Dược liệu giúp nhiều đồng bào thoát nghèo

Để phát triển nguồn dược liệu quý, tỉnh Tum đã xây dựng "Đề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030".

Cây sâm Ngọc Linh nói riêng và dược liệu nói chung đang là định hướng thoát nghèo bền vững và làm giàu cho bà con dân tộc thiểu số ở huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.

Bước đầu, tỉnh đã xây dựng được vùng dược liệu tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông. Một số sản phẩm từ dược liệu của Kon Tum đã được thị trường đón nhận. Việc phát triển dược liệu đã góp phần giảm nghèo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đến nay, Kon Tum là tỉnh có diện tích sâm Ngọc Linh lớn nhất nước 1.800 ha với mô hình đa dạng, điển hình nhất là liên kết với người dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số... Mỗi năm, Kon Tum có khả năng cung ứng hơn 1 triệu cây giống cho người dân.

Tu Mơ Rông hiện là địa phương có nhiều diện tích trồng sâm Ngọc Linh nhất của tỉnh Kon Tum. Toàn huyện hiện trồng 1.700 ha sâm, trong đó người dân trồng 100 ha với khoảng 600 hộ tham gia.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, để người nông dân phát triển dược liệu làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, UBND huyện đã tích cực tìm nguồn vốn hỗ trợ bà con nông dân mua cây giống để trồng sâm, thay đổi cơ cấu cây trồng truyền thống giúp mang lại thu nhập cao hơn.

Cụ thể, năm 2022, người dân vay 39 tỷ đồng để làm vốn trồng cây sâm Ngọc Linh; riêng năm 2023, người dân vay gần 80 tỷ đồng để trồng và phát triển loại cây này, chưa nói tới dược liệu khác.

Theo ông Mạnh, huyện Tu Mơ Rông sẽ tiếp tục đẩy mạnh vận động người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang nông nghiệp hàng hóa có giá trị cao như sâm Ngọc Linh hay các loại dược liệu.

Cũng nhờ vào dược liệu, giai đoạn 2020-2022, toàn huyện có 1.947 hộ thoát nghèo; trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ cây sâm Ngọc Linh.

Chỉ tính riêng 3 xã chuyên trồng dược liệu là: Tê Xăng, Măng Ri, Ngọc Lây, có 67 hộ được xếp vào diện nông dân tiêu biểu. Những người này có thu nhập từ 500 triệu đồng đến trên 10 tỷ đồng.

Trong đó, nhiều tỷ phú là đồng bào dân tộc thiểu số, tuổi đời còn trẻ nhưng dám dấn thân, nhanh nhạy với thời cuộc.

Điểm chung là họ biết khai thác giá trị của cây dược liệu, biến loại cây vốn là thế mạnh của vùng đất họ ở trở thành cây làm giàu cho chính họ.

Không chỉ người dân làm giàu nhờ dược liệu, mà Tu Mơ Rông còn trải thảm đỏ mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp hợp tác xã đầu tư vào dược liệu.

Chính những đơn vị này đã xây dựng được vùng trồng rộng hàng nghìn ha, cũng như tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị để xuất khẩu, góp phần đưa thương hiệu dược liệu Tu Mơ Rông vươn xa.

Trong sự thành công của doanh nghiệp nói trên, người dân đồng bào Xơ Đăng giữ vai trò trung tâm và được hưởng lợi trực tiếp.

Được biết, theo kết quả điều tra sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc, 30/853 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường và khoảng 27 loài cây thuốc được trồng, sử dụng nhiều trong các cơ sở khám, chữa bệnh, có giá trị chữa bệnh và giá trị kinh tế cao như: Sâm Ngọc Linh, Lan Kim tuyến, Hồng Đẳng Sâm.

D.Ngân