Henry Kissinger: Từ cậu bé tị nạn Do Thái đến nhà ngoại giao giúp định hình lại thế giới

Ông Kissinger thực ra có tên khai sinh là Heinz Alfred Kissinger - một cái tên Đức điển hình. Ông sinh ra trong một gia đình Do Thái chính thống ở thị trấn Fuerth thuộc vùng Bavaria nước Đức vào ngày 27 tháng 5 năm 1923.

Trong suốt thời thơ ấu của mình, gia đình Kissinger đã chứng kiến sự trỗi dậy của Adolf Hitler và sự ra đời của chủ nghĩa bài Do Thái và sự phân biệt chủng tộc khủng khiếp trong chế độ Đức Quốc xã.

Ông Henry Kissinger được đánh giá là nhà ngoại giao thực dụng và khôn khéo. Ảnh: Politico

Cậu bé Do Thái giàu nghị lực

Vào một ngày mùa hè mà Heinz Kissinger và anh trai Walter Kissinger đang bơi lội ở một con sông gần nhà ông bà ngoại tại Leutershausen, thì một sự kiện đã làm thay đổi ông mãi mãi, khi ông nhìn thấy một tấm biển cấm người Do Thái vào năm 1933.

Cậu bé Heinz Kissinger sau đó bất chấp luật mới cấm người Do Thái dự các sự kiện thể thao khi tham gia vào các trận bóng đá, và thường xuyên bị ngăn cản bởi lực lượng an ninh. Ông và những người bạn của mình cũng thường xuyên bị các nhóm thanh niên Đức Quốc xã bắt nạt.

Ông Kissinger nói trong một bộ phim tài liệu năm 2007: “Những chàng trai Do Thái ở độ tuổi của tôi không thể hiểu tại sao chúng tôi đột nhiên bị cấm hoặc bị tách biệt khỏi những người khác tham gia Đoàn Thanh niên Hitler. Và cha mẹ tôi thì còn gặp khó khăn hơn nhiều”, ông nói thêm.

Kissinger thấy cha mình bị tước chức vụ giảng dạy tại một trường dự bị dành cho nữ sinh, nhưng chính mẹ của ông mới nghi ngờ rằng điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra và đã chuẩn bị cho viễn cảnh đó. Không lâu trước Kristallnacht - sự kiện chống người Do Thái vào tháng 11 năm 1938, bà nộp đơn xin thị thực xuất cảnh và cả gia đình rời đến London, cuối cùng lên đường đến Thành phố New York. Lúc đó, Heinz Kissinger mới 15 tuổi.

Cậu thiếu niên Heinz đăng ký vào trường trung học George Washington nhưng tình hình tài chính bấp bênh của gia đình buộc cậu phải làm việc toàn thời gian trong một nhà máy sản xuất bàn chải cạo râu và học vào ban đêm.

Sau khi theo đuổi ngành kế toán tại City College ở New York, Heinz - lúc này đã được gọi là Henry - gia nhập Quân đội Mỹ vào năm 1943 để phục vụ với tư cách là một tay súng trường và sĩ quan tình báo ở châu Âu, chỉ 5 năm sau khi trốn khỏi chế độ Đức Quốc xã. Khi trở về Mỹ, ông theo học tại Đại học Harvard, lấy được bằng tiến sĩ và năm 1959 trở thành giáo sư chính thức tại Khoa chính quyền của trường đại học này.

Kissinger trở nên nổi tiếng trong giới học thuật nhờ cuốn sách thứ hai của ông: “Vũ khí hạt nhân và chính sách đối ngoại”. Trong đó, Kissinger đề xuất một phản ứng “linh hoạt”, lập luận rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân mang tính chiến thuật, có giới hạn là có thể giành chiến thắng.

Trong khi giảng dạy tại Harvard, người đàn ông được biết đến với cái tên “Dr. K” này từng là cố vấn an ninh hoặc chính sách đối ngoại bán thời gian cho nhiều cơ quan khác nhau của Mỹ cũng như các Tổng thống Dwight Eisenhower, John F. Kennedy và Lyndon Johnson trong suốt những năm 1950 và 1960.

Đường lối giảm căng thẳng và ngoại giao

Kissinger đảm nhận chức vụ toàn thời gian đầu tiên trong Chính phủ Mỹ vào năm 1969, khi Tổng thống Richard Nixon bổ nhiệm ông làm Cố vấn an ninh quốc gia.

Theo Niall Ferguson, người viết tiểu sử Kissinger, sự thăng tiến nhanh chóng của ông trong hàng ngũ quyền lực Mỹ được cho là nhờ vào thời cuộc và khả năng kết nối các mối quan hệ của ông. “Kissinger ngay từ đầu đã dành công sức đáng kể để xây dựng một mạng lưới mở rộng theo mọi hướng...”, bao gồm cả báo chí, chính phủ nước ngoài và thậm chí cả ngành giải trí.

Tổng thống Richard Nixon (phải), Henry Kissinger (trái) và Ngoại trưởng William Rogers (giữa) họp bàn vào ngày 9 tháng 2 năm 1969. Ảnh: Henry Griffin/AP

Ông Kissinger bác bỏ cách tiếp cận “đạo đức” của Mỹ trong vấn đề đối ngoại, ủng hộ một học thuyết thực dụng hơn dựa trên quan điểm khôn khéo về cán cân quyền lực. Ông từ chối các cách tiếp cận ngoại giao dựa trên hệ tư tưởng theo kiểu chống Cộng sản, thay vào đó ông thích theo đuổi cách hợp tác thực dụng hơn với Moscow, chỉ đơn giản xem Liên Xô là một siêu cường đối thủ.

Tương tự, ông đã giúp Tổng thống Nixon mở lại đối thoại với Trung Quốc, tổ chức các cuộc gặp bí mật với Thủ tướng Chu Ân Lai vào tháng 7 năm 1971 và mở đường cho chuyến đi lịch sử của Tổng thống Nixon vào năm sau - chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc của một Tổng thống Mỹ!

Hai ông Nixon và Kissinger tin rằng mối quan hệ với Trung Quốc không chỉ quan trọng vì quy mô và tầm quan trọng của Trung Quốc, mà ngay cả một liên minh Trung-Mỹ ở một mức độ nào đó cũng có thể tạo ra một đối trọng quan trọng đối với Liên Xô lúc đó. Theo Ferguson, “lý do chính” của sự hợp tác này là để tránh Thế chiến thứ ba.

Sự cứng rắn và thực dụng của Kissinger được thể hiện vào đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh năm 1973, khi ông đã thẳng thừng nói với Tổng thống Nixon rằng việc gây áp lực lên Liên Xô để giúp người Do Thái rời khỏi nước này là không phù hợp. Dù là người Do Thái, sông ông đã nói rằng đó “không phải là mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mỹ… bởi đó không phải là mối quan tâm của người Mỹ. Đó có thể chỉ là vấn đề nhân đạo... Chúng ta không thể làm nổ tung thế giới vì nó”.

Giải Nobel gây tranh cãi

Khi Kissinger bước vào chính quyền Nixon, Chiến tranh Việt Nam (1954-1975) đã diễn ra khốc liệt được khoảng 15 năm, ngày càng trở nên tốn kém và bị phản đối ở Mỹ cũng như cả nhiều quốc gia phương Tây khác.

Đến giữa tháng 12 năm 1972, các cuộc đàm phán hòa bình kéo dài giữa Washington và Hà Nội ở Paris đã sụp đổ. Tổng thống Nixon ra lệnh cho máy bay ném bom B-52 của Mỹ ném bom thủ đô Hà Nội trong dịp Giáng sinh, gây ra các cuộc biểu tình trên toàn thế giới.

Nhưng các bên sau đó đã đồng ý nối lại đàm phán và Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết vào cuối tháng 1 năm 1973. Như Kissinger sau này đã ngậm ngùi chia sẻ: “Chúng tôi đã ném bom Miền Bắc chỉ để họ chấp nhận những... nhượng bộ của chúng tôi”.

Ông Lê Đức Thọ (trái) và ông Henry Kissinger (phải) trong một sự kiện phát biểu trước báo chí thế giới ở Paris vào ngày 23 tháng 5 năm 1973. Ảnh: Michael Lipchitz/AP

Nhằm củng cố vai trò của Kissinger với tư cách là chính khách hàng đầu nước Mỹ, Tổng thống Nixon đã thực hiện một động thái chưa từng có khi vào năm 1973 đã bổ nhiệm ông vừa làm Ngoại trưởng, vừa giữ ông giữ vai trò Cố vấn an ninh quốc gia - 2 vị trí vô cùng quan trọng trong chính quyền Mỹ thời đó

Mùa thu năm đó, Kissinger được đề cử giải Nobel Hòa bình cùng với trưởng đoàn đàm phán của Bắc Việt Nam, ông Lê Đức Thọ, vì “cùng đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Việt Nam vào năm 1973”.

Nhiều người phẫn nộ vì Kissinger - người đứng sau “các vụ đánh bom vào dịp Giáng sinh ” - lại được khen thưởng vì cũng là người dẫn đầu các cuộc đàm phán hòa bình. Sau đó nhà ngoại giao Lê Đức Thọ từ chối nhận giải Nobel chung với lý do Kissinger đã vi phạm hiệp định đình chiến và Việt Nam vẫn chưa có hòa bình thực sự vào thời điểm đó.

Hòa bình Trung Đông và chuỗi "ngoại giao con thoi"

Dù vụ bê bối Watergate nổi bật trên các mặt báo từ mùa xuân năm 1972 và khiến Tổng thống Nixon từ chức năm 1974, song ông Kissinger vẫn tiếp tục theo đuổi các mục tiêu chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ, đặc biệt là ở Trung Đông. Chiến tranh Ả Rập-Israel tháng 10 năm 1973 giữa Ai Cập , Israel và Syria - còn được gọi là Chiến tranh Yom Kippur - và các vấn đề dầu mỏ đã khiến Mỹ tái tập trung sự chú ý vào khu vực.

Ông Kissinger đã phát động một vòng “ngoại giao con thoi”, gặp gỡ trực tiếp với các nhà lãnh đạo khu vực với tư cách là nhà môi giới hòa bình trong một loạt chuyến đi ngắn ngày. Ông đã giúp đàm phán việc rút quân giữa Ai Cập và Israel vào tháng 1 năm 1974. Và sau một loạt các cuộc đàm phán căng thẳng về lãnh thổ, ông đã đạt được một hiệp định giữa Syria và Israel vào tháng 5.

Ông Henry Kissinger (trái) đã kịp trở lại thăm Trung Quốc, gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (phải) vào giữa tháng 7 năm 2023. Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Tổng thống Nixon từ chức vào ngày 9 tháng 8 năm 1974, và Phó Tổng thống Gerald Ford lên nắm quyền. Ông Ford vẫn giữ Kissinger trong "vai trò kép" to lớn là vừa làm Cố vấn an ninh quốc gia vừa là Ngoại trưởng. Một cuộc thăm dò của Gallup vào tháng 12 năm 1974 thậm chí cho thấy, Kissinger là “người đàn ông được ngưỡng mộ nhất ở Mỹ” trong năm thứ hai liên tiếp.

Ông Kissinger rời bỏ chính quyền vào năm 1977 khi Tổng thống Jimmy Carter tiếp quản Nhà Trắng, nhưng ông vẫn hoạt động tích cực trong hậu trường hoạch định chính sách của Mỹ với tư cách là thành viên của Ban Cố vấn Tình báo Đối ngoại của Tổng thống và Ban Chính sách Quốc phòng, cùng với các cơ quan chính phủ khác. Ông thành lập Kissinger Associates, một công ty tư vấn đầu tư và chiến lược tư nhân vào năm 1982.

Sức mạnh của “sự cân bằng”

Bất chấp nhiều tranh cãi đã phủ bóng lên sự nghiệp của ông, không nghi ngờ gì rằng Kissinger có vai trò quan trọng trong nhiều quyết định quan trọng hình thành nên trật tự thế giới vào nửa sau thế kỷ 20.

Là một tác giả nổi tiếng, ông đã xuất bản cuốn sách thứ 19 có tên “Lãnh đạo: Sáu nghiên cứu về chiến lược thế giới” vào năm 2022. Trong một cuộc phỏng vấn năm đó với Wall Street Journal, ông nhấn mạnh “sự cân bằng” là nguyên tắc chỉ đạo cần thiết cho bất kỳ chính khách nào trong thế giới thời đại hạt nhân.

Đối với Kissinger, nguy cơ diệt vong của nhân loại bởi chiến tranh hiện đại khiến việc duy trì trạng thái cân bằng thông qua ngoại giao trở nên tối quan trọng. Điều này đã thể hiện rõ trong nhiều hoạt động ngoại giao của ông, dù phải hứng chịu nhiều lời chỉ trích vì đôi khi chấp nhận điều mà nhiều người cho là quá sắt đá để duy trì "sự cân bằng" với các cường quốc khác trên thế giới.

Hoàng Hải (theo France24, Politico, AP)