Khi chiếc xe lăn 'trượt' dài trên những lượt like

Bạn đã bao giờ từng bịa chuyện trên mạng xã hội?

Khi nút like được “khai sinh" vào năm 2009, khi các nút tương tác cảm xúc khác xuất hiện lần đầu vào năm 2016, tôi tự hỏi Mark Zuckerberg có nghĩ rằng nó sẽ tạo ra một cuộc chiến của các nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội hay không?

Bạn đã bao giờ tự tưởng tượng ra một tình huống cảm động gặp trên đường và biến mình thành một người tốt trên bài đăng Facebook khi kể lại câu chuyện đó?

Đã bao giờ bạn chia sẻ “mình từng nói chuyện với một người bạn…” nhưng thực ra không có người bạn nào như vậy?

Theo một nghiên cứu trên 2.000 người được tiến hành tại Anh vào năm 2015, cứ ⅕ người được phỏng vấn cho biết họ bịa ra những câu chuyện để đăng tải trên mạng xã hội. Tại sao họ làm như vậy? Một nghiên cứu khác tiến hành tại Viện công nghệ Massachussetts (MIT) cho thấy, các câu chuyện với thông tin giả sẽ được chia sẻ nhiều hơn 70% so với các câu chuyện thật trên Twitter. “Tin giả thường kịch tính, mới lạ hơn và công chúng thích những thông tin mới mẻ như vậy,” Sinan Aral - một giáo sư từ MIT chia sẻ.

Với những nhà sáng tạo nội dung, có lẽ không cần đến những nghiên cứu như vậy để họ hiểu rằng, để một thông tin có thể được lan truyền rộng rãi, (1) thông tin phải hữu ích, (2) thông tin phải hài hước, (3) thông tin phải đánh vào những cảm xúc mạnh của người đọc như sợ hãi, phẫn nộ, cảm thông, xót thương. Chúng ta không thể bịa ra một thông tin hữu ích khi có thể dễ dàng kiểm chứng và không phải ai cũng là người có khiếu hài hước nhưng chúng ta hoàn toàn có thể bịa ra một câu chuyện đánh trúng tâm lý của công chúng.

Những câu chuyện đổi lại những lượt tương tác, tương tác sẽ giúp bất cứ ai trở thành influencer trên mạng xã hội, tăng tỷ lệ khách hàng online, hay nói cách khác giúp các nhà sáng tạo nội dung có thêm thu nhập. “Like, share, comment" đang trở thành thước đo cho sự thành công của nội dung trên mạng xã hội chứ không còn là chất lượng nội dung.

Ranh giới của sự bịa đặt

Nhưng sự bịa đặt nào cũng cần có một ranh giới mà cơ bản nhất, bạn không gây ảnh hưởng tới ai. Vũ Minh Lâm dường như đã đi vượt khỏi ranh giới này khi đưa đến một câu chuyện “không khớp" với những chia sẻ từ chủ quán phở, nơi Lâm nói mình đã bị đuổi khỏi với những câu nói nặng nề như “ai nhận cái ngữ đây vào ăn” hay “quán em không có nhân viên để khiêng người như anh.”

Là một người Hà Nội, tôi vẫn thường hay được hỏi “ở Hà Nội dễ bị người ta chửi khi đi ăn lắm à?”. Hình ảnh Hà Nội thường gắn với “bún mắng, cháo chửi", một điều người Hà Nội không thể phủ nhận rằng không tồn tại nhưng đằng sau đó là những câu chuyện văn hóa - xã hội phức tạp hơn nữa. Không cổ xúy cho “văn hóa" này, phải thừa nhận rằng những năm gần đây “bún mắng, cháo chửi" đã bớt dần trong cuộc sống ở Hà Nội. Câu chuyện của Lâm không chỉ có khả năng hất đổ miếng cơm của một, hai nhà hàng mà còn có thể làm xấu hình ảnh của cả một Thủ đô.

Lâm từng có một câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều người. Anh là một minh chứng cho những nỗ lực để có một cuộc sống tự lập, chủ động của nhiều người khuyết tật tại Việt Nam khi xã hội còn những rào cản nhất định. Các nội dung Lâm chia sẻ thường mang đến sự tích cực cho người xem, như cách Lâm phân trần, trước giờ chưa “phốt” ai hay tạo content bẩn để câu view. Theo dõi những nội dung Lâm từng chia sẻ, tôi tin là vậy.

Nhưng Lâm cũng hiểu rằng, những câu chuyện như Lâm có thể dễ dàng đánh động cảm xúc của người đọc. Mạng xã hội trao cho những nhà sáng tạo nội dung công cụ để kể câu chuyện cuộc đời mình nhưng đi cùng với đó là “trách nhiệm" khi bạn có một lượng người theo dõi đông đảo. Xuất hiện trên mạng xã hội, câu chuyện cá nhân đã không còn là vấn đề của cá nhân khi ảnh hưởng tới hàng triệu người khác. Liệu sau này, khi có những câu chuyện tương tự như vậy xảy ra, người ta còn tin nữa không?

Lâm đáng trách, nhưng cũng “đáng thương" - đáng thương như cái cách hàng triệu nhà sáng tạo nội dung đang bị đẩy vào vóng xoáy của cơn khát tương tác: Những lối sống giả dối trên mạng xã hội, những câu chuyện không có thật. Không ít người phải đánh đổi cả sự nghiệp khi bị bóc trần và chắc chắn đây sẽ là bài học cho những người đang muốn nổi tiếng “xổi" với content bẩn.

Trong thời buổi công nghệ bùng nổ như hiện nay, bạn không thể làm nội dung mà không nghĩ tới hậu quả được. Trong năm 2022, Tiktoker Nờ Ô Nô từng bị phạt vì những nội dung thể hiện thiếu sự tôn trọng với người cao tuổi. Đầu tháng 01/2024, một Tiktoker bị phạt 7.5 triệu đồng vì những nội dung không đúng sự thật về Angkor Wat. Mạng xã hội ảo chưa bao giờ “thật" đến vậy khi chúng ta không thể nói rằng mình chỉ đùa vui hay mình không biết.

Trong khi hai bên vẫn giằng co qua lại, Lâm vẫn cố gắng thanh minh về việc mình không bịa ra những lời nói trên, người thiệt thòi trong câu chuyện trên vẫn là Lâm. Chơi với mạng xã hội là một con dao hai lưỡi; khi tin tức tiêu cực về Lâm đã lan đi nhanh gấp nhiều lần, Lâm không thể đi thanh minh với từng người. Chiếc xe lăn của Lâm đã trượt dài trên những lượt like, tương tác trên con đường của một Tiktoker.

Dù đáng trách hay đáng thương, Lâm cũng phải chịu trách nhiệm cho những lời nói của bản thân. Bất cứ ai cũng phải chịu trách nhiệm với những gì bạn viết, bạn làm. Tôi vẫn nghĩ một lời xin lỗi là cần thiết, không chỉ với chủ quán phở mà cả với những người có chung hoàn cảnh như Lâm - và cả một lời xin lỗi gửi tới Hà Nội.

Nếu có điều gì tích cực đằng sau câu chuyện, tôi chỉ mong rằng xã hội sẽ quan tâm hơn tới nhu cầu của những người khuyết tật. Trong rất nhiều phần sai sự thật từ câu chuyện Lâm kể, phải thừa nhận rằng vẫn đang có những hạn chế, rào cản cả vô hình lẫn hữu hình trong không gian công cộng dành cho người khuyết tật ở Việt Nam.

Một lời xin lỗi từ Lâm, một lời hứa hẹn triển khai và đánh giá không gian công cộng cho người khuyết tật từ các chính quyền thành phố, một bài học dành cho những nhà sáng tạo nội dung nói riêng và các Tiktoker nói chung, có thể là một cái kết (tạm) có hậu để khép lại câu chuyện trên.

ĐỨC MINH