Học giả: Cải thiện quan hệ Iran-Saudi Arabia giúp đạt được hòa bình tại Trung Đông

Việc bình thường hóa quan hệ Iran-Saudi Arabia sẽ tác động tích cực tới khu vực và thế giới Hồi giáo. (Nguồn: ORF)

Phát biểu tại một hội nghị chuyên đề "Mối quan hệ Iran-Saudi Arabia: Thách thức và cơ hội" do Viện Nghiên cứu khu vực (IRS) ở Pakistan tổ chức theo hình thức trực tuyến, các diễn giả cho biết, kinh tế và an ninh là 2 nhân tố quan trọng nhằm giảm thiểu căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia.

Ngoài ra, các dấu hiệu gần đây trong khu vực liên quan đến việc giảm leo thang căng thẳng giữa Tehran và Riyadh vô cùng khả quan.

Các chuyên gia đánh giá các nỗ lực của hai bên nhằm bình thường hóa quan hệ trùng hợp với các cuộc đàm phán về Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA - tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015) tại Vienna cũng như bước đi của các nước phương Tây tham gia thỏa thuận, bao gồm các quốc gia châu Âu, nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân.

Theo Giáo sư chuyên về chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Quaid-e-Azam, Tiến sĩ Syed Qandil Abbas, việc thiết lập lại mối quan hệ Saudi Arabia-Iran là cần thiết cho hòa bình lâu dài tại khu vực.

Ông nói: "Việc bình thường hóa quan hệ giữa 2 đối thủ lịch sử có khả năng chấm dứt tình trạng căng thẳng tại Trung Đông, điều này sẽ có tác động tích cực đối với Pakistan cũng như toàn bộ thế giới Hồi giáo".

Về việc hạt nhân sẽ là một vấn đề giữa Saudi Arabia và Iran, Tiến sĩ Abbas nói rõ rằng, đây không phải điều đáng quan ngại hay một mối đe dọa tới việc bình thường hóa.

Trong khi đó, nhà phân tích Tariq Niaz Bhatti nhận định, hai bên đều tỏ ý sẵn sàng cải thiện quan hệ, điều này giúp khởi động tiến trình bình thường hóa.

Theo ông, ý chí chính trị xuất phát từ trạng thái bị ép buộc trong nước, khi mà nền kinh tế Iran đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, thôi thúc việc thu hẹp khoảng cách với Riyadh.

Đối với Saudi Arabia, việc nối lại quan hệ cũng mang lại lợi ích không kém khi giúp Thái tử Mohammed bin Salman hiện thực hóa tầm nhìn lớn của ông đối với đất nước.

Chuyên gia Bhatti cũng nhấn mạnh, cần nắm lấy cơ hội này để đưa tiến trình lên một cấp độ có ý nghĩa.

Trả lời câu hỏi về vai trò của Pakistan như một bên trung gian hòa giải, ông Bhatti cho hay: "Pakistan đánh giá cao các nỗ lực bình thường hóa hiện nay, song chúng ta chưa được đề nghị nắm giữ vai trò này".

Tiến sĩ Fouzia Amin thuộc Đại học Quốc phòng bày tỏ quan điểm rằng "kinh tế và an ninh" là "nhân tố động lực" then chốt đằng sau sự thúc đẩy xoa dịu căng thẳng giữa hai cường quốc thù địch.

Bà Amin chỉ trích chiến lược Iran của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho rằng điều này làm tình hình khu vực thêm căng thẳng.

Trong khi đó, hiện nay có những dấu hiệu khả quan khi Iraq tích cực phát huy vai trò trung gian, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) muốn cứu vãn thỏa thuận hạt nhân.

Dù vậy, "bình thường hóa vẫn là một thách thức" và các nỗ lực cần duy trì động lực để không bỏ lỡ cơ hội này.

(theo IRNA)