Giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng chính quyền: Mặt trận khẳng định vai trò nòng cốt

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách thuộc diện dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Ảnh: VINH ANH

Hiệu quả, thực chất

Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh (khóa X) vừa qua đã thông qua 26 nghị quyết quan trọng. Bên cạnh đó, HĐND tỉnh đã quyết định chưa thông qua 2 nghị quyết, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu hoàn chỉnh và trình tại kỳ họp gần nhất.

Trong 2 dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh chưa thông qua có Nghị quyết về Quy định chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã tinh giản biên chế thuộc diện dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.

Trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, năm 2023, Mặt trận các cấp trực tiếp tham gia và tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với 602 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức 1.493 hội nghị tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật. Phối hợp tổ chức 249 hội nghị “đối thoại trực tiếp” giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; tổ chức 208 cuộc đối thoại chuyên đề; chủ trì tổ chức 394 “diễn đàn nhân dân” góp ý lực lượng công an nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức cấp xã…, góp phần tích cực trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và chính quyền cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trước đó, Ban Thường trực Ủy ban Việt Nam tỉnh đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết này. Hội nghị được tổ chức với sự tham gia của nhiều thành phần đại biểu, trong đó nhiều người là cán bộ, người hoạt động không chuyên trách ở cơ sở. Họ là những người sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp khi thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Hội nghị diễn ra thành công với rất nhiều ý kiến góp ý, phản biện chất lượng. Trên cơ sở đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã kịp thời tổng hợp, đề nghị cơ quan chủ trì tham mưu dự thảo nghị quyết bổ sung, sửa đổi nhiều nội dung.

Ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, các ý kiến thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành nghị quyết, tuy nhiên đề xuất dự thảo nghị quyết cần nghiên cứu quy định một cách toàn diện, hợp lý hơn trên cơ sở pháp lý và thực tiễn của địa phương khi đề xuất các mức hỗ trợ cụ thể cho từng đối tượng.

Hay như các dự thảo đề án “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2025”, báo cáo thẩm tra của UBND tỉnh về kết quả hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của TP.Hội An… cũng đã từng không được HĐND tỉnh thông qua mà phải tạm dừng chờ bổ sung...

Trong năm 2023, Mặt trận tỉnh chủ trì tổ chức 3 hội nghị phản biện xã hội đối với các dự thảo quy hoạch và nghị quyết quan trọng của HĐND và UBND tỉnh. Mặt trận cấp huyện tổ chức 44 hội nghị, cấp xã tổ chức 183 hội nghị góp ý, phản biện xã hội...

Đa số các ý kiến tham gia phản biện xã hội và góp ý được các đơn vị nghiên cứu, tiếp thu trước khi ban hành và thực hiện. Và những trường hợp nêu trên chỉ là một số điển hình gần nhất HĐND tỉnh quyết định chưa thông qua nghị quyết sau khi nhận được văn bản phản biện của Mặt trận tỉnh.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2017 - 2022, cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các cấp đã nghiêm túc tiếp thu, xem xét, giải quyết và trả lời bằng văn bản đạt gần 80% số ý kiến tiếp nhận từ Mặt trận các cấp.

Chủ động trong giám sát

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, năm 2023 công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện khá chủ động, đồng bộ, thực chất và đi vào chiều sâu.

Nội dung và hoạt động giám sát, phản biện xã hội được Mặt trận các cấp tập trung lựa chọn những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc, sát đúng với thực tế, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.

Ở cấp tỉnh, Mặt trận đã tổ chức 6 cuộc giám sát chuyên đề; phối hợp, tham gia 18 đoàn giám sát, kiểm tra, kiểm sát, khảo sát với các cơ quan, đơn vị liên quan. Mặt trận cấp huyện, cấp xã đã chủ trì tổ chức 634 cuộc giám sát tại 796 đơn vị; tham gia phối hợp với HĐND và các cơ quan liên quan cùng cấp tổ chức 365 cuộc giám sát và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp tổ chức 237 cuộc giám sát chuyên đề...

Sau giám sát, Mặt trận các cấp ban hành 880 văn bản kiến nghị; các nội dung kiến nghị sau giám sát được cấp ủy, chính quyền và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu, chỉ đạo giải quyết, trả lời theo thẩm quyền.

Ngoài ra, các Ban thanh tra nhân dân cấp xã đã giám sát 280 vụ việc, phát hiện và kiến nghị xử lý 94 vụ việc; các Ban giám sát đầu tư của công đồng tổ chức giám sát 773 công trình, dự án và đã phát hiện, kiến nghị xử lý 125 công trình, dự án có dấu hiệu vi phạm…

Nổi bật trong công tác giám sát năm 2023 có thể kể đến việc Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì cuộc giám sát việc thi hành Bản án phúc thẩm số 34/2018/HC-PT ngày 16/3/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về vụ “Khiếu kiện hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” tại xã Bình Tú (huyện Thăng Bình). Sau giám sát, UBND huyện Thăng Bình đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà thờ tộc Nguyễn Văn làng Cẩm Phú (thôn Tú Cẩm).

Nhìn lại một năm hoạt động của công tác mặt trận, ông Nguyễn Phi Hùng nói, năm 2023 Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt chính trị trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Mặt trận các cấp không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam phát động; chủ động triển khai thực hiện và hoàn thành nội dung, chương trình công tác đề ra.

Đơn vị cấp xã đầu tiên tổ chức Đại hội MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Điện Phước (thị xã Điện Bàn) là đơn vị cấp xã đầu tiên trong tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029, cũng là đơn vị được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Điện Bàn chọn tổ chức đại hội điểm để rút kinh nghiệm triển khai.

Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam xã Điện Phước lần thứ X đã hiệp thương cử 35 vị tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam xã khóa X (nhiệm kỳ 2024 - 2029). Đại hội cũng đã hiệp thương cử Chủ tịch, 1 Phó Chủ tịch và 1 Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã.

Được biết, trong nhiệm kỳ qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Điện Phước chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động ngày càng cụ thể, thiết thực, góp phần thực hiện tốt các phong trào, các cuộc vận động do Mặt trận chủ trì phát động.(ĐÔNG ANH)

Hiệp Đức tổ chức thành công Ngày hội văn hóa - thể thao - du lịch năm 2023

Trong 2 ngày 12&13/12, Ủy ban MTTQ Việt Nam, Phòng Văn hóa - thông tin và Trung tâm VH-TT và truyền thanh huyện Hiệp Đức phối hợp tổ chức Ngày hội Văn hóa - thể thao - du lịch 3 xã vùng cao năm 2023. Đây là hoạt động chào mừng Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Trong ngày hội đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi như thi thuyết trình sáng tạo về du lịch và tái hiện lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc; thi ẩm thực, văn nghệ, thể dục - thể thao; biểu diễn trang phục truyền thống; múa cồng chiêng...

Qua ngày hội góp phần khôi phục, bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện; tạo cơ hội giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước...

Kết thúc ngày hội, Ban tổ chức đã trao giải Nhất toàn đoàn cho đơn vị xã Sông Trà; giải Nhì cho đơn vị xã Phước Trà và xã Phước Gia giải Ba.(VINH ANH)

TÂM ĐAN