Đồng Nai - bức tranh văn hóa đa sắc

Người Dao ở Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn An

Những dấu chân của nhiều thế hệ cư dân cổ

Cách đây 30 năm, tôi khá tò mò trước cách nói của một nhà nghiên cứu Đồng Nai trước đây “Lòng đất Đồng Nai cực kỳ sâu thẳm và lý thú” trước khi được xem những hiện vật khảo cổ. Điều lý thú đó đã được giải mã thêm từ những đợt khai quật, công trình nghiên cứu về không gian văn hóa cổ trên đất Đồng Nai. Những phát hiện ngày càng nhiều về địa điểm cư trú, công xưởng, mộ táng và sự phong phú công cụ sản xuất, săn bắt, vũ khí, đồ trang sức, nhạc cụ… của người xưa. Một chặng đường dài tích lũy, cư dân tiền sử để lại dấu ấn ấn tượng, định danh “Văn hóa Đồng Nai” có tính chất của khu vực trong gia đình văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh trên dải đất hình chữ S thân thương.

Nơi lưu giữ và trưng bày những dấu tích tiêu biểu của văn hóa Đồng Nai tại Bảo tàng Đồng Nai, có bộ sưu tập được công nhận là bảo vật quốc gia: Sưu tập vũ khí bằng chất liệu đồng được phát hiện ở Long Giao (H.Cẩm Mỹ) cho thấy kỹ thuật luyện kim đồng mang tính mỹ thuật, nghệ thuật trang trí, phản ánh sức mạnh của người cổ trên tiểu vùng đất đỏ bazan (năm 2021); tượng thần Vishnu Bình Hòa (TP.Biên Hòa) với phong cách tạo hình độc đáo cách đây hơn 16 thế kỷ phản ánh về tín ngưỡng, tôn giáo (năm 2021); bộ đàn đá Bình Đa (TP.Biên Hòa) phát hiện năm 1979, niên đại hơn 2.000 năm cách ngày nay minh chứng sự thụ cảm âm nhạc tinh tế của người cổ (năm 2022). Trên vùng đất đỏ bazan Xuân Lộc, di tích mộ cự thạch (đá lớn) Hàng Gòn (TP.Long Khánh) là kiến trúc độc đáo, chứa nhiều bí ẩn chưa giải mã về cư dân cổ, được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (năm 2015).

Thời tiền sử và sau Công nguyên, vùng đất Đồng Nai xưa hình thành những trung tâm văn hóa với sự phát triển năng động của cộng đồng cư dân. Những dấu ấn đặc biệt được xem là trầm tích văn hóa góp phần định danh văn minh Đồng Nai trong một chặng đường phát triển trên vùng đất Nam bộ.

Lễ hội nông nghiệp ở vùng bán sơn địa của dân tộc tại chỗ

Vùng rừng núi phía Bắc tỉnh Đồng Nai có dạng địa hình chuyển tiếp từ cuối dãy của đại ngàn Trường Sơn xuống khu vực của sông, rạch chằng chịt qua Đông Nam bộ. Trên địa bàn này, những nhóm cư dân thuộc Mạ, Chơro, S’tiêng… thuộc nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer sinh sống, đã linh hoạt thích ứng lưu lại dấu ấn văn hóa tộc người. Tập quán phong tục tiêu biểu gắn kết cộng đồng là những lễ nghi của nông nghiệp vùng bán sơn địa chu kỳ đời người và vòng cây trồng mà lúa rẫy mang tính chủ đạo.

Người dân tộc thiểu số bảo tồn nghề truyền thống. Ảnh: Lê Hữu Thiết

Dẫu qua nhiều biến đổi của môi trường cư trú nhưng những lễ thức ứng xử với thần linh (thần lúa, thần rừng, thần nhà…) phản ánh quan điểm về thế giới và cuộc sống đa dạng. Mừng lúa mới là niềm vui khôn tả của các tộc người sau kết quả của một mùa vụ đầy bất trắc khi lệ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên. Các tộc người đã tổ chức những ngày cộng đồng trong từng buôn, sóc khi lúa đầy kho và thực hiện nghi thức hiến sinh vật quý giá (trâu, bò, heo, dê…) dâng cho thần linh và biết ơn tổ tiên như lễ Yang Koi, Sayangva… Cây nêu trong lễ hội mừng lúa mới của người Chơro, Mạ, S’tiêng biểu thị của mối giao hòa với thế lực siêu nhiên nhưng gần gũi, giao hòa trong cộng đồng để cùng nhau vượt qua những gian khó hướng đến cuộc sống tốt an vui.

Trong môi trường của lễ hội, niềm hân hoan của con người được biểu đạt từ bài hát giao duyên đầy hình ảnh thân thương, tiếng kèn thổ lộ nỗi lòng và rộn rã bởi những nhịp phách của ching goong soi bóng qua ánh lửa hồng thâu đêm. Cộng đồng cùng hòa vui thưởng thức những món ăn thú vị được khai thác, chế biến từ môi trường rừng với rượu cần diệu vợi men nồng.

Tín ngưỡng và lệ cầu an của làng người Việt

Vùng “đất rộng người thưa” một thời của Biên Hòa - Đồng Nai trở thành điểm đến lý tưởng của người Việt trong chặng đường tìm sinh kế đến phương Nam. Dòng sông Đồng Nai trở thành huyết mạch quan trọng để lưu dân Việt ngược dòng lập làng, định cư.

Mỗi làng được lập theo tập quán và ứng xử quê gốc, đình được dựng lên để thờ thần linh cai quản. Xứ đất lạ với “bao tai ương, nguy cơ đe dọa” cuộc sống, người Việt tôn thờ vị thần bảo hộ cho cộng đồng với tâm niệm và khát vọng về bình an, sung túc. Đình làng của người Việt khá nhiều, trải qua nhiều giai đoạn phát triển và trở thành một mạch nguồn trong dòng chảy của đời sống cư dân.

Theo lệ, có nhiều vị thần được thờ và những người có đức, có công với xứ sở được lòng dân tôn kính lên bậc “Thành hoàng bổn cảnh”. Vinh dự cho bổn thôn, làng xã khi thần linh của đình được triều đình sắc phong. Gắn với tục thờ thần Thành hoàng là lệ cầu an được lưu tồn để cầu mong cho đất nước hòa bình, cho dân làng được bình yên (quốc thái dân an), thời tiết thuận hòa (phong điều vũ thuận), mùa màng tốt tươi (phong đăng hòa cốc), cuộc sống được sung túc.

Truyền thống nhớ nguồn, tri ân và ứng xử nhân văn được thể hiện qua lòng thành của con người qua trình tự nghi tiết, lễ thức nghiêm cẩn trong lệ cầu an. Trong không khí thiêng của lễ là nghĩa tình được gắn kết và cũng là môi trường để con người duy trì những hoạt động đáp ứng cho nhu cầu tinh thần với nhiều khát vọng tốt đẹp. Cùng với thần Thành hoàng, nhiều nơi có miếu thờ nữ thần với danh xưng gần gụi là Bà hay Nương nương… cùng những biểu đạt trong cách tế tự theo kỳ của năm: hát chầu văn, múa dâng bông, mâm vàng, bóng rỗi…

Ngày nay, môi trường cư trú xưa có nhiều thay đổi, tính chất thuần nông không còn như trước, phố thị phát triển nhưng lệ cầu an vẫn được duy trì vào “xuân thu nhị kỳ” kéo con người lại gần với nhau hơn.

Dấu ấn của người Hoa trên đường an trú

Những biến động chính trị, xã hội từ Trung Hoa là lý do một bộ phận người Hoa vượt biển tìm đến Biên Hòa mưu cầu cuộc sống mới. Trên vùng đất mới, những nhóm người Hoa phát huy khả năng của mình, góp phần trong khai khẩn và phát triển thương mại, tạo nên môi trường giao thương hàng hóa, làng nghề phát triển.

Cù lao Phố (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) là thương cảng một thời tấp nập phản ánh cho sự phát triển kinh tế hàng hóa. Làng nghề gốm Tân Vạn, làng đá Bửu Long là chứng tích cho một thời phát triển có sự đóng góp của cộng đồng này trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh phát triển kinh tế, đời sống tinh thần của người Hoa được tạo dựng với thiết chế tín ngưỡng mang tính chất bang hội qua những cơ sở thờ tự Quan Thánh đế quân, Thiên Hậu thánh mẫu, Quảng Trạch vương… Thất phủ cổ miếu ở cù lao Phố được xem là ngôi chùa Hoa cổ kính với lễ hội nhiều màu sắc và nghi thức đã được đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia (năm 2023). Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu/miếu Tổ sư ở P.Bửu Long diễn ra trong không gian văn hóa rộng, đan xen nghi thức tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn làng nghề điêu khắc đá lâu đời.

Nét độc đáo của cư dân thiểu số phía Bắc

Từ nửa sau thế kỷ XX, nhiều tộc người ở miền núi phía Bắc đến Đồng Nai qua những đợt di dân, chuyển cư. Khi ổn định cuộc sống, những cư dân từng hồi duy trì các tập quán, tín ngưỡng cộng đồng.

Người Nùng trọng thờ Quan âm trong các địa bàn cư trú ở các miếu. Theo chu kỳ hoặc nhu cầu của cộng đồng, lễ hội Tả tài phán/Vạn nhân duyên được tổ chức với sự tham gia đông đảo của cộng đồng. Những tín niệm và nghi lễ của dân gian, Đạo giáo, Phật giáo dung hợp trong các nghi lễ sinh động, mang tính huyền thuật.

Thi đẩy gậy. Ảnh: Vũ Tiến Chương

Người Tày, Thái dần phục dựng hội làng Lồng tồng/xuống đồng, điệu múa sạp vui nhộn và lối hát then độc đáo.

Dân tộc Mường ở Phú Túc (H.Định Quán) có lễ hội tại đình làng với sự chủ trì của thầy mo trong các nghi thức cầu an chúc phúc…

*

Quá trình sinh sống trên vùng đất Đồng Nai, cộng đồng các dân tộc đã góp phần để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử, làm cho đời sống văn hóa thêm đa dạng. Bên cạnh những lễ hội và tập quán trong đời sống tinh thần, bức tranh văn hóa được tô thắm sắc màu bởi những di tích vật thể mang đặc trưng của từng tộc người, phản ánh truyền thống văn hóa, gắn kết trong cộng đồng, dân tộc: miếu, đình, chùa, đền, nhà thờ, đền... Nhiều công trình kiến trúc liên quan đến danh nhân, sự kiện tiêu biểu trong lịch sử chống ngoại xâm được xếp hạng di tích lịch sử. Đời sống tinh thần của người dân từ tín ngưỡng đến tôn giáo được duy trì, làm phong phú sắc thái văn hóa trong bức tranh văn hóa cộng đồng. Nguồn di sản quý báu này cần được bảo tồn và phát huy, khai thác trong đời sống đương đại. Đó là những nét duyên cùng với cảnh quan tạo nên môi trường sống hiện đại và ứng xử nhân văn khi con người biết trân trọng quá khứ, thành quả của nhiều thế hệ làm hành trang trên con đường vào tương lai.

Phan Đình Dũng