Hành trình của cảm xúc

Khoảnh khắc mùa rêu ở ghềnh đá Nam Ô qua góc máy của tác giả Mai Quang Hiển. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhiếp ảnh là trải nghiệm cuộc sống

Đó là tâm niệm của nhiếp ảnh gia Phạm Đăng Khiêm về hành trình cầm máy. Có lúc gặp anh tác nghiệp bên đường pitch sân vận động Hòa Xuân trong một trận cầu nảy lửa ở Giải bóng đá vô địch quốc gia V-League; khi khác lại thấy anh “tay xách nách mang” với chiếc máy ảnh và bộ ống kính, chăm chú dõi theo đàn voọc chà vá chân nâu đang kiếm ăn trên bán đảo Sơn Trà; ở thời điểm khác lại biết anh đang đi chụp hoàng hôn trên một khúc sông gần nhà ở thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) hay chụp phố cổ Hội An sau bão…

Những bức ảnh đa chủ đề được anh chia sẻ, trình làng trong các cuộc thi, triển lãm được đánh giá mang “chất” riêng với góc nhìn mới lạ. Là Phó Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Đà Nẵng, hội viên Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật thành phố, ít người biết hành trình nhiếp ảnh của Phạm Đăng Khiêm có thể coi là muộn so với nhiều tay máy khác. Bắt đầu từ năm 2017, xuất thân là kỹ sư xây dựng, anh tập tành chụp ảnh nhằm lưu lại hình ảnh các công trình kiến trúc và dự án… Qua quá trình học hỏi cùng đam mê nhiếp ảnh, anh dần lên tay và bắt đầu gặt hái những thành quả. Có thể kể tới giải Nhì cuộc thi ảnh khu vực ASEAN “Ô nhiễm trắng và những tác động đến hệ sinh thái biển”, giải Nhì Cuộc thi sáng tác nghệ thuật Bảo vệ tầng Ozone để bảo vệ khí hậu trái đất, HCV và HCB cùng nhiều giải khuyến khích các cuộc thi ảnh quốc tế; tham dự và có ảnh đoạt giải triển lãm trong và ngoài nước và mới đây là HCĐ Liên hoan ảnh nghệ thuật miền Trung - Tây Nguyên 2023…

Cũng là Hội viên Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng và gặt hái được nhiều giải thưởng, anh Mai Quang Hiển, cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin quận Hải Châu là tay máy quen thuộc trong nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch… Qua góc máy của anh Hiển, Lễ hội đình làng Hải Châu, Công viên vườn tượng APEC, bãi rêu ghềnh đá Nam Ô, sông Hàn… hay mới đây là không gian nhạc nước ở Quảng trường 29-3 được ghi lại sinh động với những mảng màu rực rỡ lồng trong bố cục đơn giản nhưng ấn tượng.

Cái tự nhiên, nhẹ nhàng trong nội dung, bố cục ảnh từ góc nhìn của anh Hiển là kết quả của chuyến rong chơi với nhiếp ảnh gần chục năm qua. Anh Hiển nhớ lại, nhiều năm trước, với đặc thù công việc phải ghi lại và lưu giữ các hình ảnh, thông tin từ những sự kiện hay theo chân lực lượng liên ngành 814, anh Hiển được cơ quan giao chiếc máy ảnh Sony bỏ túi để tác nghiệp. “Quãng thời gian đó nuôi dưỡng cho mình thói quen chụp ảnh và ý thức lưu giữ những điều mình thấy trong cuộc sống, từ đó đi đâu cũng phải mang theo máy ảnh và hình thành đam mê chụp”, anh Hiển chia sẻ.

“Lưu giữ những điều mình thấy trong cuộc sống” theo lời anh Hiển “nhiếp ảnh là cách trải nghiệm cuộc sống” của anh Khiêm đều là cách mà họ đang sống cùng đam mê. Từ đam mê, cảm xúc và góc máy, họ mong muốn quảng bá nét đẹp của cuộc sống bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh.

Sân chơi của cảm xúc và sáng tạo

Nhiếp ảnh là nghệ thuật, cũng là một thú chơi. Bên cạnh những kiến thức căn bản như thông số kỹ thuật, bố cục, thao tác máy, loại ống kính… thì nhiếp ảnh không có giới hạn hay ràng buộc nào. Hay nói cách khác, đây là sân chơi của cảm xúc và sự sáng tạo. Những người mê chụp ảnh gọi vui đam mê này là “nhảy hố vôi”, ngụ ý đã sa đà vào rồi thì khó mà dứt ra được. Trong đam mê đó, có nhiều sự đầu tư về kỹ năng, thiết bị và cả thời gian. Riêng về thiết bị, nhiều nhiếp ảnh gia bỏ hàng chục, hàng trăm triệu trở lên để có thiết bị ưng ý. Không chỉ có máy ảnh, nhiều người đầu tư flycam, camera chống nước...

“Sự đầu tư nào cũng tốn kém nhưng đáng giá để có một bức ảnh đẹp”, anh Mai Quang Hiển chia sẻ. Anh nhớ lại những năm đầu cầm máy, có lúc đi chụp về, sắp xếp và lưu trữ ảnh lại tự đặt câu hỏi: “Sao người khác chụp đẹp mà ảnh mình... xấu, là do thiết bị hay kỹ năng?”. Dần dần, qua các chương trình tập huấn của Hội Nhiếp ảnh thành phố và những buổi đi chụp cùng mọi người, anh Hiển tự mày mò học hỏi, tiếp thu thêm những kinh nghiệm, kiến thức rồi dần dần dành dụm tiền bạc để nâng cấp thiết bị.

Kỹ năng và thiết bị là yếu tố cần, còn điều kiện “đủ” với một người mê ảnh, có lẽ là đầu tư thời gian. Người viết trực tiếp chứng kiến câu chuyện ấy, khi gặp anh Huỳnh Văn Truyền (nghệ danh Kim Liên) và nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh có mặt liên tục ở các sự kiện. Nay gặp họ ở Lễ hội Quán thế âm ở Đà Nẵng, mai đã có mặt ở Giải đua thuyền máy thế giới UIM F1H2O tại Đầm Thị Nại (tỉnh Bình Định), ngày kia đã thấy í ới nhau đi chụp Hội An, Bà Nà… Anh Truyền nói: “Có những sự kiện, những câu chuyện hôm nay, ngày mai ngày kia sẽ thành lịch sử. Mình muốn dành thời gian để lưu lại tất cả”.

Hay anh Phạm Đăng Khiêm, bất chấp mưa gió, đêm tối vẫn lên đèo Hải Vân để “bắt” được khoảnh khắc đoàn người về quê tránh dịch hay “chạy” theo chụp ảnh công tác xét nghiệm, tiêm vắc-xin, khử khuẩn… trong những ngày thành phố và cả nước căng mình phòng, chống Covid-19; anh Mai Quang Hiển lúc rảnh là rong ruổi một vòng để săn bằng được khoảnh khắc hoàng hôn trên sông Hàn và vịnh Đà Nẵng. Anh Hiển nói: “Thành phố, đặc biệt là đôi bờ sông Hàn, dù nắng hay mưa cũng gợi cho mình cảm giác quen thuộc. Nhịp sống đổi thay từng ngày, hôm nay khác ngày mai, mình chỉ đơn giản là muốn có thời gian đi chụp, muốn những hình ảnh ấy được lưu giữ lại đẹp nhất”.

Người viết không khỏi bất ngờ khi bắt gặp một đoàn nhiếp ảnh gia cắm lều qua đêm trên đỉnh đồi Thiên Phúc Đức chỉ để săn mây, chụp cho được khoảnh khắc sương và mây bồng bềnh trên bầu trời phố núi Đà Lạt lúc bình minh. Nguyễn Đức Hiếu, một tay máy trẻ, nổi tiếng với nhiều bộ ảnh du lịch trải dài đất nước chia sẻ: “Đó là sự đầu tư, kiên nhẫn về thời gian về cảm xúc. Kiên nhẫn để chờ đợi khoảnh khắc đẹp, có cảm xúc để thoải mái chụp và lưu giữ những khoảnh khắc đó”.

LÂM VIÊN - THÙY TRANG