Hiệu quả trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị ở Thanh Hóa

Cơ sở hạ tầng ở xã Xuân Sinh (Thọ Xuân) được đầu tư xây dựng khang trang sau khi sáp nhập.

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của BCH Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” (gọi tắt là Nghị quyết số 18), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hóa đã ban hành Kế hoạch số 73-KH/TU ngày 30-1-2018 để triển khai thực hiện. Với quyết tâm cao và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, Thanh Hóa được đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu của cả nước trong thực hiện Nghị quyết số 18.

Huyện Thọ Xuân được đánh giá là địa phương đi đầu trong triển khai Nghị quyết số 18. Để đưa nghị quyết đi vào thực tiễn, Ban Thường vụ Huyện ủy đã xây dựng Kế hoạch 111-KH/HU ngày 5-3-2018 về việc thực hiện Nghị quyết số 18, trong đó xác định 3 nội dung trọng tâm và 21 nhiệm vụ cụ thể để các cơ quan, đơn vị, địa phương làm căn cứ tổ chức thực hiện. Từ những giải pháp thiết thực đã tạo được sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp Nhân dân, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy đã nhanh chóng được triển khai. Kết quả cho thấy, trước khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, huyện Thọ Xuân có 41 xã, thị trấn, sau sáp nhập còn 30 đơn vị (giảm 11 đơn vị). Ở cấp thôn, trước khi sáp nhập có 400 thôn, sau sáp nhập còn 274 thôn (giảm 126 thôn). Đối với các đơn vị trực thuộc UBND huyện, trước khi sáp nhập có 12 phòng chuyên môn và 5 đơn vị, sau khi sắp xếp còn 11 phòng và 3 đơn vị...

Theo đồng chí Lê Đình Hải, Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân, từ thực tiễn triển khai Nghị quyết số 18 cho thấy, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn tại cấp cơ sở đã giúp cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương được kịp thời, đồng bộ, linh hoạt, qua đó góp phần phục vụ nhân dân được tốt hơn và thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Bài học kinh nghiệm trong thực hiện Nghị quyết số 18 ở huyện Thọ Xuân là triển khai một cách khẩn trương, hiệu quả nhưng thận trọng, bài bản, không cầu toàn và cũng không được nóng vội, chủ quan. Mục tiêu của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là giảm chồng chéo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tránh tình trạng chỉ tập trung giảm đầu mối mà xem nhẹ hiệu lực, hiệu quả hoạt động...

Thực tiễn cho thấy, không chỉ ở huyện Thọ Xuân, mà nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, như các huyện Quan Sơn, Thạch Thành, Hoằng Hóa, Quảng Xương, TP Thanh Hóa... đã chủ động, tích cực triển khai Nghị quyết số 18, từ đó đã tạo chuyển biến rõ nét trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần nghị quyết đã đề ra. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung quán triệt nghiêm túc nội dung của nghị quyết, đồng thời xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng tổ chức trong triển khai thực hiện. Ở mỗi đơn vị, địa phương đã tiến hành xây dựng kế hoạch, xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình phù hợp; đồng thời phân công rõ trách nhiệm và thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện. Xuyên suốt quá trình thực hiện là sự quyết tâm chính trị cao, sự thống nhất trong ý chí và hành động của tập thể, ban thường vụ cấp ủy, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương và sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Từ những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa được Trung ương ghi nhận, đánh giá là một trong những tỉnh đi đầu của cả nước trong thực hiện Nghị quyết số 18. Đến nay, toàn tỉnh đã giảm từ 5.971 thôn, tổ dân phố xuống còn 4.393 thôn, tổ dân phố (giảm 1.578 thôn, tổ dân phố); hoàn thành việc sáp nhập 143 xã thành 67 xã (giảm 76 xã); tiến hành sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp huyện hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, truyền thanh - truyền hình, giảm từ 64 đầu mối xuống còn 27 đầu mối (giảm 37 đầu mối). Tiến hành sắp xếp lại các phòng và tương đương trực thuộc các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh ủy từ 32 đầu mối xuống còn 25 đầu mối...

Có thể thấy, việc sáp nhập các xã, thôn, tổ dân phố không chỉ tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, mà còn góp phần tinh giản biên chế, tiết kiệm chi ngân sách. Đến nay toàn tỉnh đã giảm được 28.108 người, trong đó giảm 1.308 cán bộ, công chức cấp xã; giảm 1.187 cán bộ, công chức cấp xã do thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP và đưa công an chính quy về xã; giảm 6.244 người hoạt động không chuyên trách và hội đặc thù cấp xã do thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP; giảm 10.504 người hoạt động không chuyên trách do sáp nhập thôn, tổ dân phố; giảm 8.829 người hoạt động không chuyên trách do thực hiện Nghị định 34/2019/NĐ-CP... Từ việc sáp nhập thôn, tổ dân phố, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã đã tiết kiệm cho ngân sách tỉnh khoảng 463,6 tỷ đồng/năm.

Cùng với sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn thì công tác điều động, luân chuyển và xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài theo phương châm chuẩn hóa, trẻ hóa, thực tiễn hóa cũng được tỉnh quan tâm. Trong giai đoạn 2012-2022, toàn tỉnh đã điều động, luân chuyển được 4.523 lượt cán bộ các cấp, từ tỉnh về huyện 121 lượt, huyện lên tỉnh 92 lượt, từ huyện này sang huyện khác 94 lượt; từ huyện về xã 574 lượt, từ xã lên huyện 267 lượt, từ xã này sang xã khác 1.363 lượt; từ ngành này sang ngành khác cấp tỉnh 38 lượt, từ cấp phòng này đến cấp phòng khác ở các ngành cấp tỉnh 828 lượt, từ ngành này đến ngành khác ở cấp huyện 1.146 lượt... Nhìn chung, cán bộ được điều động, luân chuyển đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; nhanh chóng tiếp cận với điều kiện, môi trường làm việc mới, phát huy vai trò, trách nhiệm, lãnh đạo địa phương phát triển.

Ngoài những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy, công tác đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn vẫn còn một số hạn chế, đó là, một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thật sự quyết liệt hoặc còn cầu toàn, thiếu chủ động, chưa tích cực trong thực hiện; công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân ở một số địa phương chưa hiệu quả, chưa đạt được sự đồng thuận của Nhân dân...

Thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết số 18, các cấp ủy, tổ chức đảng trong tỉnh cần tiếp tục quán triệt quan điểm của Ðảng về nội dung này, nhằm huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh việc triển khai thực hiện nghị quyết. Cùng với đó là xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về xây dựng bộ máy hệ thống chính trị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân để tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tạo ra quyết tâm chính trị cao nhất để thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Xuân Minh