Hỗ trợ nghệ nhân và người thực hành di sản

Phân loại nghệ nhân chưa rõ ràng

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) bổ sung các quy định liên quan đến nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể, người thực hành di sản, cùng những quy định về tạo điều kiện để nghệ nhân, người thực hành có thể đóng góp hơn nữa vào hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Nghệ nhân truyền dạy di sản hát Xoan Phú Thọ Ảnh: Nguyễn Việt Thắng

Cụ thể, Điều 13, Chương II, dự thảo Luật quy định chính sách đối với nghệ nhân, chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể. Theo đó, nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể được Nhà nước xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước và thực hiện các hình thức tôn vinh khác theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng; hỗ trợ tài chính, vật chất cho hoạt động duy trì thực hành, truyền dạy, sáng tạo, trình diễn, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; hỗ trợ về kinh phí và vật chất cho việc thành lập, tổ chức cho hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm. Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng được hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm y tế, được hỗ trợ chi phí mai táng khi chết; các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, căn cứ theo tình hình thực tiễn, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành chế độ đãi ngộ riêng của địa phương.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Hà Thị Vinh đặt vấn đề, hiện tại, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) mới chỉ đưa ra chính sách với nghệ nhân, chủ thể di sản văn hóa phi vật thể. Trong khi, trên thực tế còn có đội ngũ nghệ nhân vừa vật thể, vừa phi vật thể, đó là nghệ nhân hành nghề thủ công mỹ nghệ tại làng nghề. “Từ tinh hoa, kinh nghiệm của ông cha đời nối đời, họ đã đưa những tác phẩm nghệ thuật đến với công chúng như một thứ ngôn ngữ riêng của văn hóa. Theo quy định trong dự thảo Luật, chỉ nghệ nhân là chủ thể của di sản phi vật thể mới được hưởng chính sách này. Nghệ nhân trong ngành thủ công mỹ nghệ đang phân về Bộ Công thương quản lý, các cuộc thi vinh danh nghệ nhân ngành này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ phối hợp”.

Nhiều ý kiến cũng đặt câu hỏi, danh hiệu Nghệ nhân dân gian do Hiệp hội Làng nghề Việt Nam; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng có được hưởng cơ chế, chính sách theo quy định trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) hay không? Theo Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam Lê Hồng Lý, trong chừng mực nào đó, với hai danh hiệu Nhà nước phong tặng hiện nay là nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú, thì những nghệ nhân này được mang tính “chính danh”, còn danh hiệu Nghệ nhân dân gian của Hội Văn nghệ dân gian, tuy đã có từ lâu, vẫn chỉ là của một hội nghề nghiệp. Mặc dù, thực tế cho thấy hầu hết nghệ nhân dân gian được Hội công nhận, khi được đưa vào xét duyệt hai danh hiệu chính thức trên đây của Nhà nước đều đạt các tiêu chuẩn mà Hội đồng của Nhà nước đề ra và gần như họ đều được thông qua một cách nhanh chóng.

Dựa trên kinh nghiệm quản lý lĩnh vực di sản, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao ừa Thiên Huế Phan Thanh Hải cho rằng, quy định về chính sách đối với nghệ nhân là vấn đề phức tạp, nhất là phân loại nghệ nhân hiện chưa rõ ràng, nhiều cái khó. “Trên thực tế, cùng là nghệ nhân nhưng lĩnh vực nghệ thuật, thủ công đang có sự chênh nhau; chế độ, chính sách khác nhau”.

Cần có các điều khoản mở rộng

Năm 1993, UNESCO đã ban hành Nghị quyết số 142 khuyến nghị về việc thiết lập Hệ thống Báu vật nhân văn sống. Đây là văn bản pháp lý hoàn chỉnh đầu tiên của UNESCO về chính sách đối với nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Bản hướng dẫn thiết lập Hệ thống Báu vật nhân văn sống này được sửa chữa, chỉnh sửa bổ sung năm 2002. Điều này cho thấy sự quan tâm của UNESCO đối với nghệ nhân và tầm quan trọng của việc tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân có môi trường thực hành và truyền dạy di sản văn hóa mà họ đang nắm giữ.

Mặc dù tham gia khá đầy đủ các Công ước của UNESCO, nhưng trên thực tế, ở nước ta, có những di sản văn hóa được tôn vinh nhưng người thực hành di sản lại chưa được quan tâm với những cơ chế, chính sách cụ thể. Như trường hợp các nghệ nhân hóa thân làm Mẻ Cốc, nàng tiên, nhân vật phụ họa, vốn được coi là linh hồn của Lễ hội Nàng Hai tại xã Tiên Thành, Quảng Hòa, Cao Bằng. Mặc dù lễ hội đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017 nhưng đến nay những người đã và đang trực tiếp tham gia gìn giữ, bảo tồn lễ hội chưa ai được phong nghệ nhân. Điều này cũng tương tự với di sản kéo co, nghề dệt đũi Nam Cao…

Theo Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Lê Hồng Lý, chính sách đối với nghệ nhân là một trong những yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ vai trò của nghệ nhân không chỉ tạo ra các tác phẩm nghệ thuật có giá trị, mà còn góp phần quan trọng duy trì, lưu giữ, truyền dạy cho thế hệ sau những giá trị văn hóa của dân tộc. “Đặc biệt là nghệ nhân dân gian, họ sống hồn nhiên, lầm lũi ở các làng quê, buôn bán, không bao giờ đi tìm kiếm, ham muốn đến sự công nhận của ai đó, mà chỉ phục vụ trong cộng đồng của mình hay cộng đồng xung quanh. Vì thế, chúng ta phải làm sao tìm đến họ để tôn vinh, động viên, thay vì đòi hỏi ở họ việc thực hiện các bước đi như có sự giới thiệu, lập hồ sơ đưa lên…”.

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý, chính sách đối với nghệ nhân không nên chỉ tập trung vào nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân mà cần có các điều khoản mở rộng. Theo đó, cần có các danh hiệu, sự hỗ trợ cần thiết cho lớp trẻ thực hành di sản, nhất là trong bối cảnh các lĩnh vực văn hóa truyền thống đang ngày càng thiếu hụt người trẻ tham gia. "Dự thảo Luật phải nhìn rộng ra để tránh bỏ sót chính sách đối với nghệ nhân tiêu biểu tham gia vào quá trình thực hành, trao truyền di sản”, TS. Lê Thị Minh Lý nói.

Thái Minh