Du lịch sức khỏe tại Việt Nam chưa bắt kịp với thế giới

Du lịch sức khỏe được “xúc tác” sau đại dịch

Loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) dự báo là một trong sáu xu hướng du lịch sẽ phát triển mạnh trong thế kỷ 21. Đặc biệt, dịch bệnh COVID-19 với những hệ lụy to lớn của nó được xem là “chất xúc tác” quan trọng làm phát triển nhanh chóng của du lịch chăm sóc sức khỏe từ năm 2021 đến nay.

Theo nghiên cứu của PGS.TS Phạm Hồng Long (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) và Ngô Việt Anh (Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển), Công ty Phân tích Dữ liệu và Nghiên cứu Thị trường YouGov đã khảo sát khách du lịch cho rằng chỉ 1/5 (21%) du khách toàn cầu hiện đang đi du lịch vì lý do sức khỏe và chăm sóc sức khỏe năm 2022. Vào năm 2023 nhu cầu này tăng lên nhanh chóng, với 29% khách du lịch toàn cầu cho biết họ quan tâm đến việc đi du lịch vì lý do sức khỏe trong tương lai.

Du lịch chăm sóc sức khỏe đang ngày càng phát triển trên thế giới và Việt Nam. Nguồn: FEMOR

PGS.TS Phạm Hồng Long cho biết tại châu Á, du lịch sức khỏe đã được quan tâm phát triển từ lâu tại Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản. Năm 2003, thị trường dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế được mở ra tại Hàn Quốc, đến năm 2009, các tổ chức cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành là trung gian, trực tiếp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế cho du khách quốc tế đã được hợp pháp hóa, đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của chuỗi cung ứng các dịch vụ liên quan đến sức khỏe, làm đẹp tại Hàn Quốc.

Du lịch chăm sóc sức khỏe ở Nhật Bản đã hình thành và phát triển từ rất lâu với các chế độ ăn uống lành mạnh, chữa lành về tâm trí kết hợp với thiên nhiên, dược liệu,… Trong đó nổi bật là những loại hình như tắm rừng, tắm cát, suối nước nóng, các liệu pháp spa như mát-xa, chăm sóc da, tắm bùn, xoa bóp bấm huyệt truyền thống, chữa bệnh bằng năng lượng hay những khóa tu tâm linh bình yên và tĩnh lặng…

Du lịch chăm sóc sức khỏe là loại hình khuyến khích du khách chi tiêu nhiều hơn tại điểm đến. Nguồn: The Anam Mũi Né

Tuy nhiên, dù du lịch chăm sóc sức khỏe đang ngày càng phát triển trên thế giới thì tại Việt Nam, sản phẩm này còn ít, chưa đa dạng, ít cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe đạt quy mô, chất lượng để đón khách có khả năng chi trả cao. Số cơ sở được công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch và cấp biển hiệu còn hạn chế, chỉ trên dưới 10 cơ sở. Phần lớn cơ sở quy mô nhỏ, nhân lực hạn chế, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản của khách du lịch.

Theo số liệu của Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, trước đại dịch COVID-19, năm 2018 có 350.000 người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh kết hợp nghỉ dưỡng và chi tiêu 2 tỷ USD. Trong khi đó hàng năm cũng có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh kết hợp du lịch và chi tiêu tới hàng tỷ USD. Điều đó cho thấy, không chỉ khách quốc tế mà khách nội địa cũng là đối tượng đầy tiềm năng của loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe.

Chăm sóc sức khỏe là lý do khách chi tiêu nhiều hơn

Tại hội thảo khoa học về “Thực trạng và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam” do Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội tổ chức mới đây, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết về phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

TS. Nguyễn Lan Anh (Học viện Chính sách và Phát triển) nhận định, vai trò của sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe là giúp khách du lịch nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng sau một thời gian làm việc mệt mỏi. Ngoài ra, sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành du lịch, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút khách du lịch quốc tế. Đây cũng là loại hình khuyến khích du khách chi tiêu nhiều hơn tại điểm đến, khách hàng nhìn chung có mức chi tiêu cao, chủ yếu là những người trung niên, người thu nhập cao và thường đi nghỉ dài ngày.

Hội thảo khoa học về “Thực trạng và giải pháp phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam” do Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội tổ chức.

Khảo sát của nhóm nghiên cứu đề tài “Phát triển sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam” cũng cho thấy đặc điểm của khách du lịch chăm sóc sức khỏe, đó là thời gian lưu trú từ 3 – 5 ngày, phần lớn là người cao tuổi. Những yếu tố như sử dụng dược liệu phục hồi sức khỏe hay coi chăm sóc sức khỏe là mục tiêu đi du lịch cũng được nhiều du khách ưu tiên lựa chọn.

Hiện nay nhiều khách sạn, resort tại Việt Nam đã coi chăm sóc sức khỏe như một dịch vụ gia tăng cho khách lưu trú như, nổi bật như các chương trình tại Alba Wellness Valley by Fusion (Thừa Thiên Huế), TIA Wellness Resort (Đà Nẵng), The Anam Mũi Né (Bình Thuận), Alma Resort Cam Ranh (Khánh Hòa)… Các công ty lữ hành cũng chủ động xây dựng sản phẩm chăm sóc sức khỏe, như tour du lịch chữa lành của Công ty Femor hay các gói du lịch sức khỏe của Công ty Nature X Việt Nam.

Một cơ sở cung cấp gói tắm thảo mộc truyền thống của người Dao tại Lào Cai. Nguồn: Silk Path Grand Sa Pa Resort & Spa

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam vẫn còn ít, đa phần là “nhập khẩu” chứ chưa khai thác tốt yếu tố bản địa, chưa khai thác tốt hệ thống cây dược liệu phong phú và nền y học cổ truyền nổi tiếng của Việt Nam. Một số sản phẩm chăm sóc sức khỏe chủ yếu hướng đến khách chi trả cao, nên các phân khúc thấp hơn sẽ không lựa chọn dịch vụ này như một tiêu chí lựa chọn khi đi du lịch.

Ông Lê Công Năng - Tổng Giám đốc Công ty du lịch Wondertour kỳ vọng Việt Nam sẽ khai thác du lịch chăm sóc sức khỏe bằng những cách riêng để tạo thành dòng sản phẩm thế mạnh, mang thương hiệu quốc gia. “Đi sau Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản nên loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam phải cân nhắc, so sánh, tạo sự khác biệt để thu hút du khách. Nên sử dụng phương thức truyền thống, bởi Việt Nam là một trong những nước có nền y học cổ truyền nổi tiếng, hiệu quả. Ví dụ như một số công ty lữ hành đã đưa khách trải nghiệm dịch vụ chăm sóc sức khỏe như tắm thuốc của những người Dao đỏ, tạo được trải nghiệm tốt đối với khách nước ngoài”.

Hải Nam/VOV.VN