Hà Nội hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng, phát triển thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể

Ảnh minh họa

Theo kế hoạch, đối tượng được hỗ trợ gồm các làng nghề đang làm thủ tục đề nghị công nhận và các làng nghề đã được UBND thành phố công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống (chưa được hỗ trợ đủ 05 nội dung quy định tại Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 04-12-2019 của Hội đồng nhân dân thành phố) có nhu cầu hỗ trợ và được UBND cấp huyện có văn bản đề nghị hỗ trợ từ nguồn ngân sách cấp thành phố.

Nội dung, mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 04-12-2019 của HĐND thành phố. Trong đó ưu tiên, hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể: Các làng nghề truyền thống, làng nghề đã đăng ký các năm trước nhưng chưa được hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề; làng nghề đăng ký thực hiện đủ 05 nội dung hỗ trợ (có kế hoạch và dự toán kinh phí, có phương án duy trì, phát triển thương hiệu sau khi được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể năm 2021); làng nghề có sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp thành phố; sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp thành phố; làng nghề đã được ngân sách nhà nước hỗ trợ xây dựng thương hiệu làng nghề từ năm 2019 trở về trước nhưng chưa đủ 05 nội dung quy định tại Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 04-12-2019 của HĐND thành phố.

Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký của các quận, huyện, thị xã (cấp huyện), Sở NN&PTNT chủ trì kiểm tra, rà soát đối tượng, nội dung, tổng hợp danh sách, hồ sơ đề nghị theo thứ tự ưu tiên; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương lựa chọn danh sách các làng nghề, đại diện làng nghề, nội dung, mức hỗ trợ kinh phí đối với từng làng nghề theo đúng quy định, đảm bảo hiệu quả, không trùng lặp.

Sở NN&PTNT trình UBND thành phố phê duyệt danh sách các làng nghề, đại diện làng nghề, nội dung, mức hỗ trợ kinh phí đối với từng làng nghề theo đúng quy định. Sau khi có quyết định phê duyệt danh sách các làng nghề được hỗ trợ của UBND thành phố, Sở NN&PTNT thực hiện. Sau khi hoàn thành các nội dung hỗ trợ, Sở NN&PTNT, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và đại diện làng nghề có trách nhiệm thực hiện nghiệm thu, thanh lý hợp đồng (hoàn thành trước ngày 30-12-2021) và thực hiện thủ tục thanh, quyết toán theo quy định.

Thông qua hỗ trợ nhằm tạo điều kiện để các làng nghề của Hà Nội bảo tồn và phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Theo kế hoạch, thành phố sẽ hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng, phát triển thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể.

TQ