Hà Nội: Hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho hợp tác xã

Chăm sóc rau an toàn tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, huyện Thanh Trì, Hà Nội. (Nguồn: Báo Hà Nội mới)

Thành phố Hà Nội có 2.395 hợp tác xã - dẫn đầu cả nước về số lượng các hợp tác xã, tổ hợp tác; trong đó, có 1.401 hợp tác xã nông nghiệp, 895 hợp tác xã phi nông nghiệp, 98 quỹ tín dụng nhân dân.

Nhiều hợp tác xã đã được củng cố, đổi mới về tổ chức và hoạt động. Không ít hợp tác xã đã tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm…, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Bá Ninh, Chuyên gia nông nghiệp, để vận hành hợp tác xã, đội ngũ cán bộ từ giám đốc, kế toán, kiểm soát… phải có trình độ cao. Bên cạnh đó, việc đổi mới kinh doanh, mở rộng thị trường và tiếp cận các chuỗi giá trị mang tính quy mô vùng, lãnh thổ, đòi hỏi cán bộ hợp tác xã phải có kiến thức chuyên môn về quản lý, tiếp thị và phát triển kinh doanh...

Thế nhưng, trình độ của cán bộ hợp tác xã hiện vẫn còn hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực thương mại, số hóa. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho đào tạo cán bộ hợp tác xã vẫn chưa được bảo đảm, hầu như là không có. Chính vì vậy, nhiều năm nay, các chương trình đào tạo cho cán bộ hợp tác xã trên địa bàn Hà Nội không được triển khai.

Để có nguồn nhân lực chất lượng, Hà Nội quan tâm và dành nguồn lực xứng đáng cho đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ hợp tác xã. Đặc biệt, xây dựng các chương trình đào tạo chuyên nghiệp, chuyên sâu; đồng thời, nâng cao kiến thức về quản lý hợp tác xã, kinh doanh, marketing, quản lý tài chính…

Ngoài ra, Hà Nội thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn để cán bộ hợp tác xã có thể cập nhật kiến thức mới nhất về kinh doanh, quản lý, pháp luật, kỹ năng đàm phán ký kết hợp đồng, chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất...

Ông Từ Đức Mạnh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín, cho biết trình độ chuyên môn của cán bộ hợp tác xã trên địa bàn huyện chủ yếu là trung cấp trở xuống. Trong số 394 cán bộ hợp tác xã, chỉ 28 người có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên. Tương tự, tại huyện Ba Vì, trong số 352 cán bộ hợp tác xã, chỉ 7 người có bằng đại học trở lên. Ở thị xã Sơn Tây, trong số 287 cán bộ hợp tác xã, có gần 30 người đạt trình độ chuyên môn từ đại học trở lên…

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tập thể, nhất là các mô hình hợp tác xã, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4381/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo Quyết định, mục tiêu của đề án đến năm 2025 là 100% hợp tác xã trên địa bàn thành phố hoạt động theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; 70% hợp tác xã hoạt động hiệu quả; thành lập mới 300 hợp tác xã, 10 liên hiệp hợp tác xã… Đề án tập trung hỗ trợ vào 12 nội dung, gồm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về kinh tế tập thể, hợp tác xã; nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế hợp tác; thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; củng cố tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Cùng đó, hỗ trợ hợp tác xã, quỹ tín dụng chuyển đổi số; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu, tuyên truyền, hỗ trợ về kinh tế tập thể; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiếp cận nguồn vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm; hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể; tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể và Liên minh Hợp tác xã thành phố.

Nông dân vùng sản xuất rau an toàn xã Tiền Lệ, huyện Hoài Đức thu hoạch rau xanh phục vụ thị trường. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Tiến Phong, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hà Nội, việc ban hành Đề án hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030 là cần thiết, phù hợp với chủ trương của Trung ương và thành phố về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong bối cảnh hiện nay.

Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế tập thể là thành phần nòng cốt thực hiện công tác tái cơ cấu ngành. Các mô hình hợp tác xã, liên minh hợp tác xã đã góp phần hình thành các khu sản xuất tập trung, các vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu lớn và các chuỗi liên kết sản xuất….

Tuy nhiên, để đề án đi vào cuộc sống, các hợp tác xã, tổ hợp tác, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn được hưởng thụ các chính sách trúng, đúng, kịp thời này ở mức tối đa, các sở, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực cụ thể hơn. Các hợp tác xã, tổ hợp tác, quỹ tín dụng nhân dân cũng cần tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh chuyển đổi số, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, mở rộng dịch vụ… đưa kinh tế tập thể phát triển lên một tầm cao mới.

Ông Bùi Văn Lập, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Bài, huyện Ba Vì, cho biết thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đề án hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030, với nhiều hỗ trợ cụ thể; trong đó, hợp tác xã rất quan tâm và mong sớm được tiếp cận với những hỗ trợ về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong đề án.

Đó là, hỗ trợ tổ chức hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo…; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ các điểm bán và giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ các sàn thương mại điện tử… . Đề án này sẽ từng bước giúp các đơn vị khắc phục được điểm yếu để phát triển bền vững hơn./.

Nam Giang (TTXVN/Vietnam+)