải Bóng đá nữ huyện Đak Đoa”-ông Thoại cho biết.