Giải quyết khiếu nại, tố cáo ở Ninh Bình: Từ quyết tâm chính trị đến sức mạnh đồng thuận - (Kỳ 1): Tiềm ẩn nguy cơ trở thành 'điểm nóng'

Dự án Khu liên hợp thể thao sân golf hồ Yên Thắng là một trong những dự án chiến lược thu hút đầu tư, phát triển du lịch của tỉnh. Ảnh: CTV

" Đồng bào có oan ức mới khiếu nại, tố cáo, hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại, tố cáo. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào thấy rõ Đảng và Chính phủ quan tâm lo lắng đến quyền lợi của họ, do đó mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn". (Trích lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại buổi nói chuyện với cán bộ thanh tra tại Hội nghị Thanh tra toàn miền Bắc ngày 5/3/1960).

Theo một báo cáo gần đây nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: trong giai đoạn 2016-2021, số lượt công dân đến cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trong toàn quốc để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6% so với giai đoạn 5 năm trước (2011-2016); số lượt đoàn đông người cũng tăng tới trên 9%. Tình trạng khiếu kiện vượt cấp diễn ra khá phổ biến, nhất là vượt cấp lên Trung ương. Trong đó khiếu nại, tố cáo hành chính liên quan đến đất đai, môi trường tiếp tục gia tăng và có nguy cơ trở thành "điểm nóng" về an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Đó là câu chuyện chung của toàn quốc và Bình cũng không ngoại lệ khi trong 5 năm trở lại đây (từ năm 2019 đến nay), có tới 90% vụ việc khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh chủ yếu liên quan đến công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, thực hiện các chế độ, chính sách xã hội... Cá biệt có những vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài, vượt cấp, tiềm ẩn nguy cơ trở thành "điểm nóng" nếu không được giải quyết kịp thời.

Theo thống kê, từ năm 2019 đến nay, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã tiếp hơn 18.790 lượt công dân với 240 lượt đoàn đông người (so với giai đoạn 2014-2018, số lượt tiếp công dân tăng 1,13% và giảm 69 đoàn đông người). Trong gần 5 năm qua, toàn tỉnh tiếp nhận, xử lý trên 12.508 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với 531 vụ việc khiếu nại, tố cáo (giảm 0,8% so với giai đoạn 2014-2018).

Từ những vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài, vượt cấp

"Chúng tôi không thể chấp nhận", "Chúng tôi quá bức xúc", "Điều đó là phi lý", "Quá thiệt thòi", "Tôi quá mệt mỏi", "Thật khó có thể tin tưởng"… là những cụm từ mà những người từng tham gia khiếu kiện cảm khái chia sẻ với phóng viên về những bức xúc của gia đình, bản thân. Dù là câu chuyện của quá khứ, hay hiện tại thì trong hành trình đi tìm công lý, dường như mỗi người đều có chung một nỗi niềm, đó là sự "cực chẳng đã", là vì "máu chảy ruột mềm"…

Một ngày cuối thu, trong cái nắng chiều "rám trái bưởi", chúng tôi tìm đến Giáo họ Vinh Hạ, thị trấn Phát Diệm (Kim Sơn) để gặp ông Nguyễn Văn Hải, Trùm phó Giáo họ Vinh Hạ- một trong những nhân chứng của vụ việc khiếu kiện kéo dài hơn một thập kỷ.

Thong thả pha trà mời khách, khi chúng tôi gợi lại "chuyện xưa", ông Hải trầm ngâm, suy tư nhìn vào khoảng không trước mặt, rồi chậm rãi kể: Cách đây 15 năm, chính xác là vào năm 2008, có thời điểm tình hình an ninh trật tự ở khu vực nhà thờ Giáo họ rất căng thẳng. Lúc đầu chỉ là lời qua tiếng lại, sau dẫn đến xô xát, chỉ vì không tìm được tiếng nói chung giữa Ban chấp hành Giáo họ và một số hộ dân trong việc tranh chấp đất đai...

Theo ông Hải, sự việc này bắt nguồn từ những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (giai đoạn 1963 - 1969), Giáo họ Vinh Hạ đã thống nhất cho 5 hộ lương dân đi sơ tán vào ở và sau đó đã để các hộ này làm nhà tạm trong khuôn viên nhà thờ… Năm 2008, nhận thấy những vấn đề tiềm ẩn về an ninh trật tự, cũng như để bảo đảm tôn nghiêm chốn thờ tự, Ban chấp hành Giáo họ Vinh Hạ đã đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ di dời các hộ này ra khỏi khuôn viên nhà thờ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên các hộ vẫn chậm trễ trong việc di dời, khiến cho vụ việc trở nên căng thẳng, phức tạp. "Đây thực sự là nỗi bức xúc, trăn trở của Ban chấp hành Giáo họ Vinh Hạ trong suốt nhiều năm liền. Nếu không được giải quyết triệt để, thì những xung đột xảy ra không chỉ còn là câu chuyện về mâu thuẫn lợi ích đất đai, mà sẽ có nguy cơ chuyển hóa thành mâu thuẫn tôn giáo…"- ông Hải chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trùm phó Giáo họ Vinh Hạ (người đứng giữa) cho hay: vị trí này từng được Giáo họ cho 5 hộ dân làm nhà tạm. Ảnh: Trường Giang

Cổ nhân nói: "Hôn nhân, điền thổ, vạn cổ chi thù". Những mâu thuẫn về lợi ích xung quanh chuyện đất đai không dễ "hóa giải", nhất là trong quá trình đô thị hóa. Câu chuyện về khiếu kiện liên quan đến giải phóng mặt bằng Dự án Khu liên hợp thể thao sân golf hồ Yên Thắng là một trong những điển hình.

Nhằm thực hiện chiến lược thu hút đầu tư và phát triển du lịch của tỉnh, năm 2007, UBND tỉnh Ninh Bình phê duyệt Dự án Khu liên hợp thể thao sân golf hồ Yên Thắng với tổng diện tích 670 ha (thuộc địa phận huyện Yên Mô và thành phố Tam Điệp). Trong quá trình triển khai dự án đã phát sinh một số vấn đề phức tạp liên quan đến giải phóng mặt bằng (GPMB), do một số hộ dân cho rằng, việc áp giá đền bù so với thời điểm kiểm kê còn chưa phù hợp; một số hộ không đồng tình với việc điều chỉnh quy hoạch đường giao thông (đoạn đường ĐT.480D cũ) và gửi đơn khiếu nại, kiến nghị. Đây cũng là một trong những vụ việc khiếu kiện kéo dài, trở thành "điểm nghẽn" trong thu hút đầu tư của thành phố Tam Điệp, của tỉnh trong nhiều năm.

Ông Phạm Đình Cư, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn (thành phố Tam Điệp) cho biết: Thời điểm năm 2018, khi Dự án chính thức bước vào giai đoạn 3, 17 hộ dân ở thôn 9, xã Đông Sơn đã có những kiến nghị không đồng tình với việc Nhà nước giao một đoạn đường ĐT.480D (cũ) cho chủ đầu tư vì cho rằng ảnh hưởng đến việc thông thương. Mặc dù thành phố đã nhiều lần tổ chức đối thoại, họp dân và giải thích cặn kẽ, rằng: tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo thành phố Tam Điệp đầu tư thêm 2 tuyến đường mới (thay cho tuyến đường ĐT.480D cũ), đảm bảo nhu cầu giao thương, song người dân vẫn chưa đồng thuận. Sau đó đơn từ tiếp tục được gửi lên tỉnh, lên Trung ương, làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, cũng như sự phát triển du lịch của tỉnh…

Cũng liên quan đến việc tranh chấp đất đai, cách đây hơn 7 năm, nhiều người dân ở phố Nam Phong, phường Ninh Phong (thành phố Ninh Bình) từng chứng kiến cảnh hai gia đình bà Vũ Thị Vượng (gia đình chính sách) và gia đình ông Phạm Văn Bảo (hộ liền kề) thường xảy ra những lời to tiếng, xích mích, mâu thuẫn vì tranh chấp ranh giới ngõ đi chung. Năm 2016, bà Vượng gửi đơn tố cáo ông Bảo có hành vi gây cản trở gia đình bà xây dựng trên diện tích đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong quá trình giải quyết, vì nhiều nguyên nhân nên phải mất tới 5 năm sau (năm 2020) sự việc mới được giải quyết một cách triệt để. Hay như vụ khiếu kiện của một số người dân ở thôn Ngọc Lâm, xã Yên Lâm (Yên Mô) liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng phải mất tới 4 năm (từ năm 2017, sau khi các công dân có đơn gửi UBND tỉnh) mới giải quyết xong. Các vụ việc kéo dài đằng đẵng, gây mệt mỏi, bức xúc cho các bên, song có lẽ điều mà họ cảm nhận rõ nhất chính là sự sứt mẻ tình nghĩa giữa những người vốn từng "tắt lửa tối đèn có nhau" - thứ tình cảm không dễ gì có được, vì "bán anh em xa, mua láng giềng gần"!

Trên đây chỉ là 4 trong số nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài liên quan đến đất đai. Những vụ việc phức tạp chưa được giải quyết dứt điểm gây bức xúc dẫn đến tình trạng khiếu kiện đông người, vượt cấp lên tỉnh, Trung ương. Theo thông tin từ Công an tỉnh: Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 29 vụ tranh chấp, vụ kiện tập thể, vụ kiện cá nhân, chủ yếu liên quan đến giải phóng mặt bằng để thực hiện các công trình dự án. Có 192 lượt người lên các cơ quan Trung ương khiếu kiện; đáng chú ý, công dân khiếu kiện lưu trú dài ngày tại Hà Nội thường xuyên tập trung tại khu vực trung tâm chính trị, hành chính Ba Đình, khu vực Trụ sở Tiếp công dân Trung ương và nhà riêng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để gây rối… Điển hình như: sáng ngày 8/5/2018, 3 cá nhân Đỗ Thị Tám, Trần Văn Ngọc ở Kim Sơn, Phạm Thị Nhung ở thành phố Ninh Bình đã đến nhà riêng của Tổng Bí thư. Những người này đã được Công an quận Hai Bà Trưng giải thích và xử phạt vi phạm hành chính với hình thức Cảnh cáo về hành vi tụ tập đông người không đúng nơi quy định.

Ngoài ra, còn một số trường hợp thường tập trung đông người gây rối, làm mất an ninh trật tự tại trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Trụ sở tiếp Công dân của tỉnh. Đến năm 2019, Ninh Bình còn 4 vụ việc khiếu kiện thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện giải quyết, được đưa vào Kế hoạch 363, ngày 20/3/2019 của Thanh tra Chính phủ về Kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài".

Đến việc lợi dụng quyền hiến định

Khiếu nại, tố cáo là quyền cơ bản của công dân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Đó còn là phương thức thể hiện quyền dân chủ trực tiếp và thực hiện quyền phê bình, giám sát của Nhân dân đối với bộ máy nhà nước. Thế nhưng, một số cá nhân đã lợi dụng quyền hiến định này để vu khống, khiếu nại, tố cáo sai sự thật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức bị khiếu nại, tố cáo, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Cá biệt, còn có trường hợp lợi dụng tố cáo để cưỡng đoạt tài sản, phải xử lý hình sự.

Cũng liên quan đến việc lợi dụng khiếu kiện để gây rối an ninh trật tự, mới đây, vào cuối tháng 7 năm 2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Ninh Bình đã khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Đới Thị Phin (sinh năm 1959, xã Yên Mạc, Yên Mô) để điều tra về tội gây rối trật tự công cộng. Đây là một trong những đối tượng thường xuyên đeo bám khiếu kiện các cấp.

Một trường hợp khác cũng bị xử lý hình sự liên quan đến khiếu kiện, vi phạm pháp luật, đó là Trần Văn Ngọc (sinh năm 1954, xã Cồn Thoi, Kim Sơn). Trần Văn Ngọc cùng vợ con thường xuyên sinh sống, khởi kiện tại Hà Nội. Vào khoảng 7h40' ngày 8/6/2022, Trần Văn Ngọc cùng một số người dân cầm băng rôn có nội dung liên quan đến các vấn đề khiếu kiện, kéo đến khu vực bên ngoài cổng chính Trụ sở Tiếp công dân Trung ương. Tại đây, ông Ngọc có hành vi la hét với lời lẽ phản cảm, gây mất trật tự. Trước hành động này, ông Ngọc đã bị Công an quận Hà Đông, thành phố Hà Nội bắt, khởi tố bị can về tội Gây rối trật tự công cộng và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 19/9/2022. Sau đó, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử phúc thẩm tuyên phạt Trần Văn Ngọc 12 tháng tù giam.

Đáng chú ý, đã có không ít phần tử cơ hội lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, kích động, chống phá, xuyên tạc chế độ nhằm lôi kéo một số người dân nhẹ dạ, cả tin vào các hoạt động biểu tình, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Điển hình là đối tượng: Lê Văn Sinh (sinh năm 1965, xã Ninh Mỹ, Hoa Lư) thường xuyên khiếu kiện, lợi dụng khiếu kiện để trục lợi và nhiều lần đăng tải, chia sẻ các tin, bài, hình ảnh có nội dung nói xấu Đảng, chế độ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, phản ánh sai sự thật, xuyên tạc, tạo dư luận xấu. Ngày 15/2/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã bắt Lê Văn Sinh và khởi tố về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Sau đó Tòa án nhân dân tỉnh xét xử, tuyên phạt Lê Văn Sinh 5 năm tù giam và 3 năm quản chế sau khi mãn hạn tù.

Ông Vũ Gia Long, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh Ninh Bình cho biết: Nhìn chung, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong những năm qua cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn phức tạp. Mặc dù hầu hết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đều đã được các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền của tỉnh quan tâm chỉ đạo, xem xét, giải quyết, nhưng một số công dân vẫn cố tình, tiếp tục khiếu kiện hoặc chuyển sang tố cáo người ký ban hành văn bản giải quyết; một số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án Nhân dân các cấp nhưng công dân khiếu kiện đến các cơ quan hành chính Nhà nước. Vẫn còn một số công dân thiếu ý thức pháp luật, không thực hiện nghiêm nội quy, quy chế tiếp công dân, có hành vi lăng mạ, xúc phạm cán bộ tiếp công dân; một số khác bị kẻ xấu lợi dụng lôi kéo, kích động gây rối hoặc tham gia khiếu kiện làm mất an ninh, trật tự ở địa phương. Đã vậy, một số người thiếu sự hợp tác với các cơ quan quản lý Nhà nước, đưa ra những đề nghị không có căn cứ pháp lý để giải quyết, điển hình như: một số công dân của thành phố Tam Điệp liên quan đến giải phóng mặt bằng xây dựng cầu vượt Quốc lộ 1A trên địa bàn phường Nam Sơn (năm 2021); một số công dân của huyện Nho Quan liên quan đến giải phóng mặt bằng xây dựng Quốc lộ 12B; công dân xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn liên quan đến giải phóng mặt bằng đê biển Bình Minh...

Các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài chưa được giải quyết triệt để không chỉ làm giảm sút niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước mà còn là cơ hội để những phần tử xấu lợi dụng, kích động, chống phá, xuyên tạc chế độ nhằm lôi kéo một số người dân vào các hoạt động biểu tình, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đáng chú ý, cứ vào dịp chuẩn bị diễn ra sự kiện chính trị lớn như Đại hội Đảng các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp... thì tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo lại "nóng" lên, trong đó có những đơn thư tố cáo nặc danh nội dung phần nhiều nửa hư nửa thực, thậm chí vu khống nhằm bôi nhọ, triệt hạ người khác. Tất cả những vấn đề trên đã đặt ra cho cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng bài toán cần có lời giải giải quyết triệt để, nhằm bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tính nghiêm minh của pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; củng cố niềm tin của Nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm cho mối quan hệ gắn bó giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước ngày càng bền chặt hơn.

Bùi Quang - Đinh Ngọc

Kỳ 2: Kiên quyết không để hình thành "điểm nóng"